Chi tiết

Xuất nhập khẩu tăng tốc, doanh nghiệp kỳ vọng kỷ lục mới

Dữ liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong tháng 10 đạt 69,19 tỷ USD, tăng 5,1% (tương ứng tăng 3,35 tỷ USD) so với tháng 9.

dsc9097-1024x684-17235581291941783765706.jpg
Nhóm hàng dệt may vẫn duy trì phong độ khi đạt mức tăng 6-7% so với cùng kỳ năm trước.

Ở chiều xuất khẩu vẫn duy trì được mức tăng 4,4%, với 35,59 tỷ USD và nhập khẩu đạt 33,6 tỷ USD, tăng 5,8%.

Lũy kế 10 tháng 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt gần 648 tỷ USD, tăng 15,8%, tương ứng tăng 88,57 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 335,59 tỷ USD, tăng 14,9% (tương ứng tăng 43,54 tỷ USD) và tổng kim ngạch đạt 312,28 tỷ USD, tăng 16,8% (tương ứng tăng 45,03 tỷ USD), xuất siêu 23,3 tỷ USD.

Thương mại phục hồi tích cực, đơn hàng xuất khẩu đi các thị trường lớn đều tăng 2 con số, nhờ đó cải thiện số thu ngân sách từ xuất nhập khẩu.

Thực tế từ báo cáo của các bộ ngành cũng cho thấy, các quốc gia trên đang là thị trường xuất khẩu chính của nhiều ngành hàng. Chẳng hạn, theo số liệu mới công bố của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản là 3 thị trường tiêu thụ hàng thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 18,5%, 16,8% và 15,4%. Theo đó, đã góp phần đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 10 tháng đạt 51,74 tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2023. Giá trị xuất siêu nông lâm thủy sản 10 tháng đạt 15,21 tỷ USD, tăng 62,2% so với cùng kỳ năm trước.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, Việt Nam hiện đứng thứ 2 Đông Nam Á, đứng thứ 15 thế giới về xuất khẩu nông sản. Xuất khẩu nông sản của Việt Nam đang đạt đỉnh cao nhất từ trước đến nay.

“Năm nay, chúng ta sẽ cán đích ở mức cao nhất về kim ngạch xuất khẩu nông sản. Tháng 10 kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt 5,91 tỷ USD. Hai tháng cuối năm, xuất khẩu chỉ cần đạt 5,5 tỷ USD/tháng, ngành nông nghiệp sẽ về đích 62 tỷ USD”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhận định.

Ngoài ra, thị trường EU và Hoa Kỳ cũng dẫn đầu về nhập khẩu trong lĩnh vực dệt may của Việt Nam. Ở góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, tuy đối mặt với nhiều thách thức nhưng nhóm hàng dệt may vẫn duy trì phong độ khi đạt mức tăng 6-7% so với cùng kỳ năm trước. Với tình hình hiện nay, tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng dệt may Việt Nam dự kiến có thể đạt từ 43 đến 44 tỷ USD trong năm nay.

Nhờ những tín hiệu tích cực này, Tổng cục Hải quan cho biết, số thu NSNN của ngành Hải quan trong 10 tháng năm 2024 đạt 346.283 tỷ đồng, bằng 92,3% dự toán, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2023.

“Sở dĩ tổng thu của ngành Hải quan tăng là do tổng kim ngạch xuất nhập khẩu có thuế tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu có thuế tăng 5,3% và kim ngạch nhập khẩu có thuế tăng 16,4%”, đại diện Cục thuế xuất nhập khẩu thuộc Tổng cục Hải quan cho hay.

Một số nhóm hàng có kim ngạch tăng như: Nhóm các mặt hàng nhập khẩu nguyên liệu, máy móc thiết bị, phụ tùng nhập khẩu phục vụ sản xuất tăng 18,6%, làm tăng thu ngân sách khoảng 29.600 tỷ đồng. Than các loại nhập khẩu tăng 31,5% về lượng và tăng 13,2% về trị giá, làm tăng thu khoảng 3.200 tỷ đồng; dầu thô nhập khẩu tăng 28,5% về lượng và tăng 25,1% về trị giá, làm tăng thu khoảng 4.200 tỷ đồng.

Tốc độ tăng của kim ngạch xuất nhập khẩu chịu thuế cao hơn tốc độ tăng của số thu một phần do thực hiện chính sách ưu đãi thuế GTGT theo Nghị định số 94/2023/NĐ-CP ngày 28/12/2023.

Đáng chú ý, kết quả thu ngân sách từ xuất nhập khẩu trong tháng 10 đạt 38.298 tỷ đồng, tăng 16,8% so với tháng 9.

Sự gia tăng này đến từ kim ngạch một số mặt hàng nhập khẩu có trị giá lớn, thuế suất cao tăng như: Xăng dầu các loại tăng 59,7% về lượng và tăng 67,9% về trị giá, làm tăng thu 858 tỷ đồng; sắt thép các loại tăng 64,3% về lượng và tăng 52,4% về trị giá, làm tăng thu 1.095 tỷ đồng; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 10,3% về trị giá, làm tăng thu 584 tỷ đồng; linh kiện, phụ tùng ô tô tăng 22,6% về trị giá, làm tăng thu 492 tỷ đồng so với tháng 9/2024.

diendandoanhnghiep.vn-media-uploaded-386-2024-01-28-_qt2_3107-enternews-1680442951-4.jpeg
Doanh nghiệp lạc quan kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 sẽ cán mốc kỷ lục mới 800 tỷ USD.

Dự báo về xuất khẩu trong thời gian còn lại của năm 2024, ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ Công thương cho rằng: “Dù rủi ro còn không ít, xung đột địa chính trị làm ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng, giá cước vận tải biển vẫn cao.., nhưng xuất khẩu hàng hóa cuối năm vẫn còn dư địa tăng trưởng”.

Bởi, nhu cầu tiêu thụ cuối năm tại các thị trường lớn như Mỹ và EU sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, hàng tiêu dùng và dệt may – các nhà bán lẻ toàn cầu tăng cường dự trữ hàng hóa cho các dịp lễ lớn.

Thị trường xuất khẩu thuộc các FTA tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Việt Nam trong hoạt động thương mại, đầu tư,…

Để tiếp sức cho sản xuất, thương mại qúy IV/2024, quý có ý nghĩa quyết định trong việc hoàn thành mục tiêu cả năm 2024, Bộ Công thương cam kết sẽ tăng hỗ trợ các doanh nghiệp, ngành hàng khôi phục sản xuất, tận dụng các FTA, đổi mới xây dựng thể chế.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương dự báo, trong những tháng cuối năm, cả hai nhóm hàng nông sản và công nghiệp chế biến chế tạo sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng tốt. Với tốc độ tăng trưởng hiện nay và sự phục hồi của các thị trường chủ chốt, đặc biệt là Hoa Kỳ và EU, khi dấu hiệu lạm phát giảm, sức mua sẽ tăng trở lại.

Điều này giúp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu trong những tháng cuối năm. Bên cạnh đó, nhóm hàng nông sản, mặc dù có triển vọng, nhưng cần được lưu ý về tính mùa vụ và sự biến động giá cả. Điều này đòi hỏi sự linh hoạt trong chiến lược kinh doanh và xuất khẩu của các doanh nghiệp. Với kết quả đạt được trong 10 tháng và tốc độ tăng trưởng gần đây, nhiều chuyên gia, nhà quản lý kỳ vọng, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 sẽ cán mốc kỷ lục mới 800 tỷ USD.

Nguồn