Chi tiết

Quốc hội chốt chưa tăng lương hưu, lương công chức năm 2025

Năm 2025 chưa tăng lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, song việc này sẽ được cân nhắc nếu tình hình kinh tế xã hội năm sau thuận lợi.

Sáng 13/11, với gần 90% đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước 2025.

Theo đó, Quốc hội quyết nghị số thu ngân sách năm sau hơn 1,96 triệu tỷ đồng, tổng chi gần 2,55 triệu tỷ. Trong đó, mức bội chi khoảng 3,8% GDP, tương đương 471.500 tỷ đồng. Năm sau, ngân sách được phép vay 835.965 tỷ đồng.

Năm 2025 chưa tăng lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, người có công. Tuy nhiên, trường hợp kinh tế xã hội năm sau thuận lợi, Chính phủ sẽ cân đối nguồn và đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Trước đó, từ 1/7, khoảng 3,3 triệu người được tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng 15%. Theo đó, với người hưởng lương hưu trước năm 1995, sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng một tháng thì tăng 300.000 đồng. Người có mức hưởng mỗi tháng từ 3,2 đến dưới 3,5 triệu điều chỉnh bằng 3,5 triệu đồng. Trợ cấp ưu đãi người có công lên gần 2,79 triệu đồng một tháng; trợ giúp xã hội là 500.000 đồng một tháng.

Ngân sách được chi 110.620 tỷ đồng nguồn tích luỹ cho cải cách tiền lương đến hết năm 2024, trong đó ngân sách trung ương là 60.000 tỷ đồng, còn lại ngân sách địa phương. Số này nếu còn dư được chuyển sang năm sau, để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng một tháng.

Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách 2025, sáng 13/11. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách 2025, sáng 13/11. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương cần thực hiện tiếp các giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương theo quy định. Địa phương được tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính số tăng thu ngân sách để cải cách tiền lương, theo Nghị quyết 34/2021 của Quốc hội.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng được phép dùng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư dự án kế nối vùng, quốc gia, công trình trọng điểm quốc gia trên địa bàn. Tuy nhiên, họ phải cam kết đảm bảo nguồn cho cải cách tiền lương tới 2030, không xin ngân sách trung ương hỗ trợ.

Quốc hội giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất xử lý bất hợp lý trong chế độ với giáo viên, y tế. Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương cần tiếp tục tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy và tiết kiệm, chống lãng phí. Việc tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập cũng cần đẩy nhanh, nhằm giảm hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp công lập.

Về điều chuyển nguồn tăng thu ngân sách 2022, Quốc hội đồng ý cho phép chuyển nguồn hơn 103.636 tỷ đồng còn lại chưa phân bổ để bố trí cho các dự án được Quốc hội cho phép dùng nguồn dự phòng chung và dự án giao cho các cơ quan, bộ ngành trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025.

Hơn 8.535 tỷ đồng chưa phân bổ, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định khi đủ thủ tục đầu tư.

Tương tự, khoảng 23.120 tỷ đồng nguồn tăng thu ngân sách trung ương 2023 được điều chuyển cho các dự án Quốc hội cho phép và bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện tại kế hoạch đầu tư công vốn trung ương 2025. Số còn lại chưa phân bổ 13.320 tỷ đồng, Quốc hội giao Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định phân bổ khi đủ thủ tục đầu tư theo quy định.

Anh Minh


Nguồn tin: https://vnexpress.net/quoc-hoi-chot-chua-tang-luong-huu-luong-cong-chuc-nam-2025-4815384.html