Như Nhadautu.vn đã đề cập, trong phiên 6/11, nhóm bất động sản khu công nghiệp (KCN) đã “nổi sóng” mạnh với nhiều cổ phiếu tăng trần hoặc gần hết biên độ. Như KBC, SZC, SIP, VGC tăng kịch trần; LHG, TIP tăng trên 5%; IDC tăng hơn 4,5%.
Nhìn rộng ra, từ cuối tháng 10, các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp đã bắt đầu phục hồi. IDC tăng từ 52.900 đồng/CP lên 58.000 đồng/CP, KBC tăng từ 25.800 đồng/CP lên 28.850 đồng/CP, SIP tăng từ 70.200 đồng/CP lên 79.100 đồng/CP… Riêng SZC đã có chuỗi tăng giá từ 35.300 đồng/CP lên 41.300 đồng/CP tính từ giữa tháng 9 đến nay.
Cổ phiếu nhóm bất động sản KCN “nổi sóng” trong ngày bầu cử Mỹ diễn ra với phần thắng nghiêng về ông Donald Trump. Theo đó, ông Donald Trump đã đắc cử Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ. Đây cũng là nhiệm kỳ thứ 2 ông Trump giữ cương vị chủ nhân Nhà Trắng, sau nhiệm kỳ một từ năm 2016-2020.
Cùng với đó, cổ phiếu nhóm này diễn biến tích cực trong bối cảnh quý III/2024 ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong ngành, với lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng.
Điển hình là Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã: KBC) khi đạt doanh thu 950 tỷ đồng, gấp 3,8 lần cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ các khoản chi phí, Đô thị Kinh Bắc lãi sau thuế 201,5 tỷ đồng, gấp 10,8 lần cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, Đô thị Kinh Bắc mang về doanh thu 1.994 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 397 tỷ đồng, lần lượt giảm 58% và 81% so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự, Tổng công ty IDICO – CTCP (mã: IDC) cũng báo lãi quý III tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 574 tỷ đồng. Doanh thu tăng đột biến nhờ việc ghi nhận doanh thu một lần từ các hợp đồng cho thuê hạ tầng khu công nghiệp.
Lũy kế trong 9 tháng đầu năm, IDICO đạt doanh thu thuần 6.891 tỷ đồng, tăng gần 38% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó doanh thu mảng công nghiệp đạt 2.764 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 1.955 tỷ đồng, tăng 89% so với 9 tháng năm 2023.
Về phần mình, CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (mã: SIP) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 với doanh thu thuần đạt 1.977 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Trừ đi các chi phí, doanh nghiệp lãi ròng gần 314 tỷ đồng trong quý III/2024, tăng 54%.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của SIP đạt hơn 5.737 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 902 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 36% so với cùng kỳ. Nguồn thu chính vẫn đến từ mảng cung cấp dịch vụ tiện ích điện, nước khu công nghiệp hơn 4.783 tỷ đồng, tăng 20%.
Với Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp – Becamex IDC (mã: BCM), kết thúc 9 tháng đầu năm, công ty này ghi nhận doanh thu đạt 3.195 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 769 tỷ đồng, gấp 2,9 lần so với cùng kỳ.
Trong 9 tháng đầu năm, doanh thu của CTCP Sonadezi Châu Đức (mã: SZC) đạt 641 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 227 tỷ đồng, tăng 39%. Trong đó doanh thu đến từ mảng KCN chiếm 89%. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 46% lên mức 52%.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – CTCP (mã: GVR) ghi nhận lãi ròng quý III/2024 cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.121 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận theo quý cao nhất trong năm nay của tập đoàn này.
Luỹ kế 9 tháng, GVR đạt doanh thu thuần 16.954 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.705 tỷ đồng, lần lượt tăng 17% và 38% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch đã đề ra, tập đoàn đã hoàn thành 68% mục tiêu doanh thu và 78% mục tiêu lợi nhuận năm.
Triển vọng dài hạn
Trong báo cáo mới đây, Vietcap dự báo doanh số cho thuê đất KCN của các nhà phát triển bất động sản đang được theo dõi sẽ giảm 24% so với cùng kỳ năm trước xuống 540ha trong năm 2024, nhưng sẽ tăng lần lượt 47% và 12% lên 792 ha và 885 ha trong năm 2025, 2026.
Nhóm phân tích này nhận định sức hút trong dài hạn của Việt Nam đối với dòng vốn FDI vẫn tốt, được củng cố bởi xu hướng chuyển dịch sang Việt Nam của các đơn vị sản xuất toàn cầu, chi phí lao động cạnh tranh, nhiều hiệp định thương mại tự do và chuyển đổi sang sản xuất tiên tiến thông qua chuyển giao công nghệ và nâng cao kỹ năng, đặc biệt trong các ngành như chất bán dẫn.
Tương tự, theo Chứng khoán Agribank (Agriseco), các doanh nghiệp bất động sản KCN vẫn còn nhiều tiềm năng vào cuối năm 2024 nhờ nhu cầu thuê cao khi dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước tăng. Mặt bằng giá cho thuê hiện nay cũng đang ở mức thấp so với khu vực và vẫn còn dư địa để tăng giá. Trong dài hạn, Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến thu hút dòng vốn FDI tiềm năng.
Trước đó, nhóm phân tích này cũng cho rằng triển vọng năm 2024 ngành bất động sản KCN sẽ khởi sắc nhờ dòng vốn FDI duy trì tăng trưởng tốt và giá thuê tiếp tục xu hướng đi lên.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang nổi lên là điểm đến lý tưởng cho làn sóng FDI “thế hệ mới” tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao, xe điện, năng lượng tái tạo và chất bán dẫn. Việc tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), cùng với việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các cường quốc kinh tế như Mỹ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc… đã góp phần củng cố vị thế của Việt Nam trên bản đồ đầu tư toàn cầu. Do đó, Việt Nam liên tục giữ vị trí thứ 3 về thu hút FDI trong khối ASEAN.
Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ trong các năm gần đây đã và đang giúp tăng cường thúc đẩy môi trường đầu tư ổn định, minh bạch cho nhà đầu tư, nâng cao vị thế cạnh tranh trên thực tế. Thêm vào đó, việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân cũng là tiền đề cho phát triển KCN bền vững.
Agriseco nhận định kết quả kinh doanh năm 2024 của các doanh nghiệp bất động sản KCN sẽ tiếp tục tăng trưởng nhưng phân hóa rõ nét hơn. Triển vọng khởi sắc ở nhóm các doanh nghiệp có quỹ đất sẵn sàng cho thuê lớn và đã ký hợp đồng ghi nhớ từ trước hoặc có quỹ đất tại các tỉnh thành.
Cùng chung quan điểm, chuyên gia phân tích của Yuanta Việt Nam cũng cho rằng Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển FDI, mà nhóm chịu tác động tích cực nhất là doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp.