Chi tiết

Nghệ An đầu tư hơn 96.000 tỷ cho hạ tầng kỹ thuật Khu Kinh tế Đông Nam

Theo đó, dự kiến nhu cầu vốn cho việc lập quy hoạch xây dựng giai đoạn 2023-2028 khoảng 60,3 tỷ đồng. Nhu cầu vốn xây dựng các dự án đầu tư hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật khung trong khu kinh tế khoảng 96.426 tỷ đồng, được phân bổ cụ thể theo các giai đoạn như sau: giai đoạn 2024-2025 cần hơn 14.707 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là 61.809 tỷ đồng, và giai đoạn sau 2030 là 19.910 tỷ đồng.

Kế hoạch này nhằm phát triển Khu Kinh tế Đông Nam thành động lực kinh tế của tỉnh Nghệ An, với diện tích quy hoạch lên tới 20.776,47 ha, bao gồm nhiều xã và phường của huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, thị xã Cửa Lò và Hoàng Mai.

Một góc khu kinh tế Đông Nam. Ảnh: Tuấn Anh

Để tạo nguồn lực cho Khu kinh tế Đông Nam, tỉnh Nghệ An sẽ tối ưu hóa vốn ngân sách Trung ương để đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu, phối hợp với các Bộ, ngành để bổ sung nguồn lực thực hiện các định hướng phát triển lớn của tỉnh.

Đồng thời, tạo nguồn thu bền vững để cân đối ngân sách địa phương và đầu tư vào các công trình hạ tầng kỹ thuật. Khuyến khích thu hút vốn ODA và đẩy mạnh đầu tư PPP cho các công trình hạ tầng trọng điểm, góp phần lan tỏa phát triển kinh tế – xã hội. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án hiệu quả.

UBND tỉnh Nghệ An cũng đề nghị Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam là cơ quan chủ trì phối hợp các Sở, ban, ngành và địa phương thực hiện kế hoạch, theo dõi và báo cáo kịp thời các vấn đề phát sinh.

Chịu trách nhiệm điều chỉnh, triển khai các đồ án quy hoạch phân khu, đôn đốc tiến độ các dự án, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư để hoàn thiện cơ chế chính sách, cải thiện môi trường đầu tư.

Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam sẽ phối hợp với các sở, ngành và địa phương để theo dõi, giám sát việc thực hiện kế hoạch, đảm bảo tiến độ giải ngân và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Các Sở như Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, và các huyện, thị xã cũng được giao nhiệm vụ xây dựng chương trình và kế hoạch phối hợp chặt chẽ với Khu kinh tế Đông Nam nhằm thu hút đầu tư và triển khai các dự án trọng điểm.

Bên cạnh đó, các huyện, thành phố, thị xã có trách nhiệm phối hợp quản lý các quy hoạch đã được phê duyệt, công bố, cắm mốc, và lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện để tạo cơ sở thu hút đầu tư. Các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng sẽ thực hiện đúng quy hoạch, đảm bảo tiến độ và hiệu quả các dự án, tích cực thu hút đầu tư thứ cấp để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và tăng thu ngân sách địa phương.



Nguồn