Những tác động xung quanh việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ ngày càng rõ rệt và lan ra rộng rãi. Với rất nhiều tín hiệu thay đổi đã xuất hiện, một trong những thước đo nhạy cảm nhất chính là đồng đô la Mỹ.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/11, đồng đô la Mỹ đã đạt mức cao nhất trong một năm so với các đồng tiền trong rổ tiền tệ quốc tế, và hướng đến mức tăng hàng ngày thứ năm liên tiếp.
Cụ thể, “đồng bạc xanh” đã tăng trở lại mức 156 yên; euro đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2023 ở mức 1,0546 đô la Mỹ; đồng bảng Anh đã chạm mức thấp nhất so với đồng đô la Mỹ trong ba tháng ở mức 1,2683 đô la Mỹ.
Chỉ số đô la Mỹ, đo lường đồng tiền này so với 6 đồng tiền hàng đầu bao gồm đồng euro và đồng yên – đã tăng 0,2% lên 106,69, mức cao nhất kể từ đầu tháng 11/ 2023.
Đây chỉ là những dấu hiệu ban đầu, và vấn đề đáng lo ngại hơn là những tác động từ chính sách sắp tới của chính quyền Trump sẽ thúc đẩy đồng đô la Mỹ tăng giá trong dài hạn so với tất cả các đồng tiền khác.
Thuế quan thương mại cao hơn và nhập cư chặt chẽ hơn dưới thời chính quyền Trump sắp tới được dự đoán sẽ thúc đẩy lạm phát, có khả năng làm chậm chu kỳ cắt giảm lãi suất của Cục dự trữ Liên bang (FED) trong dài hạn, thậm chí FED phải tăng lãi suất trở lại để kiềm chế lạm phát, đẩy giá đồng đô la Mỹ tăng mạnh hơn.
Các nhà kinh tế đã đặt ra câu hỏi: Ai sẽ gánh vác những chi phí phát sinh trong thương mại quốc tế nếu thuế quan bị nâng lên từ 20-100%? Hàng hóa trở nên quá đắt làm suy yếu sức mua của đồng tiền – đây là một đầu mối gây lạm phát.
Trước đây, người ta không tìm ra mối liên hệ giữa lạm phát và thuế. Nhưng hiện nay đều rõ ràng lạm phát là một hình thức đánh thuế ẩn của chính phủ, mặc dù không thấy dòng tiền chảy khỏi túi, nhưng thực ra sức mua đã yếu đi.
FED dưới thời ông Jerome Powell rất “mẫn cảm” với lạm phát, đây là nguyên nhân chính để họ giữ lãi suất mức cao lịch sử, và động thái giảm lãi suất rất thận trọng. Do vậy trong trung hạn, đồng đô la Mỹ vẫn neo ở mức cao.
Về lý thuyết, xuất khẩu sang Mỹ sẽ có lợi, làm cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trở nên có tính cạnh tranh hơn trên thị trường này, dẫn tới lượng hàng hóa bán ra được nhiều hơn. Nhưng ở chiều ngược lại chi phí nhập khẩu, chi phí vận tải, logistics, kho bãi, vay nợ bằng USD cũng tăng. Chưa tính đến tác động tổng hợp của chính sách thuế và phi thuế quan và các khoản bù trừ chi tiết mà doanh nghiệp xuất khẩu phải cân nhắc chi li hơn.
Phương án tối ưu là tăng xuất khẩu và giảm nhập khẩu đối với thị trường Mỹ. Có nghĩa là tối đa hóa việc sản xuất trong nước bằng nguồn cung nguyên liệu, vật tư hiện có. Điều này hoàn toàn phù hợp với chiến lược vĩ mô của kinh tế Việt Nam.