Những năm gần đây, điện tử là ngành hàng phục hồi xuất khẩu nhanh và đã nằm trong nhóm hàng xuất khẩu tỷ USD. Trong đó, Mỹ và châu Âu là hai thị trường xuất khẩu lớn với kim ngạch xuất khẩu tăng qua các năm.
“Tuy nhiên, hai thị trường này đã và đang đưa ra nhiều yêu cầu cụ thể về tiêu chuẩn môi trường, hiệu quả năng lượng, yêu cầu xử lý chất thải với sản phẩm điện tử nhập khẩu” – ông Lê Đình Thắng, Trưởng phòng kinh doanh bộ phận điện – điện tử của công ty TuvSud Việt Nam thông tin tại hội thảo “Tăng cường năng lực doanh nghiệp điện tử Việt Nam trong chuỗi cung ứng: Cập nhật các quy định xuất khẩu đối với hàng điện tử đi các thị trường Âu – Mỹ” do Hiệp hội Điện tử Việt Nam tổ chức.
Theo đó, thị trường châu Âu đang thống nhất các quy định và tiêu chuẩn cho các nước thành viên nhằm đảm bảo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp và người tiêu dùng; bao gồm những nỗ lực chuẩn hoá quy định về sản phẩm, tiêu chuẩn an toàn và thông số kỹ thuật. Hiện nay, các sản phẩm điện tử xuất khẩu vào thị trường này tuân thủ theo Chỉ thị CE – chỉ thị an toàn của Liên minh châu Âu. Một vài sản phẩm phải tuân theo nhiều Chỉ thị CE cùng lúc.
Từ đầu năm nay, châu Âu đã ban hành quy định mới về pin và pin thải, được thực hiện theo từng giai đoạn nhằm nâng cao tính bền vững, an toàn, yêu cầu ghi nhãn và thông tin cho tất cả các loại pin. Đây là quy định mang tính pháp lý, áp dụng tự động và thống nhất ở các quốc gia thành viên mà không cần đưa vào luật của các quốc gia.
Từ ngày 1/8/2025, châu Âu tiếp tục ban hành quy định về Chỉ thị thiết bị vô tuyến nhằm cải thiện mức độ an ninh mạng cho các sản phẩm không dây được lưu hành trên thị trường. Trong khi đó, tại khu vực châu Mỹ, Canada và Mỹ cũng có tiêu chuẩn riêng.
Theo ông Lê Đình Thắng, Đạo luật an toàn sản phẩm yêu cầu các doanh nghiệp có nghĩa vụ tiến hành đánh giá để đảm bảo an toàn sản phẩm và báo cáo kịp thời mọi sự cố liên quan đến an toàn sản phẩm cho cơ quan chức năng của nước nhập khẩu. Ngoài ra, đối với thiết bị điện được sử dụng tại nơi làm việc được yêu cầu chứng nhận từ phòng thử nghiệm được công nhận trên toàn quốc nhằm đảm bảo tính an toàn.
Đánh giá về những thách thức với doanh nghiệp xuất khẩu điện tử sang các thị trường trên, ông Lê Đình Thắng nhấn mạnh đến tính phức tạp và liên tục sửa đổi, bổ sung của hệ thống quy định. Trong khi doanh nghiệp cũng thiếu nguồn nhân lực được đào tạo, áp lực thiết kế sản phẩm vừa tuân thủ quy định vừa đảm bảo an toàn, chất lượng, tính thẩm mỹ, vòng đời sản phẩm mà vẫn phải giảm chi phí, tăng lợi nhuận.
Yêu cầu xanh hoá ngành điện tử vì thế là rất lớn. TS Cấn Văn Lực – chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho biết, quy mô của thị trường sản xuất điện tử xanh có tốc độ tăng trưởng khoảng 26%/năm trong giai đoạn từ 2023-2032.
Trong bối cảnh đó, với doanh nghiệp điện tử, TS Cấn Văn Lực đưa ra mô hình 6R, bao gồm: respond (thích ứng với xu hướng, bối cảnh mới); recover (phục hồi càng nhanh càng tốt); re-invent (đối mới, sáng tạo, thích nghi; thay đổi mô hình, chiến lược kinh doanh theo hướng “chuyển đổi số” nhiều hơn); restructure (cơ cấu lại tổ chức – bộ máy, hoạt động, tài chính, sản phẩm… để trở nên hiệu quả hơn); resilience (tăng sức đề kháng, khả năng chống chịu với các cú sốc bên ngoài) và risk management (tăng cường quản lý rủi ro trong bối cảnh môi trường hoạt động nhiều bất định).
Cụ thể, theo chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, các doanh nghiệp điện tử cần nắm bắt các xu hướng thương mại và đầu tư toàn cầu và đối tác chính; tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lãi suất để đẩy mạnh chuyển đổi số, kinh doanh tuần hoàn; tăng cường nguyên liệu sạch, nguyên liệu tại chỗ; đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần tích hợp các yếu tố ESG, phát triển bền vững trong chiến lược kinh doanh; đa dạng hóa thị trường, đối tác, chuỗi cung ứng, sản phẩm – dịch vụ, nguồn vốn khả thi cho chuyển đổi xanh, kinh doanh tuần hoàn. Nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro, nhất là rủi ro pháp lý, tài chính, an ninh mạng, thông tin – dữ liệu, xuất xứ hàng hóa, yêu cầu xanh hóa…
Doanh nghiệp cũng cần chủ động tâm thế, đón đầu xu hướng công nghệ, nhất là các lĩnh vực công nghệ mới (AI, thực tế ảo, tự động hóa, đám mây, an ninh mạng….) và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu (gồm cả bán dẫn); phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu mới…