Chi tiết

Không còn siết cầu chứng khoán

Sẽ không tăng thời gian hạn chế chuyển nhượng cổ phiếu phát hành riêng lẻ

(ĐTCK) Các nội dung thảo luận trên nghị trường Quốc hội về Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi cũng như việc tiếp thu các góp ý của cơ quan soạn thảo đã giảm bớt nỗi lo siết cầu trên thị trường chứng khoán (TTCK).

Vấn đề được góp ý nhiều nhất là hạn chế nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường trái phiếu riêng lẻ. Đầu tiên là những quy định tăng chuẩn nhà đầu tư cá nhân riêng lẻ với những yêu cầu được các thành viên thị trường nhận xét là không phù hợp, chẳng hạn nhà đầu tư phải giao dịch tối thiểu 3 lần mỗi quý hay quy định nhà đầu tư cá nhân không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.

Với việc nhà đầu tư cá nhân hiện nắm giữ tới gần 40% tỷ trọng trái phiếu riêng lẻ trên thị trường, ước lên tới gần 250.000 tỷ đồng, tổng giám đốc một công ty quản lý quỹ thuộc ngành bảo hiểm từng lo ngại quy định trên nếu được thông qua có thể tạo ra một cơn địa chấn “bond run” mới như đã từng xảy ra hồi cuối năm 2022.

GS.TS Trần Ngọc Thơ, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia đặt câu hỏi, “sao lại phải cấm nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường trái phiếu riêng lẻ?”. Giáo sư nêu thực tế các quốc gia như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Mỹ… vẫn cho phép nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp tham gia sân chơi trái phiếu riêng lẻ.

“Vấn đề là, nếu chúng ta thực sự có một khung khổ pháp lý phù hợp, cộng với chất lượng cao về năng lực của cơ quan quản lý thị trường, thì tiền của nhà đầu tư vẫn có thể được đầu tư một cách có trách nhiệm vào trái phiếu riêng lẻ, mà không tạo ra những đổ vỡ lớn làm mất niềm tin thị trường”, GS.TS Trần Ngọc Thơ nhận định.

Trong Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi trình Quốc hội tuần qua, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu các ý kiến nói trên và đưa vào quy định: Cá nhân chỉ được mua trái phiếu được xếp hạng, có tài sản đảm bảo hoặc được bảo lãnh thanh toán.

Theo quan điểm của cơ quan soạn thảo, việc quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp cá nhân được trực tiếp tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong một số trường hợp nhất định như trên sẽ giúp vừa nâng cao chất lượng của thị trường, vừa tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu phát triển lành mạnh, bền vững, an toàn, hiệu quả.

Cũng liên quan đến sức cầu trên TTCK, nội dung tăng thời gian hạn chế chuyển nhượng cổ phiếu phát hành riêng lẻ từ tối thiểu 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp lên thành tối thiểu 3 năm, tương tự như nhà đầu tư chiến lược, có nhiều ý kiến phản đối.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, hạn chế chuyển nhượng có thể dẫn đến tâm lý e ngại cho nhà đầu tư, tác động đến thanh khoản của thị trường, giảm mức độ hấp dẫn và sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với các đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ; đồng thời có thể gây khó khăn cho hoạt động đầu tư, tái cơ cấu danh mục của nhà đầu tư chuyên nghiệp, bởi mục đích nắm giữ cổ phiếu của nhà đầu tư chuyên nghiệp và nhà đầu tư chiến lược là khác nhau.

Thông lệ thị trường quốc tế, kể cả các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật Bản, EU hay các nước có điều kiện kinh tế – xã hội tương tự Việt Nam đều không có việc hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 3 năm như dự thảo Luật trước đó.

Hơn nữa, đa phần các quỹ đầu tư thường có thời hạn hoạt động từ 5 – 7 năm. Đối với quỹ đầu tư mới, thời gian thẩm định, đàm phán cho giao dịch kéo dài khoảng 1 – 2 năm, nếu hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm thì quỹ đầu tư mới sẽ không tham gia. Đối với các quỹ đang hoạt động, nhiều khả năng thời hạn hoạt động còn lại của quỹ cũng không vượt quá thời gian thẩm định, đàm phán, ký kết giao dịch và hạn chế chuyển nhượng.

Mặt khác, việc chào bán chứng khoán riêng lẻ đa phần với mục đích huy động vốn cho các dự án đầu tư hoặc tăng vốn hoạt động của doanh nghiệp. Nếu thời gian hạn chế chuyển nhượng kéo dài lên 3 năm thì khả năng huy động vốn mới của doanh nghiệp thông qua phát hành riêng lẻ sẽ bị hẹp lại. Điều này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, trong khi các kênh huy động vốn khác như phát hành trái phiếu, tiếp cận tín dụng… không phải lúc nào cũng thuận lợi.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cảnh báo, nếu áp dụng quy định mới (tăng thời gian hạn chế chuyển nhượng chứng khoán riêng lẻ lên 3 năm), thanh khoản thị trường sẽ sụt giảm.

Trước ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, cơ quan soạn thảo tiếp thu và sẽ giữ như quy định cũ là 1 năm.


Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/khong-con-siet-cau-chung-khoan-post357239.html