Quý III/2024 là thời điểm khá đen tối với ngành lọc hóa dầu thế giới khi giá dầu thô giảm mạnh dẫn tới biên lợi nhuận thu hẹp, Một số công ty lọc dầu lớn trên thế giới khó cầm cự và đối mặt với nguy cơ đóng cửa, thậm chí phá sản.
Sức ép lớn từ giá dầu giảm sâu
Cuối phiên 30/9 giá dầu Brent giao tháng 11/2024 đã giảm xuống 71,77 USD/thùng, tính trong tháng 9, giá dầu Brent giảm 9%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2022. Tính trong quý III/2024, giá dầu Brent giảm 17%, mức giảm mạnh nhất trong vòng một năm.
Cùng thời điểm, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm xuống còn 68,17 USD/thùng. Giá loại dầu này của Mỹ trong tháng 9/2024 đã giảm 7%, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 10/2023. Trong quý III giá dầu này giảm 16%, mức lớn nhất kể từ quý III/2023.
Trong tháng 10/2024, mặc dù giá dầu thô đã tăng chút ít nhưng so với cùng kỳ năm 2023, giá các loại dầu thô vẫn thấp hơn từ 16 đến 19%. do nhu cầu toàn thế giới đang yếu đi hơn bao giờ hết, thậm chí còn lấn át cả nỗi lo cuộc xung đột lan rộng ở Trung Đông có thể hạn chế nguồn cung dầu thô.
Với bối cảnh ảm đạm của thị trường dầu mỏ, việc các tập đoàn dầu khí hàng đầu thế giới đang phải đối mặt với rất nhiều sức ép là điều không thể không tránh khỏi. Thống kê trong quý III/2024, gần như tất cả các tập đoàn dầu khí đều sụt giảm doanh thu và lợi nhuận.
Theo con số được công bố, hãng dầu khí Phillips 66 của Mỹ lợi nhuận chỉ đạt 859 triệu USD, giảm khoảng 60% so với 2,1 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái. Riêng mảng lọc dầu của hãng này đã lỗ 108 triệu USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 1,7 tỷ USD.
Một công ty khác của Mỹ là HF Sinclair có lợi nhuận ròng đạt 96,5 triệu USD, giảm mạnh so với 760,4 triệu USD cùng kỳ năm trước. Đối với mảng lọc dầu, công ty đã lỗ 212,2 triệu USD, còn cùng kỳ năm trước lãi 916,1 triệu USD. Một công ty dầu khí khác của Mỹ là PBF Energy đã lỗ ròng 289,1 triệu USD, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 1,08 tỷ USD. Một tập đoàn lớn khác là Chevron cũng có lợi nhuận giảm 21%, chỉ đạt 4,5 tỷ USD so với 5,7 tỷ USD cùng kỳ năm trước; mặc dù sản lượng dầu quy đổi ròng toàn cầu của hãng tăng 7% so với năm ngoái. Tỷ lệ suy giảm đối với mảng lọc dầu cao nhất là Valero Energy khi lợi nhuận chỉ còn 565 triệu USD so với mức 3,4 tỷ USD năm trước.
Tại châu Âu, Tập đoàn TotalEnergies của Pháp đã giảm 37% lợi nhuận ròng so với cùng kỳ năm trước và giảm 12,7% so với quý trước. Tập đoàn BP của Anh có lợi nhuận giảm 31% so với cùng kỳ năm trước, từ 3,29 tỷ USD xuống còn 2,27 tỷ USD; đây là mức thấp nhất trong gần bốn năm của hãng này. Cũng tại Anh, Shell đã giảm 600 triệu USD lợi nhuận trong mảng hóa chất và lọc dầu.
Tại châu Á, Tập đoàn dầu khí quốc gia của Ấn Độ là Indian Oil còn có mức lợi nhuận ròng giảm tới 98,6% so với cùng kỳ năm trước, xuống chỉ còn 21,4 triệu USD. Tại Trung Quốc, Tập đoàn Hóa chất và Dầu khí Sinopec có lợi nhuận ròng giảm tới 52,1% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 1,2 tỷ USD.
Tại Việt Nam, trong bối cảnh khó khăn chung của ngành lọc dầu toàn cầu, các nhà máy lọc hóa dầu trong nước cũng gặp rất nhiều thách thức. 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu và lợi nhuận của 2 doanh nghiệp dầu khí lớn trong nước là Nghi Sơn và Bình Sơn cũng giảm rất mạnh. Thậm chí tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn thông báo đã tạm dừng vận hành thương mại. Sở dĩ điều này xảy ra là do tình hình ngành hóa dầu toàn cầu đang suy giảm với cung vượt cầu và nhu cầu cho các sản phẩm hóa dầu không cao. “Đây là quyết định chiến lược, thể hiện khả năng thích ứng linh hoạt của dự án với các điều kiện thay đổi và đầy thách thức của thị trường”, đại diện chủ đầu tư của Tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn cho biết.
Nhiều nhà máy lọc dầu đã phải đóng cửa
Khó khăn của ngành lọc dầu toàn cầu trong quý III/2024 đến từ ba yếu tố chính. Đó là giá dầu thô suy giảm mạnh, biên lợi nhuận lọc dầu giảm sút và nhu cầu tiêu thụ yếu. Tại thị trường tỷ dân của Trung Quốc, nhu cầu xăng dầu và sản phẩm công nghiệp giảm sút do kinh tế chậm phát triển. Nhu cầu nhiên liệu suy giảm đang khiến nhiều doanh nghiệp lọc dầu tại Trung Quốc gặp khó khăn trong việc duy trì mức lợi nhuận ổn định. Sức ép cạnh tranh cũng đòi hỏi các doanh nghiệp phải tăng cường năng suất và giảm chi phí để duy trì tính cạnh tranh.
Cuộc khủng hoảng của các nhà máy lọc dầu tại Trung Quốc càng trở nên nghiêm trọng khi vào tháng 9/2024, hai nhà máy lọc dầu là Zhenghe và Shandong Huaxing tại tỉnh Sơn Đông do Sinochem vận hành đã tuyên bố phá sản. Hai nhà máy này có tổng công suất chế biến khoảng 300.000 thùng/ngày. Nguyên nhân đóng cửa của 2 nhà máy này được cho là do biên lợi nhuận giảm mạnh và nhu cầu thị trường yếu. Một nhà máy khác của Sinochem là Shandong Changyi cũng đã phải tiến hành họp với các ngân hàng, nhà đầu tư để thảo luận về việc tái cơ cấu nợ nhằm tránh phá sản.
Ngành lọc dầu toàn cầu đang trải qua một thời kỳ đầy biến động khi giá dầu thấp, biên lợi nhuận bị thu hẹp và nhu cầu tiêu thụ giảm tạo ra áp lực chi phí lớn. Trong bối cảnh này, các công ty lọc dầu cần những chiến lược dài hạn để vượt qua giai đoạn khó khăn, bao gồm đầu tư vào công nghệ, tăng cường năng suất và mở rộng lĩnh vực hoạt động. Việc thay đổi, thích nghi và đổi mới sẽ là yếu tố quyết định trong việc ngành lọc dầu có thể vượt qua khó khăn và duy trì vị thế trong tương lai hay không.
Trước những thách thức này, các chuyên gia cho rằng ngành lọc dầu toàn cầu cần phải tái cơ cấu, chuyển hướng sang các nguồn năng lượng thay thế hoặc đầu tư vào công nghệ mới để giảm chi phí. Bên cạnh đó, một số công ty đã bắt đầu thảo luận về khả năng hợp tác hoặc mua lại các doanh nghiệp nhỏ hơn để củng cố thị phần và giảm thiểu tác động của sự biến động giá dầu.