Chi tiết

Vốn ngoại, góc nhìn người trong cuộc

(ĐTCK)  Tuần qua, thị trường chứng khoán trong nước ghi nhận lực bán ròng mạnh mẽ của khối ngoại, với tổng giá trị bán ròng 3.876 tỷ đồng.

Nếu tính từ đầu năm tới nay, khối ngoại đã bán ròng hơn 88.000 tỷ đồng. Khối lượng bán ròng kỷ lục của khối ngoại từ đầu năm đến nay phần nào lý giải tại sao VN-Index không thể bứt phá thành công khỏi ngưỡng 1.300 điểm, mặc dù các chỉ số SP500, Dow Jones hay Nikkei liên tục lập đỉnh mới trong năm 2024.

Ông Bùi Việt Hùng, Chuyên gia tư vấn đầu tư và quản lý tài sản, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam

Ông Bùi Việt Hùng, Chuyên gia tư vấn đầu tư và quản lý tài sản, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam

Diễn biến của dòng vốn ngoại liên quan nhiều đến câu chuyện lãi suất và tỷ giá USD. Áp lực tỷ giá USD/VND lớn, đi kèm với đà tăng trưởng tốt của các cổ phiếu công nghệ, sản xuất bán dẫn lớn trên thế giới, lãi suất hấp dẫn đến từ trái phiếu chính phủ ở các nước đã phát triển khiến dòng vốn ngoại có xu hướng rút ra khỏi thị trường chứng khoán mới nổi và cận biên, trong đó có Việt Nam, để hưởng lợi suất tốt hơn. Đây là câu chuyện không phải mới diễn ra.

Ngày 11/11/2024, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về các vấn đề liên quan đến thị trường ngoại hối, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đặc biệt nhấn mạnh về việc không để tỷ giá bất ổn, gây ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư nước ngoài.

Các nhà đầu tư ngoại gần đây tăng tỷ trọng của nhóm ngành bán dẫn, công nghệ liên quan đến trí tuệ nhân tạo, cơ sở dữ liệu điện toán đám mây. Việc số lượng doanh nghiệp công nghệ niêm yết còn hạn chế phần nào làm giảm sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam so với các nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Ấn Độ.

Tuy vậy, trong trung hạn, nhà đầu tư ngoại vẫn giữ quan điểm đánh giá tích cực về nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán Việt Nam.

Điểm mạnh của Việt Nam là nguồn nhân công giá rẻ, tốc độ đô thị hoá cao, tầng lớp trung lưu phát triển mạnh, chính trị ổn định. Đây là nền tảng vững chắc cho các nhóm ngành nghề sản xuất phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Việc cựu Tổng thống Donald Trump đắc cử nhiệm kỳ mới với chính sách thuế quan nghiêm ngặt lên hàng Trung Quốc sẽ tạo cơ hội cho các nhóm ngành sản xuất của Việt Nam nhận được các khoản đầu tư lớn trong trung hạn. Thêm vào đó, Chính phủ cho thấy nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Chuyến thăm Ả-rập-xê-út và Qatar của Thủ tướng Phạm Minh Chính gần đây đã thể hiện rõ định hướng của Chính phủ không những về xuất nhập khẩu, mà cả về thu hút vốn đến từ các quỹ đầu tư Trung Đông.

Quỹ ngoại Lumen Vietnam nhận định, GDP của Việt Nam trong giai đoạn 2024 – 2025 sẽ đạt mức tăng trưởng từ 6,5 – 7%, được thúc đẩy bởi đầu tư công, tiêu dùng, ổn định tỷ giá và nỗ lực tháo gỡ vướng mắc pháp lý trên thị trường bất động sản, giúp thị trường phục hồi.

Trong báo cáo thường niên năm 2024, ông Craig Martin, Chủ tịch Dynam Capital, đơn vị chủ quản của Quỹ đầu tư Vietnam Holding Limited (VNH) cho biết, Quỹ dự báo thị trường chứng khoán Việt Nam có khả năng được nâng hạng vào năm 2025, tuy nhiên sẽ chắc chắn hơn vào năm 2026. Sau đợt nâng hạng, Quỹ dự báo, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ thu hút sự quan tâm của lượng lớn nhà đầu tư mới, qua đó, gia tăng thanh khoản thị trường.

Có thể thấy, các quỹ ngoại đặt kỳ vọng rất lớn vào triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong trung và dài hạn. Nếu Việt Nam tận dụng được nguồn vốn FDI, phát triển lực lượng nhân lực trình độ cao, nâng cao giá trị nội tại của doanh nghiệp trong nước, dòng tiền đầu tư nước ngoài chắc chắn sẽ chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Các nhóm cổ phiếu được hưởng lợi bao gồm bất động sản khu công nghiệp, sản xuất, công nghệ thông tin, bán dẫn, nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn, nhóm cổ phiếu đạt chuẩn các tiêu chí về ESG.

Việc thị trường chứng khoán Việt Nam là thị trường duy nhất xuất hiện trong danh sách chờ nâng hạng lên nhóm mới nổi hạng 2 (Secondary Emerging Market) của FTSE Russell cũng kéo theo nhiều sự chú ý từ các quỹ ngoại. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, các quỹ và công ty quản lý tài sản quy mô lớn đến từ Mỹ, EU vẫn tương đối thận trọng khi đầu tư vào các thị trường cận biên như Việt Nam, do các vấn đề như thanh khoản thị trường, chuẩn mực báo cáo tài chính, hệ thống giao dịch, giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài… Khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng, đồng thời đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe khác, nhiều quỹ và công ty quản lý tài sản lớn từ các nước phát triển sẽ coi đây là một nhóm tài sản chất lượng, sẵn sàng đầu tư vào.


Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/von-ngoai-goc-nhin-nguoi-trong-cuoc-post358187.html