Quý III/2024, có 5 doanh nghiệp có doanh thu giảm so với cùng kỳ, bao gồm: Vinamilk (VNM), Vincom Retail (VRE), Petrolimex (PLX), cùng hai ngân hàng SHB và VIB. Vinhomes (VHM), Hòa Phát (HPG), Thế giới Di động (MWG) đạt doanh thu từ 33.000 tỷ đến 34.100 tỷ đồng; Vingroup (VIC) và Petrolimex (PLX) chia sẻ hai vị trí dẫn đầu với doanh thu gần 62.900 tỷ và 64.300 tỷ đồng.
Hình minh họa |
Trong khi đó, 7 doanh nghiệp báo lợi nhuận ròng giảm gồm VHM, VRE, VNM, PLX, ACB, SHB và VIB.
Dù lợi nhuận suy giảm, Vinhomes vẫn đứng thứ hai về lợi nhuận toàn thị trường sau Vietcombank, nhờ doanh thu tăng trưởng nhưng biên lãi gộp từ mảng chuyển nhượng bất động sản giảm. Vincom Retail cũng mất mốc lợi nhuận nghìn tỷ, ghi nhận lãi ròng 906 tỷ đồng trong quý III, giảm 31% so với cùng kỳ, do thiếu doanh thu từ dự án Đông Hà.
Vinamilk, với thị trường nội địa chịu ảnh hưởng từ thiên tai, ghi nhận lợi nhuận giảm sau năm quý tăng trưởng liên tục, trong khi thị trường quốc tế vẫn có mức tăng trưởng tích cực. Petrolimex cũng đối diện mức giảm lợi nhuận lớn, chủ yếu do không còn thu nhập từ thoái vốn PGBank và biến động mạnh của giá dầu trong quý III ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.
Ở chiều ngược lại, nhóm VN30 có 5 đại diện đạt mức tăng trưởng lợi nhuận ròng đột biến trên 100%, gồm: MWG, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR), Tập đoàn Masan (MSN), Vietjet Air (VJC) và PV Power (POW). Kết quả tích cực này nhờ mức nền thấp của quý III/2023 và sự tăng trưởng ổn định từ hoạt động kinh doanh chính.
Masan đạt lợi nhuận ròng 701 tỷ đồng, gấp hơn 14 lần cùng kỳ nhờ tăng trưởng kinh doanh và chi phí lãi vay giảm. Đây là quý có lợi nhuận cao nhất trong hai năm của doanh nghiệp này. Tương tự, MWG ghi nhận lợi nhuận ròng 800 tỷ đồng, gấp 20 lần cùng kỳ, nhờ doanh thu và lợi nhuận gộp đều tăng mạnh.
Vietjet Air ghi nhận mức lãi ròng cao nhất kể từ quý I/2021, đạt 572 tỷ đồng, nhờ sự hồi phục của thị trường hàng không nội địa và khoản hoàn nhập dự phòng.
Xét về tăng trưởng lợi nhuận ròng 9 tháng, 5 vị trí dẫn đầu lần lượt thuộc về Hòa Phát (+139%), Masan (+255%), VIC (+337%), VJC (+494%) và MWG (+3.614%).
Vietcombank thay thế Vinhomes tiếp quản vị trí dẫn đầu về lợi nhuận ròng quý III và 9 tháng trên toàn thị trường với lần lượt 8.567 tỷ và 25.266 tỷ đồng. Ở nhóm bám đuổi còn có HDB, ACB, VPB, BID, CTG, VIC, TCB, MBB (lãi quý từ 3.000-6.000 tỷ đồng). Lũy kế 9 tháng, nhóm VN30 có 8 đại diện lãi trên 10.000 tỷ, bao gồm: VCB, VHM, TCB, BID, MBB, CTG, ACB và VPB. Tập đoàn Hòa Phát, HDBank và Vingroup là những doanh nghiệp đạt mức lợi nhuận từ 9.200-9.700 tỷ đồng.
>> Cập nhật kết quả kinh doanh quý III/2024: 120 doanh nghiệp báo lỗ