Chi tiết

Bình đẳng trong “đấu trường” bán lẻ trực tuyến

Trước làn sóng hàng giá rẻ từ Temu, Taobao, Shein… xâm nhập thị trường nội địa, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Kinh tế số yêu cầu các sàn tuân thủ pháp luật Việt Nam và có biện pháp ngăn chặn nếu cần thiết. Đồng thời, khuyến cáo người tiêu dùng “nói không” với sản phẩm của những sàn này. Nhưng, như vậy vẫn chưa đủ!

Cần bộ lọc với hàng ngoại

Ông Trần Đình Thăng – Giám đốc Công ty TNHH Nhật Việt, chủ thương hiệu giày dép Vento Việt Nam – cho rằng nhiều quốc gia đã cấm sàn Temu hoạt động song Việt Nam do hội nhập sâu rộng nên phải cân nhắc nhiều bài toán để không làm ảnh hưởng đến xuất khẩu cũng như tuân thủ cam kết quốc tế. Dẫu vậy, vẫn cần xây dựng khung pháp lý, chính sách bảo vệ hàng Việt trên “sân nhà” để doanh nghiệp (DN) nội không bị cạnh tranh thiếu bình đẳng khi đối thủ ngoại xâm lấn không phép.

“Cần có bộ lọc với hàng ngoại, thương hiệu ngoại, chẳng hạn quản lý nguồn gốc, xuất xứ, giấy chứng nhận bảo đảm chất lượng…, thay vì chỉ khuyến cáo người tiêu dùng không giao dịch trên sàn chưa được cấp phép. Luật chơi là công bằng, sòng phẳng. Thương hiệu, DN nào đáp ứng được thì vào thị trường” – ông Thăng đề xuất.

Chủ thương hiệu Vento Việt Nam phân tích thêm: DN Việt Nam phải đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe của thị trường nhập khẩu nên không có lý do gì để hàng hóa nước ngoài được ngoại lệ ở Việt Nam. Ví dụ, Ấn Độ có tiêu chuẩn BIS với yêu cầu hàng hóa nhập khẩu vào thị trường tỉ dân cần được Bộ Công Thương nước này kiểm soát về quy trình sản xuất, chất lượng gắn với bảo vệ môi trường và giá cả không vi phạm pháp luật cạnh tranh.

Ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế – xã hội, cảnh báo tình trạng nhiều sàn TMĐT hoạt động không phép, lách luật ở Việt Nam là rất đáng lo ngại. “Cơ quan chức năng phải ngăn chặn ngay bằng các biện pháp kỹ thuật, công nghệ. Đây là việc phải làm, không phải là có nên làm hay không!” – ông Minh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Minh, người tiêu dùng hoàn toàn có quyền lựa chọn, quyết định mua sắm ở đâu. Do vậy, giải pháp tiên quyết của cơ quan chức năng để kiểm soát các sàn TMĐT xuyên biên giới là phải thiết kế chính sách quản lý theo kịp sự phát triển của thị trường, tránh để bị lợi dụng kẽ hở về hàng miễn thuế, chính sách đăng ký…

Công bằng cho hàng nội

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, chuyên gia TMĐT, dẫn chứng ở trung tâm thương mại, người bán hàng phải tuân thủ điều kiện kinh doanh, niêm yết giá, xuất hóa đơn. Đối chiếu lên sàn TMĐT, cơ quan quản lý cũng cần xác định biện pháp quản lý kinh doanh với hình thức online giống offline. Tức là người bán hàng online phải tuân thủ các quy định cần thiết, trong đó có quy định về thuế; trường hợp không kinh doanh thường xuyên thì cũng phải nộp thuế theo từng lần.

Theo tìm hiểu của phóng viên, các DN ngành hàng dệt may, cao su – nhựa, gia dụng… quy mô nhỏ tỏ ra khá lo lắng khi hàng giá rẻ tràn vào thị trường Việt Nam.

Bình đẳng trong
Bình đẳng trong

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam là “miếng bánh” béo bở của nhiều doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến nước ngoài, trong đó có Trung QuốcẢnh minh họa AI: HOÀI DƯƠNG

Ông Phạm Văn Việt – Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jeans – đề nghị nhà nước xây dựng chính sách thuế theo hướng phân biệt giữa hàng nội địa và ngoại nhập. Bên cạnh đó là đầu tư bài bản để cải thiện logistics, từ đó giảm giá thành sản xuất, kinh doanh, phân phối hàng hóa.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hiệp hội Cao su – Nhựa TP HCM, so sánh trong khi các DN nội địa phải gánh chịu nhiều loại thuế như thuế thu nhập DN, thuế GTGT, thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất… thì các sàn TMĐT xuyên biên giới được hưởng ưu đãi về thuế, thậm chí không phải nộp thuế khi bán hàng vào Việt Nam. Chỉ rõ đây là bất công lớn, gây bất lợi cho DN trong nước, ông Quốc Anh thay mặt các DN trong ngành đề xuất Chính phủ áp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc được bán qua các sàn TMĐT xuyên biên giới vào Việt Nam

Cũng nhìn nhận việc các sàn TMĐT giá rẻ như Temu, 1688, Taobao… chưa đăng ký nhưng vẫn bán hàng rầm rộ ở Việt Nam là mối đe dọa rất lớn đối với DN trong nước, ông Lưu Thanh Phương, chuyên gia TMĐT, góp ý cơ quan quản lý có thể sử dụng giải pháp tạm thời để ngăn chặn, gồm chặn IP, domain, yêu cầu các nền tảng gỡ ứng dụng cho đến khi đáp ứng đầy đủ quy định để được hoạt động ở Việt Nam. Về lâu dài, giải pháp căn cơ là sử dụng công nghệ kiểm soát hoạt động thông quan, nhận diện hàng hóa của sàn TMĐT hoạt động không phép, ngăn chặn sản phẩm “rác” tuồn vào Việt Nam, qua đó giúp tránh thất thu thuế.

Doanh nghiệp Việt cần làm gì?

Theo ông Phạm Bảo Trung, cố vấn giải pháp tăng trưởng khách hàng của nền tảng phân tích dữ liệu TMĐT Metric, số liệu phân tích quý III và dự báo quý IV/2024 thể hiện phân khúc hàng hóa giá rẻ dưới 200.000 đồng vẫn chiếm tới hơn 50% doanh số toàn thị trường, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023. Điều đó cho thấy người tiêu dùng vẫn quan tâm đến giá cả khi mua sắm trên sàn TMĐT và làn sóng hàng giá rẻ từ Trung Quốc chắc chắn sẽ tạo áp lực cạnh tranh ngày càng lớn cho nhà bán hàng của Việt Nam. 

“Tuy nhiên, người tiêu dùng ngày càng có nhiều kinh nghiệm mua sắm online, đồng thời cũng luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu nên trong giai đoạn đầu, chắc chắn sẽ có không ít sự dè dặt từ phía người mua khi trải nghiệm trên nền tảng mới, nhất là khi Temu chưa hỗ trợ thanh toán trả sau” – ông Trung nhận định.

Để ứng phó với sự cạnh tranh khốc liệt hiện nay, đại diện Metric cho rằng DN nội địa cần nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu uy tín và câu chuyện gắn kết, đổi mới sản phẩm và thiết kế, đặc biệt là đầu tư vào các dòng sản phẩm độc đáo, thiết kế riêng biệt, đáp ứng nhu cầu đặc thù của người Việt. Bởi lẽ, DN trong nước gần như không thể cạnh tranh về giá với Trung Quốc. 

“Các sản phẩm mang đậm nét văn hóa, truyền thống hoặc thích ứng với xu hướng tiêu dùng hiện tại có thể tạo lợi thế cạnh tranh. DN cũng cần chú trọng dịch vụ khách hàng, hậu mãi, tận dụng công nghệ và dữ liệu để hiểu khách hàng, qua đó tối ưu hóa sản phẩm và có chiến lược bán hàng cho từng phân khúc” – ông Trung khuyến cáo.

Ông Nguyễn Mạnh Tấn, Giám đốc marketing Haravan – công ty cung cấp giải pháp TMĐT và bán lẻ, cho rằng việc quản lý bằng thủ tục, chính sách thuế… sẽ có tác dụng trong ngắn hạn nhưng có thể có nguy cơ hàng hóa trong nước, nhất là nông sản, gặp rủi ro không xuất khẩu được sang Trung Quốc. Điều này gây tác động ngược đáng kể đến nền kinh tế của nước ta. “Sàn Temu đánh vào tâm lý thích giá rẻ cùng cam kết hoàn trả hàng trong vòng 90 ngày nhưng thực tế chất lượng kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”. 

Khi nhận hàng, nếu thấy hàng kém chất lượng thì người tiêu dùng sẽ đánh giá, bình luận không tốt trên sàn và quay lưng. Đây là rào cản tự nhiên mà thị trường tạo ra và cũng chính là cơ hội “vàng” để hàng Việt nâng chất thương hiệu, tăng vị thế cạnh tranh” – ông Tấn chỉ ra.

Theo các chuyên gia, không chỉ Indonesia mà nhiều quốc gia lớn như Mỹ, Hàn Quốc… cũng có chính sách ngăn chặn sàn TMĐT bán hàng giá rẻ song không thật sự hiệu quả, chỉ có tính chất tạm thời. Cốt lõi vẫn là DN nội địa phải tự nâng sức cạnh tranh và các cơ quan thuế, hải quan, quản lý thị trường… cần phối hợp chặt chẽ để hạn chế tối đa sự xâm nhập của hàng giá rẻ xuyên biên giới kém chất lượng. 

Rà soát vi phạm khuyến mãi

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 28-10, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương, cho biết đối với các sàn TMĐT có đăng ký hiện diện tại Việt Nam, DN được phép khuyến mãi dưới 50% mà không phải thông báo. Mức khuyến mãi trên 50% chỉ được áp dụng khi tham gia chương trình khuyến mãi tập trung quốc gia như Tết, lễ… Thời gian qua, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các sở Công Thương rà soát và có quyền phạt trực tiếp các sàn TMĐT vi phạm quy định về khuyến mãi trên địa bàn.

Bộ Công Thương cũng giao Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Tổng cục Hải quan tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kho hàng, điểm tập kết hàng hóa (nếu có) của các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa được cấp đăng ký.

Source link