(ĐTCK) Bức tranh toàn cảnh mùa báo cáo tài chính quý III đã được công bố khá sáng sủa, nhưng dường như vẫn chưa đạt kỳ vọng của các nhà đầu tư.
Nhiều doanh nghiệp bứt tốc
Theo dữ liệu từ FiinTrade, tính đến ngày 30/10, trên thị trường đã có 911 doanh nghiệp niêm yết (đại diện 84,6% vốn hóa toàn thị trường) công bố kết quả kinh doanh quý III/2024. Tổng số lợi nhuận trước thuế của 911 doanh nghiệp nói trên tăng 16,1% so với cùng kỳ 2023, nhưng giảm 3,1% so với quý liền kề do kết quả kém tích cực từ nhóm tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm).
Điều này thực ra cũng dễ hiểu khi đa số các ngân hàng, ngoại trừ nhóm vốn hóa lớn, khó cho vay ra trong kỳ dẫn đến nguồn thu từ tín dụng giảm; nhóm chứng khoán đối diện thanh khoản thị trường cạn kiệt và tự doanh kém sắc; còn với nhóm bảo hiểm, hệ lụy từ những khủng hoảng năm ngoái vẫn còn dư chấn cộng với tác động tiêu cực từ khoản bồi thường thiên tai bão lũ lớn vừa diễn ra khiến kết quả kinh doanh kém khả quan…
Xét theo quy mô vốn hóa, mức tăng trưởng lợi nhuận được đóng góp chủ yếu bởi nhóm vốn hóa lớn VN30 (tăng 20,2% so với cùng kỳ). Danh sách các doanh nghiệp niêm yết báo lãi trên 3.000 tỷ đồng đã có 11 ứng cử viên, bao gồm: Vietcombank, VietinBank, BIDV, MBBank, Techcombank, VPBank, HDBank, ACB, Vinhomes, Hòa Phát và Novaland.
Trong số các doanh nghiệp mới công bố kết quả kinh doanh quý III, có những doanh nghiệp đã hoàn thành kế hoạch kinh doanh của năm sau 9 tháng nhưng các cổ đông lại… không được vui trọn vẹn. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) ghi nhận 1.097 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế quý III/2024, đưa lợi nhuận lũy kế 9 tháng đầu năm 2024 đạt 3.869 tỷ đồng, hoàn thành 105% mục tiêu lãi trước thuế 3.700 tỷ đồng của năm 2024.
Theo báo cáo của TCBS, trong kỳ, phần lớn các mảng kinh doanh đều tăng trưởng, trong đó có các mảng chiếm tỷ trọng cao như bảo lãnh và đại lý phát hành, đầu tư tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) và đặc biệt là mảng cho vay tăng mạnh 67%. Tuy nhiên, mức lợi nhuận trước thuế nói trên chỉ đi ngang so với cùng kỳ năm trước và giảm 31,9% so với quý trước đó.
Cùng ở nhóm chứng khoán, tại báo cáo quý III/2024, Công ty cổ phần Chứng khoán VPS cho biết, lợi nhuận trước thuế trong quý này đạt 820 tỷ đồng, cao hơn gần 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước, đồng thời tăng 26% so với quý liền trước và được ghi nhận là mức lợi nhuận kỷ lục. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của VPS tăng gấp 3,6 lần cùng kỳ, lên 2.194,5 tỷ đồng. So với kế hoạch lãi trước thuế 1.500 tỷ đồng của năm nay, Chứng khoán VPS đã vượt 46% chỉ tiêu lợi nhuận sau 9 tháng đầu năm.
Mặc dù vậy, doanh thu hoạt động trong quý III của VPS giảm 12% so với cùng kỳ năm 2023, xuống 1.644 tỷ đồng. Doanh thu môi giới vẫn chiếm tỷ trọng lớn, với gần 714 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ. Lãnh đạo VPS cho biết, do thanh khoản trên thị trường chứng khoán giảm mạnh trong quý III/2024 nên doanh thu của Công ty cũng giảm theo.
Một số nhóm ngành khác cũng có những tên tuổi nổi bật, chẳng hạn như ngành tiêu dùng với Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (Masan, mã MSN) với việc đạt 701 tỷ đồng lợi nhuận trong quý III/2024, gần gấp 14 lần so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 130% kế hoạch lợi nhuận quý III.
Đại diện Masan cho biết, Tập đoàn sẽ tiếp tục cải thiện kết quả kinh doanh trong quý IV/2024 với kỳ vọng tiến gần đến kế hoạch lợi nhuận kịch bản tích cực của năm 2024, nhờ việc tập trung vào tăng trưởng lợi nhuận với trọng tâm là mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ cốt lõi, đặc biệt khi lợi nhuận sau thuế của WinCommerce đạt con số dương là 20 tỷ đồng trong quý III/2024, lần đầu tiên kể từ thời kỳ Covid-19.
Tuy nhiên, vài phiên giao dịch gần đây, thị giá cổ phiếu MSN giảm mạnh do tác động từ đợt thoái vốn của SK Group tại Masan, dù hầu hết số lượng cổ phần thoái vốn của SK đợt này được thực hiện theo hình thức thỏa thuận và đã có nhà đầu tư nước ngoài tương ứng đặt mua.
Ngày 1/11/2024, Tập đoàn Masan đã ra thông cáo báo chí cho biết SK Investment Vina I Pte. Ltd. (SK Group) đã chuyển nhượng thành công 76 triệu cổ phiếu của Masan Group thông qua phương thức thỏa thuận. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của SK Group tại MSN là 3,67% vốn điều lệ, không còn là cổ đông lớn.
“Số cổ phiếu còn lại của SK Group tại MSN sẽ bị hạn chế chuyển nhượng theo thông lệ”, Masan cho biết.
Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên (Vicem Hà Tiên, HT1) sau 9 tháng cũng đã vượt 90% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Cụ thể, tại báo cáo tài chính riêng quý III/2024, Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên ghi nhận doanh thu đạt 1.638 tỷ đồng, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế quý III đạt 22,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 10,5 tỷ đồng. Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024, doanh thu thuần về bán hàng của Vicem Hà Tiên đạt 1.638 tỷ đồng, tăng gần 4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 22,6 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với khoản lỗ 10,26 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, tại báo cáo tài chính hợp nhất, doanh thu Vicem Hà Tiên đạt 5.041 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế đạt 43,8 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với khoản lỗ hơn 37 tỷ đồng của cùng kỳ.
Chiếu theo mục tiêu đặt ra từ đầu năm, tổng doanh thu 7.032 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 23 tỷ đồng, doanh nghiệp đã hoàn thành 77% kế hoạch doanh thu và vượt 90% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm sau 9 tháng.
Trong ngành nhựa, Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP) công bố doanh thu bán hàng đạt 1.201 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế 172 tỷ đồng, tăng 16% trong báo cáo quý III/2024. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, NTP ghi nhận 3.830 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái; lãi trước thuế 624 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 34%. So với mục tiêu doanh thu 5.400 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 555 tỷ đồng, NTP đã vượt 12% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Với ngành bất động sản, cái tên tiêu biểu nhất vẫn là Vinhomes, khi quý III/2024, nhà phát triển bất động sản này ghi nhận doanh thu thuần 33.323 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là mức doanh thu theo quý kỷ lục mà doanh nghiệp này đạt được. Khấu trừ các khoản chi phí khác, Vinhomes báo lợi nhuận trước thuế quý III/2024 đạt hơn 10.800 tỷ đồng, chính thức giành lại “ngôi vương” lợi nhuận trước thuế trên sàn chứng khoán trong quý III.
Dù vậy, tác động trái chiều của đợt mua lại 370 triệu cổ phiếu quỹ vẫn khiến cổ phiếu VHM lùi về sát mốc 40.000 đồng/cổ phiếu so với mức trên 48.000 đồng/cổ phiếu – trước khi đợt mua cổ phiếu quỹ này bắt đầu.
Trạng thái thị trường: Chờ đợi
Tuy kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu khởi sắc, song thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 10 lại chưa phản ánh được điều đó. Kết thúc tháng vừa qua chỉ số VN-Index đã giảm 23,46 điểm, tương đương 1,82% so với tháng 9, với thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức thấp. Tổng giá trị giao dịch trung bình phiên trên 3 sàn đạt 17.763 tỷ đồng trong tháng 10. Tính riêng khớp lệnh, giá trị giao dịch trung bình phiên ở mức 15.435 tỷ đồng, tăng nhẹ (2,2%) so với mức trung bình tháng 9 nhưng giảm 17,4% so với mức trung bình 5 tháng.
Vấn đề tiếp theo mà nhà đầu tư quan tâm là tỷ giá liên ngân hàng tăng trong 1 tháng vừa qua khoảng 2,18% và tính từ đầu năm tăng 3,69%. Những yếu tố này buộc Ngân hàng Nhà nước phải có động thái mạnh hơn, bao gồm phát hành tín phiếu và mua lại USD từ các ngân hàng thương mại (hiện đã mua khoảng 2 tỷ USD), thể hiện sự căng thẳng nhất định của tỷ giá hiện tại. Do đó, thị trường đang trong trạng thái chờ đợi cho đến khi có kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ để xác định chính sách của quốc gia này sẽ đi theo hướng nào, qua đó tác động đến thị trường tài chính thế giới và Việt Nam ra sao. Thanh khoản thị trường ngày càng cạn kiệt thời gian qua lý giải cho tâm lý chờ đợi này.
Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/mua-bao-cao-tai-chinh-quy-iii-sang-nhung-chua-dat-ky-vong-post357248.html