Chi tiết

Ngành công nghệ Mỹ sẽ thay đổi thế nào dưới thời Trump 2.0?

Trump 1
Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ mang đến cơ hội và thách thức cho ngành công nghệ (Ảnh: ABC News)

Các lãnh đạo công nghệ ở các doanh nghiệp Mỹ cho biết họ đang chuẩn bị cho những tác động ngắn hạn và dài hạn từ các chính sách mà ông Trump có khả năng áp dụng. Những lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng bao gồm thuế quan, quy định về trí tuệ nhân tạo và hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A).

Thuế quan và chi phí phần cứng tăng cao

Một trong những lĩnh vực đầu tiên Trump có thể tác động là thuế quan, vì Tổng thống đắc cử có thể hành động mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội. Ông đã đề xuất mức thuế ít nhất 60% đối với Trung Quốc và 10-20% đối với các quốc gia khác, đưa mức thuế của Hoa Kỳ lên mức cao nhất kể từ thập niên 1930.

Nhiều công ty Mỹ đang phụ thuộc vào phần cứng sản xuất ở nước ngoài, bao gồm máy tính xách tay và điện thoại thông minh cho nhân viên. Mức thuế tăng đồng nghĩa với giá cả những mặt hàng này tăng lên, khiến nhiều công ty cho biết ngân sách công nghệ của họ có thể bị ảnh hưởng.

Thomas Phelps, Phó chủ tịch cao cấp về chiến lược doanh nghiệp và CIO của công ty phần mềm Laserfiche tại California, cho biết ông lo ngại vì công ty phần mềm của mình phụ thuộc vào một số phần cứng nhập khẩu, và ngân sách công nghệ cho năm tới đã gần như cố định.

AI vẫn là tâm điểm

Đối với các doanh nghiệp trong ngành, AI vẫn là ưu tiên hàng đầu. Nhu cầu triển khai công nghệ này trong tổ chức vẫn không hề suy giảm, và các CIO đang theo dõi sát sao cách chính phủ liên bang có thể can thiệp vào công nghệ này hoặc khuyến khích nó phát triển.

Theo các chuyên gia, rất có thể ông Trump sẽ có cách tiếp cận ít giám sát hơn đối với AI, đặc biệt khi các công ty công nghệ lớn và các startup đều ủng hộ quy tắc nhẹ nhàng trong an toàn AI. Ông Trump đã tuyên bố sẽ gỡ bỏ sắc lệnh hành pháp của chính quyền Biden về AI, nhằm quản lý các nguy cơ của công nghệ từ quyền riêng tư đến an ninh quốc gia.

AI in US
Các lãnh đạo công nghệ vẫn cho rằng AI là xu thế khó tránh dưới thời ông Trump (Ảnh: CIO Bulletin)

Bỏ qua sắc lệnh này có lợi ích là cắt giảm quan liêu và thúc đẩy việc ra mắt các sản phẩm AI nhanh hơn, theo ông Daniel Castro, Phó chủ tịch của Quỹ Công nghệ và Đổi mới Thông tin.

“Việc loại bỏ sắc lệnh của Biden không có nghĩa là sẽ không có bất kỳ quy định nào về AI, ông Mark MacCarthy, một nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Brookings, cho biết và nhấn mạnh sự thay đổi thực sự sẽ là đưa việc quản lý AI trở lại tay các cơ quan quản lý theo lĩnh vực.

Một môi trường M&A tự do hơn

Theo Chris Farmer, nhà sáng lập và CEO của quỹ đầu tư mạo hiểm SignalFire, chính quyền mới sẽ tạo điều kiện cho một môi trường M&A ít bị kiểm soát hơn. “Điều này là điều tốt trong thời đại AI vì công nghệ sẽ tiếp tục nuôi dưỡng thị trường khi các công ty lớn cố gắng mua lại tài năng và công nghệ,” ông Basu cho biết.

Bên cạnh đó, chính quyền mới của Đảng Cộng hòa có thể sẽ khuyến khích các “canh bạc rủi ro” vào phát triển AI, theo ông Shawn Helms, lãnh đạo tại công ty luật McDermott Will & Emery.

Hiện tại, còn quá sớm để biết Tổng thống đắc cử Trump đang có những suy nghĩ gì. Nhưng ông John Roese, Giám đốc công nghệ toàn cầu và AI của Dell, cho biết tập đoàn máy tính cá nhân khổng lồ này từng làm việc với chính quyền Trump trước đây và sẵn sàng làm việc với họ lần nữa nếu cần thiết. “Chúng tôi đã làm điều này trong một thời gian dài. Nhiều công nghệ ngày nay có phần vượt lên trên cả chính trị,” ông nói.

Nguồn