Quý 3: Ngành điện chuyển sắc xanh
Sau 2 quý đầu năm đỏ lửa, bức tranh quý 3/2024 của ngành điện đã có những gam màu tươi sáng hơn. Nhiều doanh nghiệp nhóm thủy điện hưởng lợi từ điều kiện thủy văn sau khi thời tiết chuyển pha sang El Nina. Trong khi đó, nhóm nhiệt điện cũng bất ngờ tăng lãi mạnh vì nhiều nguyên nhân.
Thống kê từ VietstockFinance, trong số 47 doanh nghiệp ngành điện công bố BCTC quý 3/2024, có tới 32 đơn vị có lợi nhuận tăng trưởng với 6 cái tên chuyển lỗ thành lãi. Chỉ 8 doanh nghiệp báo lãi giảm, và 7 đơn vị báo lỗ.
Nhiệt điện gây bất ngờ
Kết quả kinh doanh của nhóm nhiệt điện trong quý 3/2024
|
Nhóm nhiệt điện trong quý 3 gây bất ngờ khi một số đơn vị tăng lãi mạnh, thậm chí tính bằng lần. Như POW lãi ròng 396 tỷ đồng, gấp gần 5 lần cùng kỳ. Tuy nhiên, lãi gộp của POW thực chất đã đi lùi vì giá nhiên liệu tăng mạnh. Nguyên nhân giúp Doanh nghiệp lãi khủng là nhờ hơn 411 tỷ đồng doanh thu tài chính, gấp 3 lần cùng kỳ, chủ yếu do tăng lãi chênh lệch tỷ giá và các khoản lời từ tiền gửi ngân hàng.
POW lãi tốt quý 3/2024 nhờ hưởng lợi tỷ giá | ||
|
QTP (Nhiệt điện Quảng Ninh) cũng tăng lãi mạnh với 76 tỷ đồng lãi ròng, gấp 6.5 lần cùng kỳ. Một phần nguyên nhân do kiểm soát tốt suất hao nhiệt giúp tăng lãi gộp. Mặt khác, giống như POW, QTP cũng giảm được lỗ tỷ giá để đưa chi phí tài chính về số âm.
PGV (EVNGENCO3) nằm trong số các đơn vị hưởng lợi lớn nhất từ tỷ giá, chuyển từ lỗ 462 tỷ đồng cùng kỳ sang lãi 491 tỷ đồng, cũng là đơn vị lãi cao nhất nhóm nhiệt điện. Thực tế, doanh thu trong kỳ của PGV giảm khá mạnh – tới 22%, dẫn đến lãi gộp chưa bằng 50% cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí tài chính lùi về số âm (-146 tỷ đồng) nhờ giảm mạnh lỗ tỷ giá, giúp Doanh nghiệp ngược dòng lợi nhuận.
PGV gỡ lỗ lũy kế cũng nhờ chênh lệch tỷ giá | ||
|
Trong khi đó, NT2 cũng chuyển từ lỗ 124 tỷ đồng sang lãi 44 tỷ đồng, nhưng nguyên nhân chủ yếu nhờ tăng lãi gộp. Các chi phí không có quá nhiều biến động.
Chiều ngược lại, nhóm BTP, PPC, NBP và HND đều báo lỗ. Trong đó, riêng PPC (Nhiệt điện Phả Lại) đi xuống vì rơi mất khoản cổ tức từ đơn vị thành viên, khiến doanh thu tài chính đi lùi tới 75%. Các đơn vị còn lại lỗ ròng chủ yếu vì sản lượng điện đi xuống, do huy động thấp.
Thủy điện phủ sắc xanh sau cơn bĩ cực
Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thủy điện trong quý 3/2024
|
Với việc hiện tượng El Nino chấm dứt vào đầu quý 3 và chuyển pha sang La Nina, nhóm thủy điện đã được dự báo sẽ hưởng lợi. Thực tế, kết quả quý 3 cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp đều đạt lợi nhuận tăng trưởng, phủ sắc xanh cho nhóm thủy điện. Văn bản giải trình có mẫu số chung là “điều kiện thủy văn thuận lợi”.
AVC (Thủy điện A Vương) có quý lãi cao nhất trong hơn 1 năm qua, đạt 124 tỷ đồng lợi nhuận ròng, gấp 2.5 lần cùng kỳ. Thủy điện là nhóm được ưu tiên huy động vì giá rẻ. Việc thời tiết thuận lợi đã kéo lượng nước về nhiều, giúp sản lượng điện bán ra của AVC tăng mạnh và làm nên thành quả trên.
AVC có quý lãi tốt nhất hơn 1 năm qua nhờ thủy văn thuận lợi | ||
|
HNA (Thủy điện Hủa Na) cũng lãi đậm vì nguyên nhân tương tự. Quý 3/2024, Doanh nghiệp thủy điện lãi ròng 185 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ, cũng là quý lãi cao nhất kể từ sau quý 2/2022.
TBC (Thủy điện Thác Bà) thu lãi 85 tỷ đồng, gấp 8 lần cùng kỳ. CHP (Thủy điện miền Trung) lãi gấp 3 lần cùng kỳ, đạt 55 tỷ đồng. Cả hai đều chung lý do “thủy văn thuận lợi”, giúp sản lượng điện gia tăng.
Thủy điện cũng là nguyên nhân kéo lợi nhuận của REE đi lên, đạt 480 tỷ đồng lãi ròng, tăng 7% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng sản lượng điện thương phẩm của REE đạt 2.7 tỷ kWh trong quý 3, tăng trưởng 4%. REE cho biết, các thành viên nhóm thủy điện như TBC và VSH (Vĩnh Sơn – Sông Hinh) tăng lãi đã giúp Doanh nghiệp hưởng lợi.
REE tăng lợi nhuận quý 3 nhờ thủy điện | ||
|
Tuy nhiên, trường hợp của VSH, dù lãi gấp 3 lần cùng kỳ (đạt 78 tỷ đồng), nhưng không đến từ kinh doanh điện. Thực tế, doanh thu của VSH trong kỳ chỉ tăng nhẹ, cho thấy ông lớn thủy điện chưa thực sự phục hồi. Doanh nghiệp được bù đắp nhờ giảm mạnh chi phí tài chính sau khi tái cấu trúc nợ vay và phát sinh thêm doanh thu từ hợp đồng tiền gửi.
Không phải cái tên nào cũng hưởng lợi từ thủy văn. DNH (Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi) giảm lãi 12%, còn 282 tỷ đồng trong quý 3, do lượng nước về thấp hơn cùng kỳ khiến sản lượng điện đi xuống. SBH (Thủy điện Sông Ba Hạ) chung nguyên nhân, giảm lãi tới 43%, còn 125 tỷ đồng.
Điện tái tạo phân hóa mạnh
Nhóm điện tái tạo có sự phân hóa khá mạnh. Các đơn vị mạnh về điện mặt trời và thủy điện ghi nhận lãi tăng tốt, trong khi điện gió bước vào kỳ thấp điểm.
Như TTA đạt 95 tỷ đồng lãi ròng, gấp 2.3 lần cùng kỳ. Trong danh mục, TTA sở hữu 2 nhà máy thủy điện (tổng công suất hơn 56MW) và một nhà máy điện mặt trời (công suất tới 62MW).
HDG (Tập đoàn Hà Đô) cũng tăng lãi 63%, lên 138 tỷ đồng. Dù là doanh nghiệp bất động sản, doanh thu chiếm phần lớn của Hà Đô lại là kinh doanh điện. Trong quý 3, mảng điện mang về 445 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 24%; lãi gộp 310 tỷ đồng, tăng 46%. Tuy nhiên, danh mục điện của HDG bao gồm cả thủy điện, điện gió và điện mặt trời.
PC1 cũng có quý đạt thành quả tốt, trong đó mảng điện ghi nhận tăng 18% doanh thu, đạt 448 tỷ đồng; lãi gộp bán điện tăng 21%, đạt 233 tỷ đồng. Cũng giống như HDG, PC1 đầu tư cả thủy điện và điện gió, lý do tăng lãi đến từ thủy điện.
BGE (BCG Energy) chuyển từ lỗ 51 tỷ đồng sang lãi 158 tỷ đồng; một phần do có thêm doanh thu từ khách hàng mới ở mảng điện mặt trời áp mái; phần khác do đã trả hết nợ trái phiếu từ cuối năm trước và giảm lỗ chênh lệch tỷ giá, giúp chi phí tài chính lùi sâu.
Trong khi đó, GEG (Điện Gia Lai) báo lỗ ròng 27 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 14 tỷ đồng). Doanh nghiệp giải thích, điện gió vào kỳ thấp điểm trong năm làm giảm doanh thu, trong khi giá bán điện vẫn đang tính theo mức giá tạm từ Bộ Công Thương (bằng 50% giá trần của khung giá phát điện Nhà máy điện gió trên biển), dẫn đến doanh thu chưa phản ánh đúng thực tế. Ngoài ra, 3 dự án điện gió của GEG (TPĐ1, TPĐ2, VPL) chiếm tỷ trọng khá cao trong cơ cấu nợ vay, khiến chi phí tài chính neo cao và tạo ra khoản lỗ.