Việt Nam cần nghiên cứu, khởi động lại điện hạt nhân để đủ năng lượng, vận hành hệ thống ổn định khi tỷ trọng điện tái tạo ngày càng cao và mục tiêu Net Zero vào 2050, theo chuyên gia.
Quốc hội giao Chính phủ trình cấp có thẩm quyền việc khởi động lại điện hạt nhân, theo Nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội 2025.
Tại phiên chất vấn chiều 12/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ đã đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi.
Đảm bảo an ninh năng lượng là lý do đầu tiên, theo giới chuyên gia, Việt Nam cần tính toán phát triển điện hạt nhân.
Nhu cầu điện tăng bình quân khoảng 10% một năm. Dự báo nhu cầu này tăng cao giai đoạn tới, như 2025 quanh 12-13%, để đạt mục tiêu GDP tăng 6,5-7%. Tức là, để đảm bảo an ninh năng lượng, theo tính toán, tăng trưởng kinh tế 1% thì điện cần 1,5%.
Tuy nhiên, tại một báo cáo hồi tháng 9, Bộ Công Thương cho biết nguy cơ thiếu hụt công suất giai đoạn 2026 – 2030, tiềm ẩn rủi ro mất an ninh cung ứng điện, đặc biệt là miền Bắc. Theo cơ quan này, nhiều nguồn điện lớn (thủy điện, than, khí) tại Quy hoạch điện VIII khó đáp ứng tiến độ vận hành đến năm 2030.
Chẳng hạn, trong 23 dự án điện khí (30.424 MW) hiện mới có nhiệt điện Ô Môn 1 hoạt động, dự án Nhơn Trạch 3 và 4 dự kiến vận hành vào tháng 5/2025. Với điện than, khoảng 3.380 MW vận hành vào 2030 và sau đó không phát triển theo cam kết Net Zero. Theo quy hoạch, công suất thủy điện là 29.346 MW, nhưng không thuận lợi vì dung lượng không còn nhiều, có thể gặp rủi ro khi phát triển. Ngoài ra, điện gió ngoài khơi, gần bờ cũng khó đạt quy mô công suất theo quy hoạch, lần lượt 6.000 MW và 21.880 MW.
“Nền kinh tế sẽ đóng băng nếu không có điện. Do đó, phát triển nguồn năng lượng bền vững, đa dạng là vấn đề cần ưu tiên hàng đầu tại Việt Nam hiện tại”, GS.TSKH Trần Quốc Tuấn, Đại học Quốc gia Khoa học và công nghệ Hạt nhân (INSTN), Đại học Paris Saclay, Giám đốc nghiên cứu CEA Liten-INES, nói.
Ông cho rằng điện hạt nhân giúp các nước, trong đó Việt Nam có thể độc lập về năng lượng. “Việc này rất quan trọng, Việt Nam cần đặt ra sớm bởi tương lai, các nguồn điện hiện tại không đáp ứng được nhu cầu, phải nhập khẩu năng lượng sẽ rất nguy hiểm”, ông Tuấn cảnh báo.
Để đủ năng lượng, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp 8, Chính phủ cũng đề xuất Nhà nước độc quyền và Thủ tướng quy định cơ chế đặc thù triển khai đầu tư, xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân.
Trong khi đó, Bộ Công Thương cũng đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, đưa ra phương án nghiên cứu phát triển điện hạt nhân lò phản ứng mô đun nhỏ, gồm nhà máy điện hạt nhân nổi.
Điện hạt nhân ổn định, ít phát thải carbon, thân thiện với môi trường. Sau cam kết của Thủ tướng tại COP26 về giảm phát thải ròng về 0, loại năng lượng này được giới chuyên gia về năng lượng nhắc tới nhiều.
Trong cơ cấu nguồn điện tính tới cuối 2023, điện than chiếm tỷ trọng trên 33%, thủy điện 28%, năng lượng tái tạo (mặt trời, gió) khoảng 27% và nguồn khác. “Việc phụ thuộc quá nhiều vào điện than gây hại cho môi trường, không phù hợp với cam kết của Việt Nam về giảm phát thải carbon”, ông Trần Quốc Tuấn bình luận.
Theo chuyên gia, điện hạt nhân phát thải rất ít, khoảng 6 gram CO₂ trên mỗi kWh, so với mức phát thải trên 1.000 gram của điện than. Như vậy, điện hạt nhân có thể giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu giảm phát thải, mà vẫn đủ năng lượng phát triển kinh tế.
Cùng quan điểm, TS Phạm Tuấn Hiệp – nguyên kỹ sư nghiên cứu Ủy ban Năng lượng hạt nhân và năng lượng thay thế (CEA) Cộng hòa Pháp, hiện là chuyên viên Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF) – cho biết điện hạt nhân có phát thải CO₂ tính trên vòng đời dự án (lắp đặt, sản xuất, vận hành và tháo dỡ) rất thấp, tương đương hoặc ít hơn so với sản xuất điện gió, mặt trời.
“Việc kết hợp hợp lý điện hạt nhân và năng lượng tái tạo trong tổng thể quy hoạch là giải pháp cho mục tiêu Net Zero của Việt Nam”, ông Hiệp nói.
Thực tế, Việt Nam từng tính xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, nhưng dự án này đã dừng theo quyết định năm 2016 của Quốc hội. Năm 2022, Ủy ban Kinh tế từng đề xuất xem xét phát triển loại năng lượng này trên cơ sở đánh giá đầy đủ, khoa học, chính xác thực trạng và dự báo cung cầu năng lượng.
Tại Quy hoạch điện VIII, năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng lớn, thay vào đó các nguồn truyền thống, như điện than sẽ dần thu hẹp. Song, tính thiếu ổn định của điện mặt trời, gió đặt ra bài toán lớn cần giải quyết.
“Đầu tiên là việc đảm bảo công suất tiêu thụ tối đa khi nguồn cung điện tái tạo không đạt tối ưu”, TS Phạm Tuấn Hiệp nói. Ông phân tích thời điểm người dùng sử dụng điện nhiều nhất, ví dụ 8 giờ tối, không phải lúc các nhà máy năng lượng tái tạo sản xuất tốt nhất do phụ thuộc vào gió, mặt trời.
Theo ông, giải pháp lưu trữ và truyền tải để tối ưu công suất được nghiên cứu, triển khai nhưng còn nhiều trở ngại kỹ thuật để áp dụng diện rộng, đặc biệt khi công suất nguồn tái tạo tăng mạnh. Ngược lại, điện hạt nhân có khả năng linh hoạt trong điều chỉnh công suất, sẽ đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ biến động theo giờ, thậm chí theo phút.
PGS. TS Vương Hữu Tấn, nguyên Viện trưởng Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho rằng điện hạt nhân sẽ giải quyết bài toán ổn định của hệ thống điện. “Năng lượng này sẽ giúp dự phòng cho điện tái tạo, cần thiết được đưa vào quy hoạch”, ông nói.
Năm 2050, điện gió, mặt trời chiếm tỷ trọng lớn nhất 63,8% trong cơ cấu nguồn, trong khi thủy điện và điện khí là 15,7%. Khi tỷ trọng năng lượng tái tạo tăng lên thì tổng công suất nguồn điện nền cũng cần tương ứng, để hệ thống vận hành ổn định.
Các nguồn thủy điện, khí LNG có thể đáp ứng được yêu cầu nguồn nền khi công suất năng lượng tái tạo tăng cao. Ông Tấn ước tính năm 2050, hệ thống cần dự phòng 20% là điện nền.Như vậy, tỷ trọng thủy điện và điện khí thời điểm này chỉ đủ cho dự phòng công suất.
“Việc này khó bảo đảm ổn định hệ thống, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt cho các ngành công nghệ cao”, ông nói.
Chưa kể, thủy điện phụ thuộc vào thời tiết và có thêm nhiệm vụ điều tiết lũ, phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp. Dùng hoàn toàn công suất của nguồn này dự phòng cho điện tái tạo, các mục tiêu khác có thể bị ảnh hưởng. Tương tự, sử dụng điện khí LNG để dự phòng công suất cũng khó chắc chắn khi nhiên liệu phụ thuộc nhập khẩu, giá cao.
Ngoài ra, bài toán kinh tế cũng là yếu tố quan trọng để xem xét tái khởi động điện hạt nhân. PGS. TS Vương Hữu Tấn cho biết do yêu cầu về an toàn nên nhà máy điện hạt nhân thường có chi phí đầu tư cao. Tuy vậy, chi phí nhiên liệu, vận hành và bảo dưỡng của các nhà máy này lại thấp. Cùng với đó, số giờ vận hành mỗi năm khoảng 7.000 giờ, nên sản lượng điện tạo ra nhiều hơn các nhà máy khác cùng công suất.
“Giá thành điện hạt nhân trong nhiều trường hợp có thể cạnh tranh được”, ông nói. Chẳng hạn, ở Nhật Bản giá điện hạt nhân rẻ nhất do nước này phải nhập khẩu nguyên liệu sản xuất các nguồn năng lượng khác.
Giới chuyên môn nhìn nhận Việt Nam có tiềm năng về phát triển điện hạt nhân và thời gian qua đã chuẩn bị bước đầu cơ bản. Tuy nhiên, GS Trần Quốc Tuấn cho rằng Việt Nam cần có chiến lược rõ ràng, chủ trương nhất quán từ cấp cao khi phát triển năng lượng này.
Tiếp đó, bài toán nguồn nhân lực cần được giải quyết. “Việt Nam nên khôi phục chương trình đào tạo, nghiên cứu trước đây, mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế để học hỏi kinh nghiệm”, ông Tuấn góp ý.
TS Phạm Tuấn Hiệp cũng nói Việt Nam phải có đội ngũ nhân lực trong nước đủ trình độ, không thể “nhập khẩu” chuyên gia nước ngoài. Ông gợi ý cộng đồng chuyên gia người Việt tại Pháp có chuyên môn cao, có thể đóng góp vào xây dựng, vận hành và duy trì an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân trong tương lai.
Khi nguồn nhân lực sẵn sàng, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần chọn công nghệ phù hợp và xây dựng cơ sở hạ tầng cho điện hạt nhân. Việc này nhằm đảm bảo dự án khả thi, an toàn, đáp ứng nhu cầu an ninh năng lượng.
Phương Dung – Thu Hằng
Nguồn tin: https://vnexpress.net/vi-sao-viet-nam-khoi-dong-lai-dien-hat-nhan-4811995.html