Trung Quốc “mềm mỏng” hơn với châu Âu
Trước nguy cơ Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ gây tổn hại cho kinh tế Trung Quốc, Bắc Kinh đang tìm cách đáp trả bằng việc lôi kéo các quốc gia vốn gần gũi với Mỹ.
Mới đây, tờ Wall Street Journal cho biết chính phủ Trung Quốc đang xem xét kế hoạch cắt giảm thuế quan, miễn thị thực, tăng cường đầu tư và các ưu đãi khác cho các nước châu Âu và châu Á có quan hệ gần gũi với Mỹ.
Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã loại bỏ yêu cầu thị thực cho du khách từ khoảng hai chục quốc gia bao gồm Australia, New Zealand, Đan Mạch, Phần Lan và Hàn Quốc — mà không yêu cầu các động thái được đáp lại ngay lập tức.
Chiến lược “mở cửa đơn phương” này được các nhà phân tích chỉ ra là một thay đổi chiến thuật khác biệt của ông Tập Cận Bình – một lãnh đạo lâu nay ưa thích các thỏa thuận kinh tế và ngoại giao có qua có lại.
Ông Hà Lập Phong, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc, đã gợi ý rằng Bắc Kinh đang cân nhắc việc cắt giảm thuế quan “chủ động” trong các lĩnh vực khác nhau để thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài và thương mại với châu Âu và các nước châu Á khác.
Các lĩnh vực tập trung bao gồm thiết bị điện và viễn thông, cũng như hải sản và các sản phẩm nông nghiệp khác, tùy thuộc vào các quốc gia mà Bắc Kinh đang nhắm tới.
Tại một hội chợ thương mại lớn ở Thượng Hải mới đây, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cho biết Trung Quốc sẽ theo đuổi việc mở cửa đơn phương để cung cấp cơ hội cho người nước ngoài tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Dù vẫn cứng rắn với EU trước lệnh áp thuế mà khối áp lên xe điện Trung Quốc, cả Bắc Kinh và Brussels đã cho biết họ sẽ tiếp tục đàm phán để cố gắng tìm một giải pháp thay thế cho thuế quan, bao gồm khả năng đầu tư mới.
Để thu hút các lãnh đạo châu Âu, nguồn tin của WSJ nói rằng Trung Quốc có thể cung cấp một số ưu đãi nhỏ, chẳng hạn như chấm dứt các cuộc điều tra thương mại được khởi động trong năm qua liên quan tới sản phẩm sữa và thịt lợn châu Âu, hoặc các thuế quan tạm thời mới áp đặt gần đây lên rượu brandy châu Âu. Các bước khác có thể bao gồm dễ dàng tiếp cận hơn với thị trường mua sắm của Trung Quốc và cam kết tăng đầu tư vào các nước châu Âu.
Tận dụng mâu thuẫn EU và Trump
Biện pháp này nhằm bù đắp cho cú sốc tiềm tàng đối với nền kinh tế Trung Quốc khi ông Trump lên nắm quyền. Cam kết áp đặt thuế quan lên tới 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ đe dọa nghiêm trọng tới mô hình tăng trưởng của Trung Quốc – vốn tập trung vào việc tăng cường sản xuất và xuất khẩu để thoát khỏi suy thoái.
Larry Hu, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Macquarie, ước tính rằng việc tăng thuế quan 60% của Mỹ có thể giảm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc 2 điểm phần trăm trong 12 tháng sau khi thực hiện. “Cuộc chiến thương mại 2.0 có thể kết thúc mô hình tăng trưởng hiện tại của Trung Quốc, trong đó xuất khẩu và sản xuất là động lực tăng trưởng chính,” ông Hu nói.
Với chiến lược mở cửa mới, Bắc Kinh hy vọng tận dụng nỗi sợ hãi ở châu Âu và châu Á rằng ông Trump sẽ hồi sinh cách tiếp cận thù địch chống lại các đồng minh truyền thống vốn đã xảy ra trong nhiệm kỳ đầu tiên. Đầu năm 2024, ông Trump thậm chí gây sốc cho châu Âu khi khuyến khích Nga tấn công các quốc gia NATO nào không đóng góp đủ cho liên minh.
Bằng cách chủ động, Trung Quốc dự định tăng áp lực lên Mỹ và cố gắng chia rẽ các đồng minh của nước này. Bắc Kinh đã đạt được tiến bộ ở các thị trường đang phát triển, nhưng việc tiếp cận nhiều hơn đến các thị trường châu Âu hoặc châu Á truyền thống của Mỹ có thể tạo tác động lớn hơn.
Các quan hệ kinh tế của châu Âu với Mỹ rất quan trọng, với giá trị xuất khẩu hơn gấp đôi giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, các đề nghị tăng cường tiếp cận thị trường của Trung Quốc có thể mang lại cho khối này một số đòn bẩy trong các cuộc đàm phán thương mại có khả năng khó khăn với chính quyền mới của ông Trump.
EU và Trung Quốc khó đạt đồng thuận
Tuy nhiên, thực thi hiệu quả điều này cũng là một thách thức. EU vốn đã cứng rắn hơn với Trung Quốc trong những năm gần đây và tức giận với sự ủng hộ của Trung Quốc đối với cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Các đồng minh Mỹ ở châu Á, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines, cũng ngày càng cảnh giác với người láng giềng quyết đoán. Bên cạnh đó, các nước cũng phải cảnh giác với các đề nghị từ Trung Quốc bởi lo sợ rằng sẽ nảy sinh thêm các bất đồng mới với chính quyền Trump.
“Bất kỳ lời hứa nào của Trung Quốc về việc tăng đầu tư vào khối này đều có nguy cơ tạo ra sự chia rẽ giữa các quốc gia thành viên châu Âu,” bà Abigaël Vasselier, Giám đốc chương trình quan hệ đối ngoại tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator, cho biết.
Bà Vasselier nói, điều cốt lõi mà EU muốn từ Trung Quốc là các biện pháp hiệu quả để kiềm chế dòng sản phẩm giá rẻ vào thị trường châu Âu và chấm dứt sự ủng hộ đối với Nga. Về cả hai điểm, bà nói, “Trung Quốc ở giai đoạn này không có khả năng đáp ứng.”