Theo Thông tư 68, kể từ ngày 2/11/2024, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền (Non Pre-funding solution – NPS). Trước thời điểm 2/11, nhiều công ty chứng khoán tại hội nghị phổ biến Thông tư của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã khẳng định sẵn sàng cho việc thực hiện quy định.
Thông tư 68 phản ánh trong dài hạn
Tuy nhiên, phiên giao dịch 4/11 khởi động tuần mới đã không như mong đợi. Kết phiên, VN-Index giảm 10,18 điểm (0,81%), đóng cửa tại 1.244,71 điểm. Đáng chú ý, giao dịch khối ngoại tiếp tục diễn biến bán ròng trên HoSE với giá trị 673,2 tỷ đồng. Trong đó, họ bán mạnh MSN (-245,6 tỷ), VHM (203 tỷ), FPT (-101,1 tỷ), VCB (-47,8 tỷ), SSI (-46,3 tỷ)…
Ở chiều ngược lại, STB, MWG, TCB, CTG, VPB… được họ mua nhiều.
Xu hướng bán ròng của khối ngoại được nhận định đang tiếp tục tiếp diễn do đồng USD mạnh, swap âm (chênh lệch giao dịch hoán đổi âm) và lợi nhuận thị trường thực tế chưa cải thiện.
Bên cạnh đó, một điều rõ ràng là các quy định mới tại Thông tư 68 chưa lập tức phản ánh các động thái giao dịch tích cực hơn.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược Thị trường Chứng khoán VPBank (VPBankS) nhận định, nhìn chung Thông tư 68 là một trong những thông tư quan trọng giúp Việt Nam đạt được các tiêu chí để nâng hạng. Sau khi ra Thông tư 68 thì cập nhật gần nhất của FTSE cũng đánh giá cao nỗ lực của cơ quan quản lý Việt Nam, cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài mua và đến ngày T+2 mới phải thanh toán tiền. Đến hiện nay, Việt Nam vẫn còn tiêu chí chưa đạt như hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài, trung tâm thanh toán bù trừ cho cổ phiếu.
“Tôi kỳ vọng 2 yếu tố này sẽ được cải thiện trong thời gian tới. Còn hiện tại, rõ ràng với những nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đã có kết nối đối với các công ty chứng khoán phục vụ khách hàng tổ chức thì đây là tin mừng vì họ không cần phải để sẵn tiền trong tài khoản mà có thể mua trước khi phát hiện ra cơ hội, thanh toán sau. Chúng ta đang dần đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe cho việc nâng hạng thời gian tới”, ông Sơn đặt vấn đề về tác động Thông tư trong tầm nhìn dài hạn.
Ngoài ra, ông lý giải đối với các quỹ, tổ chức, giao dịch hạn chế với việc một số tiêu chí bị đánh giá hạn chế như chu kỳ thanh toán và một số yêu cầu liên quan đến cải thiện quá trình đăng ký mở tài khoản cho khách hàng. “Tôi cho rằng những yêu cầu này không phải tiêu chí khắt khe, tiêu chí khắt khe nhất liên quan đến tỷ lệ sở hữu nước ngoài và trung tâm thanh toán bù trừ cho cổ phiếu. 2 yếu tố này cần cải thiện và chuẩn bị cho kỳ nâng hạng 2025 vì nếu đạt được tiêu chí này thì dự kiến có thể chính thức nâng hạng vào tháng 9/2025. Trong trường hợp được tuyên bố nâng hạng, TTCK Việt Nam có thể huy động được 800 triệu USD cho đến 1,5 tỷ USD trong thời gian tới”, ông nói.
Kỷ luật đầu tư tiên quyết
Liên quan đến diễn biến thị trường hiện tại với phiên giao dịch giảm điểm, lùi dưới đường MA (200) và vùng 1.251, Giám đốc Chiến lược Thị trường VPBankS cho rằng, phiên điều chỉnh mạnh sẽ tạo ra một tâm lý thận trọng, đặc biệt là nhà đầu tư dùng phân tích kỹ thuật.
“Chúng ta có vùng hỗ trợ tương đối chắc chắn 1.240 và 1.200 là vùng cân bằng tuyệt vời. Do vậy, tôi cho rằng ở vùng 1.200 – 1.240, những nhà đầu tư nào trading thì xem xét giải ngân 10 – 30% cho những cổ phiếu nào có nền tảng cơ bản tốt, nhất là kết quả kinh doanh quý III vừa rồi tăng trưởng mà cổ phiếu chiết khấu nhiều.
Tuy nhiên, nhìn về xu hướng của VN-Index trong ngắn hạn là giảm. Để xác nhận một vùng cân bằng chắc chắn, tức đáy trung hạn thì cần thêm thời gian nữa, cụ thể là chờ sau nhiễu động của bầu cử Mỹ và lãi suất của Fed (đồng thời diễn ra tuần này)”, ông nhận định.
Trả lời câu hỏi về chiến lược “Buy in November”, ông Sơn cho biết, với dữ liệu lịch sử thì 2 năm gần đây đáy là tháng 11, trong 2 tháng vừa qua thị trường cũng trong nhịp điều chỉnh và mở ra cơ hội mua mới.
Nếu nhìn VN-Index ở vùng 1.300, cổ phiếu neo ở mức giá cao và không có đột biến về dòng tiền. Khi mà giá cổ phiếu đã phản ánh hầu hết thông tin tích cực rồi thì rất khó giao dịch. Trong giai đoạn này, sau khi ra kết quả kinh doanh quý III có sự phân hóa lớn, nhóm nào có kết quả kém thì trong xu hướng điều chỉnh, nhóm nào có kết quả kinh doanh 2024 và 2025 kỳ vọng tăng trưởng thì điều chỉnh là cơ hội lựa chọn cổ phiếu mục tiêu cho kỳ tháng 12 và quý I/2025.
Diễn biến hiện tại bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố như kỳ bầu cử, tỷ giá trong ngắn hạn. Với giả định ông Trump thắng cử thì DXY (chỉ số đo lường sức mạnh USD) còn tăng tiếp, khi đó nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng, rút bớt vốn tạo áp lực lên tâm lý nhà đầu tư.
“Tôi kỳ vọng thị trường có thể tái cân bằng quanh ngưỡng 1.200 điểm, nhiều cổ phiếu chạm sát hoặc xuống dưới ngưỡng MA200. “Trong nguy có cơ”, đây là cơ hội để mua cổ phiếu cho sóng Santa Rally hay sóng ăn tết. Chúng ta chỉ có tháng 11 và 12 để đóng sóng ăn tết thôi và tháng 11 là tháng bản lề”, chuyên gia nhận định trong chương trình “Khớp lệnh”; đồng thời cho rằng kỷ luật đầu tư tiên quyết – đầu tiên phải tuân theo là kỷ luật cắt lỗ. Bởi nếu lỗ 5% thì phải lãi 7% mới hòa vốn, nếu lỗ 10% thì phải lãi trên 15%. Do vậy, lỗ càng lớn thì khả năng kiếm lại lợi nhuận càng khó.