Chi tiết

“Bí quyết” đưa sản phẩm F&B Việt Nam ra thế giới

hannah2.png

Doanh Nhân đã có cuộc trao đổi với bà Hannah Tưởng-Jefferys, nhà sáng lập và Giám đốc của Saigon Cider để tìm hiểu thêm về những bài học vươn ra thị trường quốc tế của doanh nghiệp này.

– Làm thế nào để một doanh nghiệp mới thành lập như Saigon Cider có thể nhanh chóng xuất khẩu sản phẩm sang nhiều thị trường như vậy, thưa bà?

Cơ hội xuất khẩu đã đến với Saigon Cider khi các sản phẩm tạo được ấn tượng tốt và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu rất cao của một doanh nhân Pháp có nhà hàng tại Việt Nam. Khi đó, chúng tôi đã nhận ra rằng sản phẩm của mình có thể đáp ứng được tiêu chuẩn của các thị trường quốc tế, kể cả ở những quốc gia có truyền thống làm rượu táo như Anh và Pháp.

Nhìn lại, điều đó có nghĩa để đạt được sự công nhận của thị trường quốc tế, ngoài việc duy trì chất lượng sản phẩm ở tiêu chí cao nhất, còn phải đảm bảo rằng chúng ta hoàn toàn phù hợp với thị trường ngách của mình.

Tất nhiên, không thể không kể đến những khó khăn. Do sản phẩm của chúng tôi là rượu táo hảo hạng, được sản xuất hữu cơ, nên chi phí sản xuất rất lớn. Vì vậy, giá bán có thể cao hơn các loại rượu phổ thông.

– Saigon Cider đã nhận được những chứng chỉ cao cấp về môi trường để xuất khẩu sang thị trường EU và Nhật Bản. Bà có thể chia sẻ “bí quyết” để Saigon Cider đạt được kết quả này?

Theo đuổi quy trình sản xuất hữu cơ là một hành trình dài, phức tạp về mặt hành chính và tốn kém chi phí để có được chứng chỉ. Nhưng tôi nghĩ một lợi thế khác biệt ở đây là nhận thức về sản xuất bền vững.

Ngay từ khi còn trong ý tưởng, tôi đã nghĩ phải sản xuất theo cách tốt nhất và cho tới nay, chúng tôi vẫn luôn làm như vậy. Do đó, các chứng chỉ hữu cơ chất lượng là minh chứng cho việc công ty đang thực sự làm điều đó, thay vì phải chuyển đổi mô hình sản xuất một cách phức tạp.

Điều này cũng rất cần thiết khi xuất khẩu bởi tại các thị trường xuất khẩu như Anh quốc, họ vô cùng khắt khe với hàng hóa hữu cơ. Yêu cầu các chứng chỉ và chứng nhận là bắt buộc, và người tiêu dùng thông thường không bao giờ tin bạn nếu họ không thấy các giấy chứng nhận hợp lệ.

Tuy nhiên, đạt các chứng chỉ này là rất khó khăn. Chúng tôi phải thuê một công ty tư vấn, chuẩn bị nhiều tài liệu và quy trình rất phức tạp. Các nhà thẩm định không chỉ nghe trình bày một phía mà còn trực tiếp làm việc với nhiều đối tác khác. Họ sẽ giám sát sản phẩm và cả quá trình sản xuất từ trước tới nay – thông qua các giấy tờ, số lô, các nhãn nguyên vật liệu…. Để đạt chuẩn, các doanh nghiệp phải đảm bảo mọi thứ, từ nguyên vật liệu, phương pháp chế biến, làm sạch…

cider2.jpeg
Saigon Cider – một doanh nghiệp F&B tại Việt Nam – đã xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như Hong Kong, Vương quốc Anh, Campuchia…

– Từ kinh nghiệm của Saigon Cider, bà có lời khuyên nào cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam muốn đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính?

Theo kinh nghiệm của tôi, các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên bắt đầu từ việc tìm kiếm các đối tác phù hợp. Các doanh nghiệp cần khả năng giao tiếp tốt, xây dựng lòng tin – điều này cũng đồng nghĩa với việc cần thực sự minh bạch. Sản phẩm cũng cần sự minh bạch khi doanh nghiệp muốn xuất khẩu. Để người tiêu dùng mua một sản phẩm từ nước ngoài, họ cần phải tin tưởng nhà sản xuất.

Việt Nam đang trở thành một điểm đến du lịch được ưa chuộng trên thế giới và nền ẩm thực ngày càng phổ biến. Điều đó có thể giúp những mặt hàng F&B được sản xuất tại Việt Nam dễ được ưa chuộng. Tất nhiên, điều này còn phụ thuộc vào sản phẩm các doanh nghiệp xuất khẩu là gì, nhưng tôi nghĩ một điểm chung mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể lưu ý là hãy nói không với nhựa và các vật liệu không bền vững. Bởi vì, các thị trường nước ngoài rất quan tâm đến chương trình bảo vệ môi trường của mình.

– Vậy về mặt chính sách, cần có sự hỗ trợ nào cho các doanh nghiệp như Saigon Cider muốn sản xuất tại Việt Nam và xuất khẩu sang thị trường quốc tế, thưa bà?

Còn tồn tại khá nhiều rào cản thủ tục hành chính và thuế khiến các doanh nghiệp nhỏ khó có thể tập trung làm điều gì đó to lớn hơn. Trên thực tế, các công ty như chúng tôi không thể có một bộ phận chuyên trách xử lý giấy tờ như các tập đoàn lớn, khiến các vấn đề giấy tờ càng trở thành gánh nặng.

Ngoài ra, một số quy định cũng rất khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ. Ví dụ, để được sản xuất ở Việt Nam, doanh nghiệp cần phải hoạt động trong khu vực dành cho sản xuất. Theo đó, doanh nghiệp cần thuê 1.000 m2 và phải trả trước tiền thuê khoảng 12 tháng. Như vậy, doanh nghiệp nhỏ khó đáp ứng điều này.

Việt Nam có các khoản tài trợ hoặc cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ, nhưng việc tiếp cận vốn không dễ dàng. Ví dụ, chúng tôi liên hệ Viện Nghiên cứu Doanh nghiệp vừa và nhỏ (RISME) để được hỗ trợ tiếp cận các khoản vay. Tuy nhiên, sau 2 tháng, họ vẫn chưa có phản hồi nào.

Nếu chỉ ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp nhỏ sẽ khó có được môi trường hoạt động thuận lợi để có thể khởi đầu và đạt được quy mô lớn hơn như thâm nhập các thị trường ngoài nước. Vì vậy, theo tôi, nếu muốn các doanh nghiệp nhỏ tham gia thị trường và xây dựng được một mạng lưới khởi nghiệp lan tỏa, Việt Nam cần hỗ trợ hơn về mặt pháp lý, thủ tục đối với cộng đồng này.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần chú ý hơn đến mặt ngoại ngữ nếu muốn xuất khẩu hoặc thu hút đầu tư nước ngoài. Nhiều văn bản và hướng dẫn hoàn toàn không có tiếng Anh khiến các đối tác quốc tế rất khó để nắm thông tin.

– Trân trọng cảm ơn bà!

Nguồn