Dự kiến, đến năm 2025, tỉnh này sẽ đạt khoảng 10 tỷ USD vốn FDI đăng ký, hoàn thành 333,3% kế hoạch.
Từ năm 2019 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực đón tiếp và làm việc với khoảng 130 lượt đoàn tổ chức, nhà đầu tư và doanh nghiệp đến tìm hiểu môi trường đầu tư. Nổi bật, Quảng Ninh đã sớm hoàn thành các mục tiêu về vốn FDI đăng ký và vốn FDI thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.
Theo thống kê, từ năm 2021 đến hết tháng 6/2024, vốn FDI đăng ký trên địa bàn đạt 8,43 tỷ USD, tương đương 281% kế hoạch cả giai đoạn; vốn FDI thực hiện đạt 2,69 tỷ USD, đạt 134,5% kế hoạch.
Dự kiến, đến năm 2025, Quảng Ninh sẽ đạt khoảng 10 tỷ USD vốn FDI đăng ký, hoàn thành 333,3% kế hoạch, trong khi vốn FDI thực hiện có thể đạt khoảng 4,1 tỷ USD, bằng 205% kế hoạch.
Nhờ triển khai nhiều giải pháp tích cực nhằm cải thiện môi trường đầu tư và đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, từ năm 2019 đến nay, Quảng Ninh đã thu hút được sự quan tâm của nhiều tập đoàn kinh tế đa quốc gia và các doanh nghiệp lớn như Foxconn, Lite-on, Coremax, Boltun (Đài Loan); Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương, Xiamen Sunrise (Trung Quốc); Mitsubishi, Sojitz (Nhật Bản); Daewoo E&C và Samsung Engineering (Hàn Quốc).
Trên địa bàn tỉnh hiện có 197 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 15,5 tỷ USD. Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh, trong 9 tháng đầu năm, tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) cho 27 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt hơn 1,7 tỷ USD.
Quảng Ninh đặt mục tiêu đạt 10 tỷ USD vốn FDI trong năm 2025 |
Trong số này, có hai dự án được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sau khi điều chỉnh, gồm dự án Xưởng sản xuất vàng mã tại CCN Kim Sen với vốn đầu tư 0,82 triệu USD và dự án Trung tâm thương mại Aeon Mall Hạ Long với vốn đầu tư hơn 214 triệu USD.
Số lượng dự án cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tăng 1,4 lần so với cùng kỳ, trong khi tổng vốn đầu tư đăng ký tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Tỉnh cũng đã điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 48 lượt dự án, gấp 9,5 lần cùng kỳ 2023. Trong đó, có 19 lượt dự án được điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 207,41 triệu USD, cao gấp 7,8 lần so với cùng kỳ năm trước.
Các dự án mới chủ yếu tập trung tại các khu công nghiệp trên địa bàn thị xã Quảng Yên và huyện Hải Hà, góp phần đưa vốn FDI thu hút tại các khu công nghiệp, khu kinh tế đạt gần 1,6 tỷ USD, chiếm 87,2% tổng vốn FDI toàn tỉnh.
Từ đầu năm đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 6/21 ngành kinh tế của tỉnh. Dẫn đầu là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng vốn đầu tư gần 1,6 tỷ USD, chiếm 85,6% tổng vốn đăng ký. Trong đó, có 3 dự án có quy mô vốn đầu tư trên 200 triệu USD. Xét về số lượng dự án, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng đứng đầu với 23 dự án cấp mới, chiếm 85,2%, và 15 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn, chiếm 79%.
Việc các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tập trung tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, và cụm công nghiệp trên địa bàn là phù hợp với Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo như báo cáo của Tổng cục Thống kê về chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI), nếu không xét đến các thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh Quảng Ninh là tỉnh có mức sống đắt đỏ nhất Việt Nam với chỉ số SCOLI bằng 97,94% Hà Nội. Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) là thước đo (tính bằng %) phản ánh xu hướng, mức độ biến động giá sinh hoạt của 63 tỉnh thành và 6 vùng kinh tế xã hội theo chu kỳ năm; Chỉ số này đứng đầu là Hà Nội (100%), thứ hai là TP. HCM với chỉ số SCOLI bằng 98,44% Hà Nội.