Công ty Đầu tư nông nghiệp và gia súc Saudi Arabia-SALIC (2009) được thành lập bởi Quỹ đầu tư công Saudi Arabia với mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực. Công ty hiện đầu tư kinh doanh tại Ukraine, Canada, Ấn Độ, Australia, Brazil, Singapore.
Tại cuộc tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng và đánh giá cao các hoạt động kinh doanh và hợp tác có hiệu quả của Công ty đã đóng góp vào sự phát triển bền vững và bảo đảo an ninh lương thực của quốc gia trong thời gian qua.
Quan hệ giữa Việt Nam-Saudi Arabia phát triển tốt đẹp, tin cậy lẫn nhau là nền tảng vững chắc để doanh nghiệp hai nước mở rộng hợp tác kinh doanh; song hiện quan hệ hợp tác kinh tế vẫn chưa tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp.
Chia sẻ về những yếu tố quan trọng, then chốt để thu hút đầu tư, Thủ tướng cho biết Việt Nam đang đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng, công khai, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi cho nhà đầu tư, có cơ chế, chính sách ưu đãi với các lĩnh vực ưu tiên.
Cùng với đó, Việt Nam cũng phát triển hạ tầng chiến lược, gồm cả hạ tầng cứng về giao thông, nhất là các cảng biển, sân bay trung chuyển quốc tế, đường sắt tốc độ cao, hạ tầng các khu công nghiệp… hạ tầng mềm, như hạ tầng số… để giảm chi phí logistics, chi phí đầu vào, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, hạ tầng xã hội để bảo đảm cung ứng các dịch vụ xã hội cho nhà đầu tư; đồng thời đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư.
“Việt Nam cũng giữ vững ổn định chính trị-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh để bảo đảm cho các nhà đầu tư yên tâm hoạt động với tầm nhìn hàng trăm năm mà không phải lo lắng, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, bất ổn khó lường”, Thủ tướng khẳng định.
Thời gian qua, Việt Nam vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy được tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Trong điều kiện đầu tư toàn cầu sụt giảm, Việt Nam vẫn dự kiến thu hút 35-40 tỷ USD vốn FDI đăng ký và giải ngân khoảng 23-25 tỷ USD vốn FDI.
Hiện Việt Nam đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do với hơn 60 nền kinh tế, bao gồm những nền kinh tế hàng đầu thế giới, như Hoa Kỳ, Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản… mới nhất là Hiệp định CEPA với UAE.
Dự kiến, năm nay kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 800 tỷ USD, nằm trong nhóm 18-20 nước có quy mô thương mại quốc tế hàng đầu thế giới; trong đó xuất khẩu khoảng 60 tỷ USD nông sản, chuyển đổi mạnh sang tư duy kinh tế nông nghiệp, sản xuất nông sản theo hướng “ăn ngon, ăn sạch”.
Kết hợp với vị trí địa lý thuận lợi và hệ thống logistics ngày càng phát triển, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi cho xuất nhập khẩu, dễ dàng kết nối đến các thị trường lớn của khu vực cũng như thế giới.
Nhấn mạnh nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam, Thủ tướng mong muốn SALIC sớm đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, hợp tác về giống, công nghệ, phân bón, thức ăn, thị trường, nhất là trong ngành thực phẩm Halal.
Về phần mình, ông Sulaiman AIRumaih, Giám đốc Điều hành SALIC, bày tỏ ấn tượng, đánh giá cao với những thông tin mà Thủ tướng chia sẻ về tiềm năng, cơ hội hợp tác và chiến lược, chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam. Ông cho biết SALIC đã đầu tư gián tiếp vào Việt Nam qua các công ty con; qua đó nhập khẩu 100.000 tấn hàng từ Việt Nam để phân phối ra các nước.
Chia sẻ tầm nhìn của SALIC trong góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu, bảo đảm lợi ích của các quốc gia mà Công ty đầu tư, ông Sulaiman AIRumaih cũng giới thiệu về những thế mạnh của công ty trên các lĩnh vực, đơn cử như SALIC là công ty xuất khẩu thịt đỏ lớn nhất Nam Mỹ, mỗi ngày giết mổ hơn 40.000 gia súc và xuất khẩu sang hơn 100 quốc gia.
SALIC rất quan tâm mở rộng hợp tác với Việt Nam về thương mại gạo, thức ăn chăn nuôi, sản xuất thịt gia cầm, thịt đỏ, nuôi trồng thủy sản, chế biến nông sản. SALIC sẵn sàn chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, chia sẻ các cơ hội hợp tác, đầu tư cả trực tiếp và gián tiếp với các đối tác Việt Nam.
Thủ tướng hoan nghênh lãnh đạo SALIC tới Việt Nam để triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể và giao các lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, TPHCM tháp tùng đoàn công tác là các đầu mối để trao đổi thông tin.