Hạn chế nhà đầu tư cá nhân tham gia trái phiếu riêng lẻ, theo giới phân tích, là hợp lý nhưng cần tính việc bù đắp khoảng trống khi nhóm này chiếm 20% thị trường.
Ngày mai, Chính phủ sẽ trình Quốc hội một luật sửa đổi, bổ sung một số điều 7 luật liên quan tới tài chính. Trong đó, sửa một số điều Luật Chứng khoán, Chính phủ đề xuất chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức tham gia thị trường trái phiếu riêng lẻ. Tức là, nhà đầu tư cá nhân sẽ không được tham gia thị trường này.
Bộ Tài chính – cơ quan chủ trì soạn thảo sửa đổi luật này – cho rằng, trái phiếu chào bán riêng lẻ, đặc biệt loại do doanh nghiệp chưa niêm yết phát hành, là sản phẩm có tính rủi ro cao. Nhiều nước không cấm nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp tham gia thị trường này, song thực tế giao dịch mua bán, đầu tư được thực hiện giữa các tổ chức chuyên nghiệp.
Ở góc độ nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp, việc cấm hoàn toàn có thể là một rào cản cho việc đa dạng hóa danh mục đầu tư của họ. Nguyễn Nam, một nhà đầu tư cá nhân với danh mục hơn 5 tỷ đồng, cho rằng trái phiếu riêng lẻ, với mức lãi suất cao hơn so với một số kênh đầu tư nhận lãi cố định khác, vẫn là một lựa chọn phù hợp với người có kinh nghiệm.
Nhà đầu tư này cho rằng nhiều doanh nghiệp chọn kênh riêng lẻ để đẩy nhanh quá trình huy động vốn, họ vẫn thực hiện các nghĩa vụ tài chính đúng hạn. “Dù xuất hiện nhiều hệ lụy, nếu quan sát rộng toàn thị trường không phải toàn bộ các trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đều xấu. Với nhà đầu tư, đây vẫn là một kênh rót vốn phù hợp”, Nam nhận xét.
Kênh đầu tư này phát sinh nhiều hệ lụy từ nửa cuối năm 2022, nhiều doanh nghiệp mất khả năng chi trả, nhà đầu tư mắc kẹt với khoản tiền rót vào kênh trái phiếu. Dù vậy, đây không phải vấn đề chỉ riêng thị trường Việt Nam, áp lực thanh toán với kênh đầu tư này tại nhiều thị trường khác cũng diễn ra tương tự.
“Cấm nhà đầu tư cá nhân với kênh trái phiếu riêng lẻ là phù hợp, nhưng sẽ không công bằng với một số người”, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta nhận xét.
Ở góc độ đầu tư, bản chất lợi nhuận và rủi ro luôn song hành. Với những nhà đầu tư có kiến thức, khả năng đánh giá và chấp nhận rủi ro, trái phiếu riêng lẻ vẫn là lớp tài sản phù hợp để họ đa dạng hóa các kênh rót vốn, theo Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta.
Theo nhóm phân tích từ Fiin Ratings – đơn vị xếp hạng tín nhiệm thuộc Fiingroup, trái phiếu riêng lẻ là sản phẩm có tính chuẩn hóa thấp, dẫn tới rủi ro tín dụng cao. Vì thế, việc hạn chế sự tham gia của nhóm nhà đầu tư cá nhân vào thị trường trái phiếu riêng lẻ là hợp lý, do phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như đặc thù sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Tại Trung Quốc, nhà đầu tư cá nhân gần như không tham gia sở hữu trực tiếp trái phiếu doanh nghiệp. Họ đầu tư qua ủy thác và mua chứng chỉ quỹ. “Cuộc chơi” trái phiếu doanh nghiệp ở một số quốc gia châu Á khác cũng chủ yếu do các ngân hàng, quỹ đầu tư. Tại Indonesia, ngân hàng và các quỹ đầu tư chiếm hơn 80% thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tỷ lệ này ở Hàn Quốc khoảng 40%.
Ở Thái Lan, tỷ lệ tham gia của cá nhân ở mức cao do áp dụng định nghĩa nhà đầu tư giàu có (high-net-worth investors). Nhóm này tại Thái Lan có tài sản ròng 30 triệu bath (22 tỷ), thu nhập hàng năm ít nhất 2,2 tỷ đồng hoặc tổng danh mục chứng khoán 8 triệu bath (khoảng 6 tỷ đồng).
Giám đốc phân tích một công ty chứng khoán tại TP HCM cũng nhìn nhận việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp chưa niêm yết, là sản phẩm có tính rủi ro rất cao. “Nhiều đơn vị phát hành đưa ra mức lãi suất cao để thu hút nhà đầu tư, nhưng lợi nhuận thường đi kèm với rủi ro và nhà đầu tư cá nhân khó lường trước những điều này”, chuyên gia này nhận định.
Thậm chí, một số tổ chức phát hành hướng tới việc thu hút nhà đầu tư cá nhân ngay từ đầu, sử dụng nhiều cách thức để lách đường đi trái phiếu. Như vụ việc tại Tân Hoàng Minh, các lô trái phiếu được phát hành cho chính các công ty liên quan, rồi chào bán lại cho nhà đầu tư cá nhân.
Việc hạn chế nhà đầu tư cá nhân ở kênh này cũng đặt ra một bài toán khác cho thị trường, là tìm nguồn lực thay thế chủ thể này. Theo FiinRatings, tính tới cuối năm 2023, nhà đầu tư cá nhân chiếm hơn 20% thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong khi ngân hàng, quỹ đầu tư khoảng 51%. Dù vậy, xét về quy mô, nhóm tổ chức, ngân hàng chiếm bốn phần năm thị trường này.
Tỷ trọng các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí và công ty bảo hiểm thấp hơn đáng kể so với các thị trường trong khu vực. Tại Việt Nam, tỷ lệ tham gia của nhóm này trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp chỉ khoảng 9%, so với mức 37% của Thái Lan, 54% tại Trung Quốc và 63% ở Indonesia.
Trường hợp không còn được tham gia trực tiếp vào thị trường, theo ông Thế Minh, một giải pháp với những nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp là họ có thể mua chứng chỉ quỹ đầu tư trái phiếu. Cách thức này giảm bớt phần nào rủi ro cho nhà đầu tư, dù không hoàn toàn. Bởi các quỹ có bộ phận đánh giá rủi ro, lựa chọn trái phiếu tỷ lệ an toàn hơn.
“Rót tiền vào các quỹ không hẳn là an toàn tuyệt đối. Trong giai đoạn khó khăn của thị trường hai năm trước, các quỹ trái phiếu bị bán tháo cũng không phải chuyện hiếm. Tuy nhiên, kênh đầu tư này ít nhất cũng đảm bảo phần nào thanh khoản”, ông Minh đánh giá.
Theo các chuyên gia và đơn vị nghiên cứu thị trường, cơ quan quản lý cũng cần sớm rà soát những hạn chế đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp của các nhà đầu tư tổ chức. Trong đó, tạo điều kiện và tăng sự hấp dẫn thị trường với nhóm nhà đầu tư nước ngoài có thể bù đắp một phần.
Tính tới cuối năm 2023, nhà đầu tư nước ngoài tham gia khoảng 3% thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Nhóm này chủ yếu đầu tư trái phiếu của các doanh nghiệp lớn. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt đang có nhu cầu lớn về vốn dài hạn trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực hướng đến việc nâng hạng lên “thị trường mới nổi” để thu hút dòng vốn nước ngoài.
“Tiềm năng mở rộng quy mô thị trường từ nhóm nhà đầu tư này là rất lớn, do họ có kinh nghiệm, tiềm lực tài chính và khả năng chấp nhận rủi ro cao”, nhóm phân tích FiinRatings bình luận.
Ngoài công nhận là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, công ty xếp hạng tín nhiệm này cho rằng nội tại thị trường cũng cần cải thiện. Trong đó, các đơn vị phát hành cần nâng tính minh bạch và chất lượng công bố thông tin, như đẩy mạnh áp dụng xếp hạng tín nhiệm, phát triển cơ sở dữ liệu về đường cong lãi suất và lịch sử chậm trả…
Minh Sơn
Nguồn tin: https://vnexpress.net/vi-sao-han-che-nha-dau-tu-ca-nhan-tham-gia-trai-phieu-rieng-le-4804900.html