Đây là cuốn cẩm nang tra cứu, giúp cán bộ, công chức các cơ quan chuyên môn trực thuộc HĐND, UBND cấp tỉnh tham gia vào quá trình quản lý hoạt động hợp tác đầu tư nước ngoài ở các địa phương dễ dàng tìm được các quy định của pháp luật liên quan đến dự án đầu tư, do đó, sẽ rút ngắn được thời gian xem xét ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.
Tài liệu này cũng cung cấp công cụ phân tích, đánh giá chất lượng, hiệu quả dự án FDI trên địa bàn tỉnh định kỳ hàng năm để nhận diện các bất cập, hạn chế của dòng vốn FDI vào địa phương.
Chia sẻ về xuất phát điểm cuốn sổ tay này, ông Lê Anh Dũng – Tổng giám đốc ISC cho biết: Gần 40 năm thực hiện chính sách mở cửa, thu hút FDI, khu vực FDI đã trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào sự thịnh vượng và phát triển của Việt Nam.
“Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có các điều khoản quy định về điều kiện, tiêu chí lựa chọn dự án FDI nhằm tạo hành lang pháp lý để các địa phương chủ động xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư trước khi quyết định dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, các tiêu chí quy định về lựa chọn dự án FDI phân tán ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau nên khi áp dụng vào thực tế địa phương có thể dẫn đến thiếu sót, lọt lưới các dự án không mong muốn…”- ông Lê Anh Dũng cho hay.
Với sự tài trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), ISC đã biên soạn “Sổ tay hướng dẫn quản lý hoạt động hợp tác đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”.
Các tiêu chí qui định về lựa chọn dự án FDI còn phân tán ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau nên khi áp dụng vào thực tế, các cấp lãnh đạo tại địa phương rất khó tìm kiếm đầy đủ, nên cần có bộ tiêu chí làm công cụ, làm căn cứ giám sát, đánh giá đúng vị trí, vai trò và đóng góp cụ thể của FDI. Cuốn Sổ tay do ISC biên soạn đã đưa ra Bộ hướng dẫn áp dụng các tiêu chí (theo các quy định pháp lý hiện hành), cũng như cách đánh giá chất lượng, hiệu quả FDI trên địa bàn Tỉnh, Thành phố trực thuộc TW. Bộ Tiêu chí này cũng nhằm cung cấp các hướng dẫn một cách chi tiết để chính quyền các địa phương Tỉnh, Thành phố giám sát, đánh giá đúng vị trí, vai trò và đóng góp cụ thể của FDI đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, cũng như các kết quả khác đạt được trong hợp tác thu hút FDI trên địa bàn.
Cuốn sổ tay bao gồm:
Phần I: Hướng dẫn áp dụng tiêu chí Thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án FDI thuộc thẩm quyền UBND cấp tỉnh.
Trong đó có nêu các tiêu chí thẩm định và quy trình cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được mô hình hóa, tiện cho cán bộ, công chức nhà nước cũng như nhà đầu tư biết rõ quy trình, tuần tự các bước thực hiện.
Phần II: Hướng dẫn áp dụng tiêu chí giám sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh. Trong đó có Bộ tiêu chí giám sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả FDI trên địa bàn tỉnh.
Hiện hàng năm các địa phương vẫn thực hiện những báo cáo đánh giá chất lượng hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh. Bộ tiêu chí này chính là một công cụ mà các địa phương có thể tham khảo, áp dụng vào việc phân tích, đánh giá đồng thời cũng giúp nhận diện các bất cập, hạn chế của dòng vốn FDI trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phần III: Các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia đang được thực thi. Trong đó đã tóm lược những nội dung cơ bản của các Hiệp định, các cơ hội – thuận lợi – khó khăn khi thực thi.
Phần IV: Các quốc gia là đối tác quan trọng của Việt Nam.
Cuốn sổ tay cũng cung cấp thêm danh sách 100 công ty lớn nhất thế giới theo giá trị vốn hóa năm 2023 ở phần V.
TS. Ngô Công Thành – Chủ tịch ISC, Phó Chủ tịch Liên chi hội tài chính khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA), chủ biên của cuốn Sổ tay chia sẻ, khi nghiên cứu xây dựng cuốn Sổ tay các chuyên gia ISC đã xác định rõ đối tượng chính cần phục vụ là: Thường trực tỉnh ủy, UBND tỉnh; Lãnh đạo các cơ quan chức năng của tỉnh có liên quan trực tiếp đến quản lý đầu tư nước ngoài (Sở KH&ĐT Sở TN&MT, Sở KH&CN, Sở Xây dựng, SởTài chính, Sở LĐTB&XH; Ban Quản lý Khu kinh tế/Khu công nghiệp, Khu công nghệ cao của tỉnh).
Theo Chủ tịch ISC, đây là các đối tượng thường xuyên thay đổi do luân chuyển, bổ nhiệm theo nhiệm kỳ, khó có thể nắm bắt được đầy đủ các quy định pháp luật liên quan đến FDI.
Được biết, các tiêu chí ISC đưa ra trong cuốn sổ tay này có tính khả thi cao, dễ thực hiện, có thể định lượng để xếp hạng các địa phương khi đánh giá hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài.
Sách phát hành 2000 bản, không bán.