Chi tiết

BĐS tại tỉnh duy nhất ở Tây Nguyên sẽ lên TP trực thuộc Trung ương đang chờ “cú hích” mới

Thị trường BĐS tại tỉnh này hiện đang đi qua nhiều biến động phức tạp, dưới tác động của nhiều yếu tố, BĐS nơi đây vẫn chờ “cú hích” để có thể bứt phá trong tương lai.

Thời gian vừa qua, thị trường bất động sản (BĐS) Lâm Đồng đã trải qua những biến động phức tạp, xen lẫn giữa giai đoạn bùng nổ và các dấu hiệu chững lại. Sau thời kỳ tăng trưởng nóng trong giai đoạn 2021-2022, thị trường đã bước vào quá trình điều chỉnh đáng kể dưới tác động của các chính sách thắt chặt và ảnh hưởng từ tình hình kinh tế vĩ mô.

Hạ nhiệt sau cơn “sốt đất”

Giai đoạn năm 2021-2022, tỉnh Lâm Đồng đã chứng kiến cơn “sốt đất” mạnh mẽ, đặc biệt ở phân khúc đất nền.

Thời điểm này, hoạt động giao dịch sôi động với giá đất tăng cao khiến nhiều nhà đầu tư đổ xô vào thị trường này. Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, các cơ quan chức năng bắt đầu tăng cường kiểm soát và siết chặt quản lý thị trường khiến tình hình bắt đầu thay đổi.

BĐS tại tỉnh duy nhất ở Tây Nguyên sẽ lên TP trực thuộc Trung ương đang chờ 'cú hích' mới
Tỉnh Lâm Đồng từng chứng kiến cơn “sốt đất” mạnh mẽ, đặc biệt ở phân khúc đất nền giai đoạn 2021-2022. Ảnh: Internet

Theo số liệu thống kê, trong quý I/2023, lượng giao dịch bất động sản tại Lâm Đồng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đến quý II/2024, thị trường đã có dấu hiệu phục hồi với mức tăng trưởng đáng kể, tập trung tại TP. Đà Lạt và các huyện Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh. Đất nền vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng số giao dịch, dù lượng giao dịch giảm nhẹ so với quý trước, và giá bình quân của phân khúc này cũng có xu hướng giảm, đặc biệt tại TP. Đà Lạt.

Mặc dù có những dấu hiệu tăng trưởng nhưng thị trường BĐS Lâm Đồng vẫn đối mặt với nhiều thách thức.

Trong quý II/2024, trên địa bàn tỉnh không có dự án nhà ở mới hay dự án BĐS nào được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc phê duyệt nhà đầu tư.

Trong thời gian này, cũng không có dự án căn hộ nào đủ điều kiện bán dưới dạng nhà ở hình thành trong tương lai, khiến nguồn cung bất động sản trở nên hạn chế và thiếu đa dạng về loại hình sản phẩm.

Thách thức còn tồn tại

Mặc dù có dấu hiệu hồi phục, thị trường BĐS Lâm Đồng vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Nguồn cung BĐS còn hạn chế, thủ tục hành chính phức tạp và tình trạng phân lô bán nền trái phép vẫn là các vấn đề cần giải quyết.

Sự thiếu đồng bộ giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng, cùng với vướng mắc trong công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng, cũng làm chậm tiến độ thực hiện các dự án. Các vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ bồi thường, hỗ trợ tái định cư mà còn khiến doanh nghiệp phải gia hạn thời gian thực hiện dự án.

Theo báo cáo về lượng và giá trị giao dịch BĐS qua công chứng trong quý III/2024, toàn tỉnh Lâm Đồng ghi nhận 5.493 giao dịch, giảm 229 giao dịch (tương đương 4,3%) so với quý trước.

Trong đó, phân khúc đất nền chiếm tỷ trọng cao nhất với 5.151 giao dịch, nhưng vẫn giảm 232 giao dịch so với quý trước. Tổng giá trị giao dịch đất nền đạt hơn 4.907 tỷ đồng với giá trung bình mỗi nền là hơn 950 triệu đồng, thấp hơn khoảng 150 triệu đồng so với mức trung bình của quý trước.

Về phân khúc nhà ở riêng lẻ, trong quý III, tỉnh Lâm Đồng có 325 căn được giao dịch, tập trung chủ yếu ở TP. Đà Lạt với 164 căn, huyện Đức Trọng 121 căn và TP. Bảo Lộc 39 căn.

BĐS tại tỉnh duy nhất ở Tây Nguyên sẽ lên TP trực thuộc Trung ương đang chờ 'cú hích' mới
TP. Đà Lạt được kỳ vọng sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy sự phát triển của thị trường BĐS Lâm Đồng. Ảnh: Internet

TP. Đà Lạt tiếp tục là điểm thu hút lớn đối với nhà đầu tư nhờ vị trí địa lý thuận lợi, khí hậu mát mẻ và hệ thống tiện ích ngày càng hoàn thiện. TP. Đà Lạt được kỳ vọng sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy sự phát triển của thị trường BĐS Lâm Đồng.

Thị trường BĐS Lâm Đồng hiện đang trong giai đoạn chuyển đổi. Sau thời kỳ tăng trưởng nóng, thị trường đã có những điều chỉnh cần thiết để hướng tới sự phát triển bền vững.

Tuy nhiên, để thu hút đầu tư và đảm bảo quyền lợi của người dân, các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng và minh bạch.

Các chuyên gia đầu tư bất động sản cho rằng TP. Bảo Lộc, Lâm Đồng là một trong những địa điểm lý tưởng để phát triển loại hình second home chăm sóc sức khỏe (wellness second home), nhờ vào khí hậu trong lành và không gian tươi mát.

Thổ nhưỡng của Lâm Đồng rất thích hợp cho việc phát triển cây trồng và cây ăn trái. Ngoài ra, nhiều khu vực tại đây sở hữu địa thế bám trụ trên các triền đồi, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các dự án có tầm nhìn rộng mở ra đồi núi hùng vĩ.

Một nhà đầu tư cho rằng thiên nhiên ưu ái ban tặng cho Bảo Lộc và Bảo Hà khí hậu ôn hòa quanh năm, rừng nguyên sinh bạt ngàn, cùng hệ thống suối hồ, thác ghềnh đa dạng, những đồi dốc thoai thoải, và thảm thực vật phong phú, vẽ nên một khung cảnh bình yên, thơ mộng. Bảo Lộc được ví như liều thuốc bổ giúp tăng cường sức khỏe thể chất và ‘chữa lành’ cho tâm hồn.

Trong vài năm gần đây, hạ tầng của Bảo Lộc đã được đầu tư và nâng cấp đồng bộ. Sự xuất hiện của nhiều sản phẩm và loại hình du lịch mới cũng đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và cơ sở vật chất của địa phương, mở ra những tiềm năng phát triển đầy hứa hẹn cho ngành BĐS trong đó có BĐS du lịch, nghỉ dưỡng.

Lâm Đồng là một tỉnh miền núi nằm ở vùng miền Trung của Việt Nam, đồng thời là tỉnh có diện tích lớn thứ 7 cả nước (9.781,2km2), tiếp giáp với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo như Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Lâm Đồng phấn đấu đạt các tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; đây cũng là tỉnh duy nhất của Tây Nguyên được quy hoạch sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.



Nguồn tin