Chi tiết

LPBank báo lãi gần 10.000 tỷ 10 tháng đầu năm

Đoàn Chủ tịch ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 của LPBank. Ảnh: CV.

Chiều ngày 16/11, Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank – Mã: LPB) đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 (EGM 2024) với tất cả tờ trình được thông qua.

Cụ thể, cuộc họp thảo luận về các nội dung chính như tờ trình phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, tờ trình phương án tăng vốn điều lệ năm 2024… Đáng chú ý, ngay tại ngày họp EGM 2024 (16/11), LPBank đăng tải một số tờ trình bổ sung, thay đổi nội dung như thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính; Tờ trình về việc góp vốn, mua cổ phần thay thế cho tờ trình 3137 ngày 19/9/2024 về việc góp vốn, mua cổ phần; Tờ trình bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028 thay thế cho tờ trình 3166 ngày 21/9/2024; và Tờ trình về việc miễn nhiệm Thành viên HĐQT.

Ở nội dung thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính, LPBank cho biết sẽ chuyển trụ sở chính hiện tại của ngân hàng từ LPB Tower, số 210 đường Trần Quang Khải, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội, đến một địa điểm khác – phù hợp với định hướng phát triển trong ngắn hạn, trung và dài hạn của ngân hàng này. Tờ trình này không đề cập cụ thể về địa điểm của trụ sở mới.

Tờ trình LPBank cho biết cả nước hiện nay đang tích cực và nỗ lực xây dựng quy hoạch tầm nhìn chiến lược trung và dài hạn, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với doanh nghiệp có trụ sở chính đặt tại địa phương và khu vực.

Theo lãnh đạo LPBank, việc chuyển trụ sở phù hợp với định hướng phát triển của ngân hàng, tạo điều kiện cho LPBank mở rộng thị trường, đặc biệt gia tăng sự hiện diện tại các khu vực nông thôn, đô thị loại 2, thể hiện tầm nhìn “trở thành đối tác tài chính tin cậy nhất – là lựa chọn số 1 của cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp vừa và nhỏ tại khu vực nông thôn và đô thị loại 2”.

Ngoài ra, LPBank cũng trình các cổ đông phương án tăng vốn điều lệ lên 29.872,9 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 16,8%. Phương án này thay thế kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 33.576 tỷ đồng thông qua chào bán tối đa 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 (AGM 2024) phê duyệt.

Bên cạnh đó, EGM 2024 của LPBank sẽ tiến hành bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028 là bà Vương Thị Huyền (SN 1974) và ông Phạm Phú Khôi (SN 1963), nâng số lượng thành viên HĐQT từ 7 lên 9 người.

Đây là 2 cá nhân có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Trong đó, bà Huyền từng là Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam (VIB), còn ông Phạm Phú Khôi hiện là Chủ tịch HĐQT – Thành viên độc lập HĐQT CTCP Chứng khoán LPBank (LPBS).

Nội dung cuối cùng, đồng thời cũng là nội dung đáng chú ý nhất mà HĐQT LPBank dự trình cổ đông thông qua là mua tối đa 5% vốn điều lệ của FPT. Việc này, theo ban lãnh đạo ngân hàng – đứng đầu bởi Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Thụy, “sẽ giúp LPBank đa dạng hóa kênh đầu tư và tối ưu vốn góp của cổ đông”.

Với quy mô vốn hiện tại của FPT, LPBank sẽ phải mua vào khoảng 73 triệu cổ phiếu để đạt mục tiêu sở hữu 5% vốn. Tạm tính theo giá đóng cửa của cổ phiếu FPT phiên giao dịch gần nhất (16/11), LPBank có thể phải bỏ ra hơn 9.800 tỷ đồng cho thương vụ này.

Phần thảo luận:

Tỷ lệ chi phí/thu nhập và lợi nhuận của LPBank

Trong giai đoạn vừa qua, LPBank quyết tâm tinh gọn bộ máy, quy trình nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Nhà băng cũng thúc đẩy chuyển đổi số, đầu tư và nâng cao hạ tầng công nghệ thông tin, đảm bảo tốc độ xử lý của hệ thống. LPBank tập trung đào tạo đội ngũ nhân sự, tăng năng suất hiệu quả bán hàng trên hệ thống; chuyên môn hóa khách hàng cá nhân và doanh nghiệp đảm bảo chi phí doanh thu của các phân khúc khách hàng.

Có thể thấy, tỷ lệ thu nhập/chi phí của LPBank được cải thiện, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng đạt mức cao. LPBank kỳ vọng tỷ lệ CIR (chỉ số chi phí trên thu nhập) giảm dưới mức 30%.

Chuyển đổi mô hình có hướng tới ESG

ESG (tiêu chuẩn đo lường mức độ phát triển bền vững và tác động của doanh nghiệp đến cộng đồng) là trách nhiệm xã hội và sự phát triển bền vững cho nhà băng. LPBank đã thuê các tư vấn hàng đầu thế giới tư vấn về quá trình ESG cho ngân hàng. Việc tập trung chuyển đổi mô hình hoạt động từ đầu năm 2024 là một trong các trụ cột phải thực hiện. Từ đó, tạo sự tin tưởng cho cổ đông, nhà đầu tư trong và ngoài nước, tiếp cận nguồn vốn thị trường mới.

Kế hoạch kinh doanh thông qua tại AGM năm 2024 có hoàn thành được không?

Tính đến cuối tháng 10/2024, tổng tài sản LPBank đạt 460 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng 18% (gần hết room tín dụng tạm thời phân bổ). Lợi nhuận xấp xỉ 10 ngàn tỷ đồng. Như vậy, LPBank sẽ vượt kế hoạch được ĐHĐCĐ giao cho từ đầu năm (chỉ tiêu lợi nhuận 10.500 tỷ đồng).

LPBank còn có dự định bán vốn cho nước ngoài

LPBank chưa có kế hoạch bán vốn cho cổ đông nước ngoài.

Kế hoạch tỷ lệ an toàn vốn của LPBank

Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của ngân hàng thương mại cổ phần tối thiểu là 8%. LPBank thời gian qua nỗ lực tăng cường năng lực vốn, cũng như sử dụng vốn vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro thấp. Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ an toàn vốn của nhà băng là trên 13%.

Chính sách cổ tức

Cố gắng hàng năm chia từ 16,8% trở lên đến khoảng 20%.

Nguồn