Chi tiết

Vosco (VOS) thông qua kế hoạch đầu tư mở rộng đội tàu, đã có một số ngân hàng cam kết tài trợ vốn

(ĐTCK) Ngày 19/11, CTCP Vận tải biển Việt Nam – Vosco (mã VOS) đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ bất thường 2024 và thông qua việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư tàu năm 2024 bao gồm 10 tàu.

Vosco (VOS) thông qua kế hoạch đầu tư mở rộng đội tàu, đã có một số ngân hàng cam kết tài trợ vốn

Cụ thể, VOS sẽ đầu tư mua 02 tàu hàng rời cỡ Supramax, trọng tải 56.000 – 58.000 dwt đã qua sử dụng dưới 15 tuổi, giá mua tối đa 23 triệu USD/tàu; đóng mới 04 tàu cỡ Ultramax, trọng tải 62.000 – 66.000 dwt, giá tối đa 40 triệu USD/tàu; đóng mới 04 tàu dầu sản phẩm cỡ MR, trọng tải khoảng 50.000 dwt, với giá tối đa 52 triệu USD/tàu.

Các tàu này được xác định đóng tại các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc hoặc Việt Nam. Nguồn vốn đầu tư từ vốn vay và vốn tự có của doanh nghiệp với tỷ lệ tùy theo từng dự án.

Trước đó, Vosco đang quản lý và khai thác 13 tàu, tổng trọng tải khoảng 420.000 tấn. Trong đó, Công ty sở hữu 9 chiếc gồm 7 tàu hàng khô, hàng rời và 2 tàu container. Tàu thuê ngoài gồm 2 tàu dầu sản phẩm và 2 tàu hóa chất.

Tàu gần nhất mà công ty đầu tư là Vosco Sunrise nhận vào năm 2013, kể từ đó đến nay, Công ty chỉ thanh lý các tàu cũ, tuổi cao, tình trạng kỹ thuật kém… mà chưa đầu tư thêm được tàu.

Với kế hoạch mở rộng đội tàu, ban lãnh đạo VOS cho biết, về việc đầu tư tàu hàng rời đã qua sử dụng, Công ty nhận thấy giá tàu đã qua sử dụng hiện đang ở mức hợp lý, thị trường trong dài hạn được đánh giá là tương đối ổn định.

Đối với tàu dầu sản phẩm, Công ty sẽ đầu tư tàu đóng mới resale, thời gian giao tàu sớm để có thể tận dụng được giai đoạn thị trường đang tốt. Bên cạnh đó, Công ty vẫn quyết tâm duy trì và khai thác ổn định đội tàu container. Đội tàu container của VOS chủ yếu khai thác trên tuyến nội địa, hiện nay giá tàu container đang khá cao nên Công ty chưa có kế hoạch mua tàu nhưng đang tìm kiếm và đàm phán việc thuê thêm tàu container với các đối tác để có thêm tàu khai thác, đảm bảo hiệu quả.

Về nguồn tài chính để đầu tư tàu, VOS hiện thu xếp được nguồn vốn đối ứng và đã làm việc với nhiều tổ chức tài chính trong và ngoài nước để tìm kiếm nguồn vốn vay phù hợp. Công ty đã nhận được văn bản cam kết tài trợ vốn của một số ngân hàng trong nước.

Cổ đông cũng quan tâm đến vấn đề trả cổ tức, lãnh đạo Vosco phân trần, đến hết năm 2022, Công ty mới khắc phục hết khoản lỗ luỹ kế từ giai đoạn dài thị trường vận tải biển chìm trong khó khăn (2009 – 2020) và tích luỹ được nguồn lực qua lợi nhuận năm 2023 – 2024. Tuy nhiên, Công ty đang tập trung tài chính cho việc phát triển đội tàu nên sẽ báo cáo ĐHĐCĐ việc chia cổ tức vào thời điểm phù hợp.

Trong quý III/2024, VOS ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.269,85 tỷ đồng, tăng 77% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ đi các chi phí, Công ty báo lỗ sau thuế hơn 14 tỷ đồng trong quý III/2024 (cùng kỳ năm ngoái lỗ 23,3 tỷ đồng). VOS cho biết, do phát sinh khoản lỗ chênh lệch tỷ giá trong quý III là 17,75 tỷ đồng dẫn đến quý III Công ty bị lỗ.

Luỹ kế 9 tháng năm 2024, Vosco ghi nhận doanh thu đạt 4.239,34 tỷ đồng, tăng 86,1% so với cùng kỳ do từ quý I/2024, Vosco đã thuê thêm được 2 tàu hoá chất là Đại Hưng và Đại Thành để quản lý và khai thác theo hình thức thuê tàu trần trong thời gian 3 năm nên có thêm doanh thu từ 2 tàu này. Theo đó, dù quý III lỗ, lợi nhuận sau thuế 9 tháng của VOS vẫn đạt 344,26 tỷ đồng, gấp 6,8 lần cùng kỳ năm trước.

Trái ngược với kỳ vọng về việc phát triển đội tàu, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VOS đã giảm 13,6% chỉ trong 3 phiên vừa qua. Riêng phiên 19/11, VOS giảm 5,84% và đóng cửa tại mức giá 14.500 đồng/CP.



Nguồn