Chi tiết

Cơ hội nào để Bình Định làm dự án điện gió ngoài khơi 4,6 tỷ USD?

Thí điểm và thử nghiệm chính sách

PNE là tập đoàn tiên phong trong lĩnh vực điện gió tại Đức, hoạt động trên quy mô toàn cầu với hơn 30 năm kinh nghiệm. Tập đoàn đã phát triển dự án năng lượng tái tạo ở 14 quốc gia, 4 châu lục với hơn 600 nhân viên, tổng vốn đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo trên 13 tỷ Euro.

Tại châu Á, Bình Định – Việt Nam là điểm đến đầu tiên được PNE lựa chọn. Theo đó, năm 2019, tập đoàn này đăng ký nghiên cứu, khảo sát để đầu tư dự án Điện gió ngoài khơi Hòn Trâu. Dự án này có quy mô công suất 2.000 MW, tổng mức đầu tư khoảng 4,6 tỷ USD.

Được biết, Hòn Trâu nằm ngoài khơi cửa biển Đề Gi, cách bờ gần 10 km. Vị trí này cách sân bay Phù Cát khoảng 30 km và cách TP. Quy Nhơn khoảng 50 km.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định (áo xanh) trao đổi với lãnh đạo Tập đoàn PNE về khu vực dự kiến triển khai dự án. Ảnh:T.X

Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định xác định, dự án điện gió ngoài khơi của Tập đoàn PNE là một trong những dự án quan trọng nhất của địa phương này trong thời gian đến. Khi đưa vào vận hành, dự án sẽ đưa Bình Định trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước.

Theo ông Dũng, ở khu vực ngoài khơi, tỉnh này đã đề xuất với Chính phủ quy hoạch phát triển năng lượng, trong đó có năng lượng điện gió ngoài khơi. Cùng với đó, Bình Định đã trình quy hoạch này rất nhiều lần với hy vọng sẽ là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển năng lượng sạch.

Trao đổi với với PV, Tiến sĩ Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia nhìn nhận, Tập đoàn PNE đã đeo đuổi dự án này rất lâu.

Theo ông Lịch, dự án này rất có tiềm năng. Bởi, tiềm năng điện gió ở Bình Định đã được khảo cứu và tích hợp trong quy hoạch của tỉnh. Ngoài ra, nhà đầu tư rất quyết tâm với dự án với việc mở văn phòng tại TP. Quy Nhơn.

Tuy nhiên, ông Lịch cho rằng, cần phải sớm có chính sách và quyết định để thu hút Tập đoàn PNE đầu tư vào Bình Định.

Đáng chú ý, theo Quy hoạch điện VIII, kế hoạch đến năm 2030 sẽ phát điện điện gió ngoài khơi với khoảng 6.000 MW, nếu bây giờ chưa triển khai thì khó đạt được mục tiêu này.

“Nếu Chính phủ muốn thí điểm cho đầu tư điện gió ngoài khơi thì nên chọn nhà đầu tư này như một phương án đầu tiên để nghiên cứu và thử nghiệm về chính sách”, ông Lịch nhấn mạnh.

Còn nhiều rào cản về cơ chế

Để có cơ sở cho Tập đoàn PNE triển khai đầu tư dự án, UBND tỉnh Bình Định đang kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan xem xét, điều chỉnh tuyến vận tải biển.

Đồng thời, sớm ban hành các văn bản hướng dẫn về khảo sát biển và chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến việc chồng lấn với phạm vi hoạt động của trạm radar để thực hiện phát triển điện gió ngoài khơi.

Ngoài ra, theo Sở Công thương tỉnh Bình Định, việc phát triển điện gió ngoài khơi trên địa bàn tỉnh chỉ có thể thực hiện khi có các quy định mới về phát triển điện gió ngoài khơi được cấp có thẩm quyền ban hành, hoặc xin cơ chế thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi.

Bình Định có bờ biển dài 134 km rất thuận lợi để phát triển điện gió ngoài khơi. Ảnh: Dũng Nhân

Vừa qua, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên bày tỏ sự ủng hộ đối với dự án điện gió ngoài khơi của Tập đoàn PNE.

Hiện, Bộ Công Thương đang xây dựng đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi. Tuy nhiên, điện gió ngoài khơi gắn với an ninh quốc gia, vì vậy, dự kiến ban đầu chỉ để các tập đoàn kinh tế nhà nước tham gia.

Nhưng qua kiến nghị của lãnh đạo tỉnh Bình Định, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị các đơn vị có liên quan của Bộ này gợi ý để liên doanh, liên kết với một trong các tập đoàn kinh tế nhà nước.

Mặc khác, Bộ Công Thương vẫn đề xuất với Chính phủ cho thí điểm việc tập đoàn nước ngoài tham gia đầu tư vào dự án điện gió ngoài khơi. Nhưng theo quan điểm của Bộ trưởng Bộ Công Thương, phương án một là “an toàn nhất”.

Trong khi đó, ông Per Hornung Pedersen, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn PNE cho hay, việc triển khai dự án điện gió ngoài khơi có nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, trong khó khăn, lãnh đạo PNE vẫn quyết tâm triển khai dự án.

Tập đoàn PNE mong muốn, dự án này sớm được chấp thuận chủ trương đầu tư, trở thành một trong những dự án thí điểm điện gió ngoài khơi tại Việt Nam cũng như là dự án thí điểm trong chương trình hợp tác giữa Chính phủ Đức và Chính phủ Việt Nam.

Còn Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho hay, thời gian tới, chính quyền sẽ cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn vì đây dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên triển khai ở Việt Nam.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc, thảo luận kỹ để đánh giá hết những tiềm năng và tính khả thi của dự án; đồng thời, thống nhất những có chế chính sách, hành lang pháp lý để có thể sớm triển khai dự án”, ông Dũng chia sẻ.



Nguồn