Chi tiết

Nhiều doanh nghiệp thủy điện báo lãi quý III/2024 tăng bằng lần

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong 9 tháng đầu năm nay, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực ở cả 3 khu vực sản xuất (nông nghiệp; công nghiệp; thương mại, dịch vụ) dẫn đến nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Cụ thể, lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống tháng 9 đạt 24,56 tỷ kWh; lũy kế 9 tháng đầu năm 2024 đạt 232,6 tỷ kWh, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, thủy điện và nhiệt điện (than & khí) là hai nguồn cung điện chính với sản lượng lần lượt là 65,57 tỷ kWh và 132,46 tỷ kWh, lần lượt chiếm 28,2% và 57% tổng sản lượng toàn hệ thống. Đáng chú ý, huy động từ thủy điện đã tăng trở lại sau 2 quý đầu năm ở mức thấp, đạt 36,94 tỷ kWh do chu kỳ El Nino đã đi qua. Trước đó, quý I/2024 và quý II/2024 lần lượt đạt 10,62 tỷ kWh và 18,01 tỷ kWh.

Điều này phần nào được thể hiện qua BCTC quý III/2024 của các doanh nghiệp thủy điện. Thống kê của Nhadautu.vn cho thấy nhiều đơn vị thủy điện trong kỳ báo lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình kinh doanh của một số doanh nghiệp thủy điện trong quý III/2024 và 9 tháng đầu năm 2024.

Điển hình là CTCP Thủy điện Thác Bà (Mã: TBC) khi báo doanh thu quý III/2024 đạt 192,7 tỷ đồng, tăng trưởng 135% so với quý III/2023; lãi ròng đạt 99,3 tỷ đồng, tương đương tăng 326,18%. TBC cho biết kết quả lợi nhuận tăng mạnh nhờ sản lượng điện thương phẩm quý III/2024 tăng 89,9 triệu kWh và giá bán điện bình quân quý III/2024 đạt 843 đồng/kWh (giá điện bình quân cùng kỳ là 410 kWh). Cùng với đó, doanh thu hoạt động dịch vụ kỹ thuật và doanh thu hoạt động tài chính TBC cũng tăng lần lượt 14% và 48%, cũng hỗ trợ đáng kể vào kết quả kinh doanh của công ty.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, lãi ròng TBC đạt 179,8 tỷ đồng, tăng 37,67% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là doanh nghiệp thủy điện duy nhất (trong các số đơn vị khảo sát) có lợi nhuận 9 tháng tăng trưởng dương.

CTCP Thủy điện Miền Trung (mã: CHP) cũng ghi nhận lãi ròng quý III/2024 đạt 55,3 tỷ đồng, tương đương tăng trưởng 213,75%. Công ty cho biết kết quả tích cực này nhờ vào tình hình thủy văn thuận lợi cùng với việc tận dụng và điều phối lượng nước trong hồ phù hợp. Bên cạnh đó, chi phí lãi vay CHP cũng giảm nhờ thực hiện trả gốc các khoản vay đến hạn.

Tương tự, CTCP Thủy điện A Vương (Mã: AVC) cũng có kết quả kinh doanh khả quan nhờ điều kiện thủy văn thuận lợi. Cụ thể, doanh thu quý III/2024 của AVC tăng 105,56% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 243,8 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 123,7 tỷ đồng, tăng 154%, cao gấp 2,6 lần so với 6 tháng đầu năm nay.

Trong số các doanh nghiệp thủy điện báo lãi mạnh, CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (Mã: VSH) là trường hợp đặc thù khi doanh thu thuần trong kỳ chỉ tăng vỏn vẹn 3,7%. Dù vậy, nhờ doanh thu hoạt động tài chính tăng do phát sinh doanh thu từ các hợp đồng tiền gửi cao hơn so với cùng kỳ năm trước, các chi phí giảm do tái cấu trúc nợ vay, lợi nhuận sau thuế của VSH quý III/2024 tăng hơn 205%, đạt hơn 77,9 tỷ đồng (tương ứng tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ).

Ngoài ra, khảo sát cho thấy lợi nhuận quý III/2024 của một số doanh nghiệp thủy điện khác dù không tăng so với cùng kỳ năm ngoái, song đều cải thiện tích cực so với 2 quý trước. Điển hình là CTCP Thủy điện Sê San 4A (Mã: S4A) với lợi nhuận sau thuế quý III/2024 đạt 50 tỷ đồng, giảm 16,67% so với quý III/2023. Dù vậy, kết quả này tốt hơn nhiều so với quý II/2024 (lỗ 1,9 tỷ đồng) và quý I/2024 (lãi 12,9 tỷ đồng).

Triển vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thủy điện trong cả năm 2024 cũng được dự báo sẽ tích cực hơn năm 2023.

Báo cáo mới đây của CTCP Chứng khoán Rồng Việt dự báo sản lượng điện tiêu thụ điện cả năm nay sẽ đạt mức 275 tỷ kWh, tăng 9,5% so với năm 2023, và dự kiến tăng trưởng 8% trong năm 2025. Trong đó, thủy điện sẽ chiếm tỷ trọng cao hơn trong cơ cấu sản lượng điện toàn hệ thống vào năm 2025 nhờ điều kiện thuỷ văn thuận lợi hơn khi La Nina diễn ra. Bên cạnh đó, nhiệt điện khí LNG với việc nhiệt điện than không còn dư địa để phát triển (tối đa 30,1 MW tới năm 2030, thực tế 6 tháng đầu năm 2024 đã đạt 29,5 MW).

Ở góc nhìn của mình, các chuyên gia từ Chứng khoán VPBankS cho rằng hiện tượng La Nina sẽ hoạt động mạnh từ tháng 8 – 12/2024, với xác suất 66 – 74% và khả năng kéo dài đến tháng 4/2025 (với xác suất 44%). Điều này sẽ hỗ trợ các nhà máy thủy điện hoạt động tích cực hơn so với năm 2023. Dự báo sản lượng thủy điện năm 2024 có thể đạt 84,1 tỷ kWh, tăng 4% so với năm 2023 (dù nửa đầu năm thủy văn không thuận lợi).



Nguồn