Chi tiết

Đầu tư hơn 38.600 tỷ đồng mở rộng cao tốc TP.HCM – Trung Lương

Ban quản lý dự án 7 vừa có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi gửi Bộ GTVT về việc triển khai đầu tư dự án Đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Liên danh nhà đầu tư đề xuất dự án là Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả, Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM và Công ty CP Tasco.

Theo đó, nhà đầu tư đã mở rộng phạm vi nghiên cứu, bao gồm: Phương án trung tâm điều hành giao thông khu vực; xây dựng đường kết nối từ ĐT818 vào cao tốc trên địa bàn tỉnh Long An; mở rộng Vành đai 3 TP.HCM (đoạn qua tỉnh Long An dài 6,37 km); làm mới khoảng 49 km đường song hành với tuyến cao tốc trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, vị trí và quy mô của các trạm dừng nghỉ phục vụ nhu cầu giao thông trên dự án (tại Km28+200 và Km78+220); hoàn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 1 đoạn cao tốc TP.HCM-Trung Lương.

Đoạn cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Ảnh: VGP

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu về phạm vi đầu tư, nhà đầu tư căn cứ vào cơ sở pháp lý của dự án, đã tính toán, xây dựng các kịch bản đầu tư mở rộng tuyến đường bộ cao tốc từ TP.HCM đến Mỹ Thuận theo các phương án khác nhau.

Từ đó, nhà đầu tư đã lựa chọn được phương án đầu tư tối ưu đó là đầu tư mở rộng toàn tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận dài 91 km trong giai đoạn năm 2024-2028 theo phương thức PPP, hợp đồng BOT, không có vốn ngân sách Nhà nước tham gia trong dự án.

Với việc mở rộng đoạn tuyến hiện hữu lên quy mô 8 làn xe, đầu tư các công trình hạ tầng đồng bộ, dự án PPP đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận sẽ có sơ bộ tổng mức đầu tư là 38.693 tỷ đồng.

Dự kiến, 100% vốn thực hiện dự án sẽ do nhà đầu tư thu xếp, trong đó, vốn chủ sở hữu là 5.804 tỷ đồng (15% tổng mức đầu tư), vốn vay và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác 32.889 tỷ đồng (85% tổng mức đầu tư).

Đoạn cao tốc TP.HCM – Trung Lương đã đầu tư 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp liên tục, nền đường rộng 26m, giải phóng mặt bằng theo quy mô 8 làn xe hoàn chỉnh sẽ mở rộng lên 8 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp liên tục, nền đường rộng 41m, vận tốc thiết kế 120km/h.

Đoạn cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận hiện có 4 làn xe và dải dừng xe khẩn cấp không liên tục, nền đường rộng 17m, giải phóng mặt bằng theo quy mô 6 làn xe hoàn chỉnh sẽ mở rộng lên quy mô 6 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp liên tục, nền đường rộng 32,25m, vận tốc thiết kế 100km/h.

Trong 8 nút giao liên thông của dự án hiện đã có các nút giao Vành đai 3, Bến Lức, Cai Lậy, Cái Bè, An Thái Trung đầu tư hoàn chỉnh.

Nhà đầu tư đề xuất đầu tư hoàn chỉnh các nút giao còn lại để tăng năng lực thông hành gồm: nút giao Thân Cửu Nghĩa (bổ sung 3 nhánh), nút giao Chợ Đệm (bổ sung 2 nhánh rẽ và 1 cầu vượt), xây dựng mới nút giao đường tỉnh 818 và nút giao đường nối từ cao tốc TP.HCM – Trung Lương (thuộc nút giao Tân An) với quốc lộ 62.

Về tiến độ, dự kiến, phê duyệt chủ trương đầu tư từ quý II/2024-quý I/2025; phê duyệt dự án từ quý II-III/2025; lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án từ quý III/2025-quý I/2026. Triển khai thực hiện dự án từ quý I/2026-quý IV/2028.

Về phương án hoàn trả vốn ngân sách Nhà nước ứng trước, nhà đầu tư sẽ sử dụng doanh thu trong 10 năm đầu thu phí để hoàn trả vốn đầu tư dự án cao tốc TP.HCM – Trung Lương (giai đoạn 1).



Nguồn