Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng thuộc Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Với vấn đề gần 1 triệu tỷ đồng tiền nhàn rỗi của ngân sách đang để tại Kho bạc Nhà nước thời gian qua, “Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và Kho bạc Nhà nước phối hợp thế nào để điều chuyển nguồn tiền nhàn rỗi này, góp phần điều hành chính sách tiền tệ tốt nhất” – theo câu hỏi chất vấn của Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, theo luật định, NHNN là ngân hàng cung ứng dịch vụ cho Chính phủ, các khoản tiền gửi của Chính phủ gửi tại cơ quan này.
Tuy nhiên, theo Luật Ngân sách Nhà nước, các khoản tiền của ngân sách cũng được phép gửi tại các nhà băng trong hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD).
Tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước khi chưa sử dụng chủ yếu được gửi ở các ngân hàng thương mại lớn. Tuy nhiên, đánh giá thực tế trong những năm gần đây, được chuyển về gửi tại NHNN. Thống đốc chia sẻ, hiện có khoảng 80% trong 1 triệu tỷ đồng đang gửi tại NHNN (tương đương 800.000 tỷ đồng).
Việc gửi tiền ngân sách nhàn rỗi với khối lượng lớn tại các nhà băng cũng có tác động nhất định tới chính sách tiền tệ, thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Do đó, NHNN và Bộ Tài chính đã có quy chế phối hợp, trao đổi thông tin và chủ động điều tiết tiền tệ, theo Thống đốc.
Đối với các TCTD cũng phải nắm bắt thông tin về thu chi ngân sách, đặc biệt là thu chi với khối lượng lớn trong thời gian ngắn, để các TCTD chủ động trong việc điều tiết tiền tệ.
Theo kinh nghiệm điều hành của các nước, cách thức điều chuyển tiền gửi ngân sách về NHNN là một trong những giải pháp được thực hiện khi lạm phát tăng quá cao, tức cần hút tiền về ngân hàng trung ương. Còn trong điều kiện bình thường, có thể điều chuyển ngược lại.
Đối với hoạt động của hệ thống ngân hàng, để tránh trường hợp các ngân hàng sử dụng nguồn tiền để cho vay sẽ đem lại rủi ro nếu không thu nợ được. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, các TCTD không được dùng tiền này để cho vay, tuy nhiên có thể dùng gián tiếp các khoản này cân đối, để hỗ trợ trong đảm bảo thanh khoản.
Vì thế, để tránh rủi ro, cơ quan quản lý theo dõi chặt chẽ, không chủ quan và phối hợp với các cơ quan, yêu cầu TCTD cân đối vốn hợp lý, đảm bảo cân đối vốn an toàn.
Liên quan đến 800 nghìn tới gần 1 triệu tỷ đồng vốn ngân sách, được cho là nhàn rỗi nằm im trong hệ thống, mới đây, TS. Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, (Ban Kinh tế Trung ương) cũng cho rằng “đây là lãng phí”, trong khi có thể trở thành nguồn lực, tiếp động lực thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế.
Theo ông Nguyễn Tú Anh, để thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng nhanh, kỳ vọng lớn nhất trong năm 2025 là các quyết sách mới, cách làm mới giúp đẩy tiền ra nhanh hơn qua các kênh đầu tư công, giảm bớt tiền của Kho bạc Nhà nước, đồng thời tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.
“Điều đáng tiếc là chúng ta không thiếu tiền, nhưng khi nền kinh tế thiếu vốn thì lại không đưa tiền ra được. Giải ngân đầu tư công chậm, hơn 1 triệu tỷ trong Kho bạc Nhà nước vẫn nằm đó. Đó là một lãng phí. Có nhiều dự án hàng chục năm chưa xong, đó là lãng phí, và cái lãng phí đó còn hơn cả tham nhũng”, ông Nguyễn Anh Tú chia sẻ.
Trước đó, trao đổi với báo giới, ông Lưu Hoàng, Cục trưởng Quản lý ngân quỹ, Kho bạc Nhà nước – cũng cho biết, đây là khoản tiền tồn quỹ ngân sách nhà nước. Theo đó, hiện tồn quỹ ngân sách nhà nước gồm 2 cấp: Trung ương và địa phương (tỉnh, huyện, xã). Tỷ trọng lớn nhất trong khoản tiền này thuộc vốn đầu tư công.
Bên cạnh đó, tồn quỹ ngân sách nhà nước còn có nguồn tiền từ cải cách tiền lương. Đối với cải cách tiền lương, khoản tiền đã sẵn sàng, Kho bạc Nhà nước chi khi có văn bản yêu cầu từ các đơn vị.
Như vậy, muốn khơi thông dòng vốn gần 1 triệu tỷ đồng này, thì “chìa khóa” chính vẫn nằm ở việc làm sao để đẩy nhanh vốn đầu tư công. Đây cũng đã và đang là mục tiêu trọng tâm của Chính phủ trong những tháng còn lại của năm 2024, và kế tiếp là thực thi đầu tư công của năm cuối theo kế hoạch trung hạn 2021-2025. Giải bài toán khơi thông được nguồn vốn này, cũng sẽ góp phần hướng đến mục tiêu kép – giải phóng nút nghẽn đẩy tiền ra nhanh và giảm áp lực lên lãi suất của hệ thống ngân hàng.
Thực tế, việc tồn ngân quỹ lớn chủ yếu do tắc nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công là vấn đề đã khiến các Đại biểu Quốc hội trăn trở trong các kỳ họp trước đây lẫn hiện nay. Theo các chuyên gia, vấn đề được kỳ vọng sẽ có phương án tháo gỡ tới đây, khi tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, theo chương trình các Đại biểu sẽ cho ý kiến xem xét thông qua Luật Đầu tư công sửa đổi. Cùng với đó, là dự án “1 luật sửa 4 luật” cụ thể với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu. Qua đó, hoàn thiện pháp lý, gỡ vướng các điểm đang khiến đầu tư công ì ạch giải ngân, phá vỡ nỗi lo thường trực “có tiền khó tiêu”, giúp đầu tư công được giải ngân theo tiến độ, mục tiêu, thực sự dẫn dắt đầu tư tư nhân lan tỏa giá trị trong nền kinh tế.
Source link