Ông Andres Velasco, Trưởng khoa Chính sách công tại Trường Kinh tế London đã không ngần ngại nêu tên Tổng thống đắc cử của Mỹ tại các cuộc họp bên lề Hội nghị thượng đỉnh cấp cao APEC khi dự báo về những thách thức cho thương mại toàn cầu trong thời gian tới.
Ông nói rằng chiến thắng của ông Donald Trump “không phải là tin tốt” đối với các quốc gia ở Vành đai Thái Bình Dương, Đông Á và Mỹ Latinh. Chuyên gia này cũng cảnh báo rằng các quốc gia có thể sớm thấy mình ở trong tình thế phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc.
Đồng quan điểm, người đứng đầu JPMorgan Chase Jamie Dimon cho biết, nếu ông Trump thực hiện các lời đe dọa áp thuế trong chiến dịch tranh cử bao gồm mức thuế 60% trở lên đối với hàng hóa Trung Quốc và 10 đến 20% đối với phần còn lại của thế giới, thì điều này sẽ đưa mọi người đến bàn đàm phán. Ông Dimon cũng nói thêm rằng Tổng thống đắc cử của Mỹ sẽ muốn tránh phản ứng tiêu cực của thị trường chứng khoán.
Mối đe dọa áp đặt thuế quan rộng rãi của ông Trump có nguy cơ làm xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu và làm đảo lộn các nền kinh tế trên khắp Châu Mỹ Latinh.
Lập trường của ông Trump về thương mại và thuế quan chắc chắn sẽ tác động đến các quốc gia như Brazil, Peru và Mexico, những quốc gia có mối quan hệ kinh tế sâu sắc với Trung Quốc. Ông cũng đã cam kết sẽ thúc đẩy sản xuất dầu và xăng của Mỹ, điều mà những người chỉ trích cho rằng sẽ làm suy yếu các nỗ lực giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
“Nhưng Trump không chống lại thương mại, ông ấy cho rằng nhiều điều trong các thỏa thuận thương mại đã không công bằng đối với nước Mỹ, và có những ví dụ cho thấy điều đó là đúng”, ông Dimon nói và nhấn mạnh nếu có điều gì đó không công bằng, thì cần phải sửa chữa. Nhưng nếu chúng ta bắt đầu tự làm mình mạnh hơn bằng cách gây tổn hại đến người khác, sẽ có sự trả đũa.
Đại diện thương mại Mỹ sắp mãn nhiệm Katherine Tai đã nhắc lại một số ý tưởng đó trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg. Theo đó, bà cho biết việc sử dụng thuế quan có mục tiêu là cần thiết để ngăn chặn hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường Mỹ bằng các mặt hàng nhập khẩu như ô tô, năng lượng sạch và chất bán dẫn.
“Về mặt kinh tế, chính trị và xã hội, bất kể ai là người lãnh đạo ở Hoa Kỳ, chúng ta cũng không thể chịu đựng được ‘cú sốc Trung Quốc 2.0’”, bà Tai phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh CEO APEC.
Bà Tai cũng cảnh báo không nên sử dụng thuế quan bao trùm như những loại thuế mà ông Trump đã đề xuất. “Thuế quan là một phần của giải pháp. Nhưng chỉ áp thuế sẽ không có hiệu quả”, bà nói thêm, nhưng không nêu đích danh ông Trump.
Nhiều ý kiến bên lề APEC cũng cho thấy sự ảm đạm về chính quyền Mỹ nhiệm kỳ tới khi cho rằng thế giới đang tiến vào một giai đoạn bảo hộ hơn do Mỹ lãnh đạo. Tuy nhiên, chuyên gia quan hệ quốc tế Robert Patman cho rằng, sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ ở Mỹ có thể là cơ hội cho Trung Quốc.
“Trung Quốc sẽ chủ động tại APEC. Có lẽ họ sẽ tự quảng bá mình là nhà vô địch của thương mại tự do”, ông Patman chỉ ra.
Liu Dongshu, Phó giáo sư về các vấn đề quốc tế tại Đại học thành phố Hong Kong, cho rằng Trung Quốc sẽ gửi thông điệp đến các nước rằng nghiêng hẳn về phía Mỹ không phải là điều khôn ngoan và họ nên cân nhắc hợp tác với Bắc Kinh.
Cụ thể, trong những tháng qua, Bắc Kinh đã có những bước đi nhằm cải thiện mối quan hệ với các đồng minh và đối tác quan trọng của Mỹ, ví dụ như miễn thị thực nhập cảnh cho công dân của nhiều quốc gia châu Âu và nối lại hội nghị thượng đỉnh ba bên với Nhật Bản và Hàn Quốc.