Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, một số quốc gia Đông Nam Á đang nỗ lực để tìm cách gia nhập nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS. Nhưng không phải tất cả các quốc gia đều hướng đến tư cách thành viên đầy đủ của BRICS.
Các nhà phân tích nói với CNA rằng điều này phản ánh sự kết hợp giữa các mục tiêu quốc gia riêng lẻ và lợi ích khu vực. Ngoài ra, nhiều quốc gia Đông Nam Á có thể bày tỏ mong muốn gia nhập BRICS như một biện pháp phòng ngừa trước những bất ổn trong chính sách kinh tế của Mỹ dưới thời của Tổng thống Donald Trump.
“Nhiệm kỳ II của Tổng thống Trump có thể thúc đẩy các quốc gia Đông Nam Á tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với BRICS do lo ngại về chính sách kinh tế của Mỹ”, ông Jamil Ghani tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) ở Singapore cho biết.
Tháng trước, Malaysia, Indonesia, Thái Lan đã được xác nhận là các quốc gia đối tác của khối BRICS cùng với 9 quốc gia khác tại hội nghị thượng đỉnh ở Kazan.
Tiến sĩ Ian Storey, thành viên cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore, lưu ý rằng cả ba quốc gia này đều đã tuyên bố rằng họ sẽ nỗ lực để trở thành thành viên chính thức của BRICS.
“Điều đó cho thấy họ thoải mái với hướng đi mà BRICS đang hướng tới và thấy được những lợi thế về kinh tế và địa chính trị khi trở thành thành viên chính thức của BRICS. Trong khi đó, một số quốc gia khác, như Việt Nam đang thận trọng hơn”, ông Ian Storey nói.
Đồng tình với quan điểm này, bà Sharon Seah – thành viên cấp cao và điều phối viên của Trung tâm Nghiên cứu ASEAN tại Viện ISEAS-Yusof Ishak cho biết, Việt Nam có chiến lược riêng và việc gia nhập các nhóm đa phương như BRICS sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng.
Trong khi đó, ông Jamil cho biết Malaysia, Indonesia và Thái Lan có khả năng coi Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) của BRICS là một giải pháp thay thế quan trọng cho việc tài trợ cơ sở hạ tầng và tài trợ phát triển, điều này rất quan trọng đối với chương trình nghị sự tăng trưởng của họ.
“Việc gia nhập BRICS cũng phù hợp với chiến lược rộng lớn hơn của Malaysia, Indonesia và Thái Lan là cân bằng các mối quan hệ địa chính trị, giúp họ duy trì quyền tự chủ trong bối cảnh cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng”, ông nói thêm.
NDB được thành lập vào năm 2015 để huy động nguồn lực cho các dự án cơ sở hạ tầng và phát triển bền vững tại khối BRICS và các nền kinh tế thị trường mới nổi khác cũng như các nước đang phát triển.
Các nhà phân tích cũng cho rằng Malaysia và Indonesia có thể được thúc đẩy nhiều hơn bởi các động cơ chính trị và cách tiếp cận chính sách đối ngoại của các nhà lãnh đạo để gia nhập khối.
“Trong trường hợp của Indonesia, Tổng thống Prabowo Subianto mong muốn được coi là một trong những nhà lãnh đạo của Nam Bán cầu. Ông Prabowo thấy rằng ông cần phải gia nhập BRICS nếu không ông sẽ bị tụt hậu”, Phó giáo sư Yohanes Sulaiman từ Đại học Jenderal Achmad Yani của Indonesia nói.
Tương tự, Tiến sĩ Ong Kian Ming, Phó hiệu trưởng phụ trách quan hệ đối ngoại tại Đại học Taylor ở Malaysia cũng chỉ ra, điều này phù hợp với cách tiếp cận chính sách đối ngoại của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim là cân bằng giữa các cường quốc.
Chuyên gia này cũng nói thêm, tương tự như Tổng thống Indonesia Prabowo, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cũng có mong muốn được nhìn nhận là một trong những nhà lãnh đạo của Nam Bán cầu và thậm chí là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Trong khi đó, bà Elina Noor, thành viên cấp cao của Chương trình Châu Á tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế nói rằng, BRICS sẽ giúp Malaysia tạo ra những cơ hội cho đất nước ngoài các mối quan hệ truyền thống của mình.
Trong một cuộc phỏng vấn với CNN vào ngày 12/11 trong chuyến thăm Hoa Kỳ, ông Anwar tái khẳng định rằng quyết định gia nhập BRICS của Malaysia được thúc đẩy bởi lợi ích kinh tế và thương mại của nước này, chứ không phải lợi ích chính trị.
Trong khi đó, ông Prabowo nói với truyền thông Mỹ rằng ông không thấy vấn đề gì khi tham gia nhiều khối kinh tế quốc tế. “Chúng tôi muốn gia nhập nhiều khối kinh tế khác nhau vì chúng tôi muốn tìm kiếm những cơ hội tốt nhất cho nền kinh tế của chính mình, chúng tôi cần quan tâm đến sức khỏe của nền kinh tế để phục vụ cho người dân”, ông Prabowo nói với giới truyền thông trong chuyến thăm Washington vào ngày 14/11.
Trong bối cảnh ông Donald Trump sắp chính thức lên nắm quyền Tổng thống Mỹ, Tiến sĩ Alan Chong của RSIS đã nói với CNA rằng: “Thế giới đang trải qua một giai đoạn rất khó khăn trong quan hệ kinh tế toàn cầu và BRICS có thể đóng vai trò như một biện pháp phòng ngừa rủi ro”.
“Khối BRICS có thể kêu gọi các quốc gia thành viên tuân thủ một số chuẩn mực tự nguyện, điều này sẽ giúp ổn định nền kinh tế thế giới và duy trì động lực phát triển thịnh vượng cho nhiều quốc gia đang tham gia vào nền kinh tế toàn cầu, dù có hoặc không có sự hiện diện của Mỹ”, Tiến sĩ Chong chỉ ra.
Về lý do tại sao các quốc gia như Malaysia, Indonesia và Thái Lan lên tiếng muốn tìm kiếm tư cách thành viên chính thức của BRICS, ông Chong nhận định, đây là một sự kiện đã diễn ra từ lâu, một phần là do Mỹ ngày càng “vũ khí hóa” các mối quan hệ kinh tế.
“Dưới thời ông Trump, thế giới đã thấy điều này trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Và giờ đây, khi ông Trump tái đắc cử, tôi nghĩ rằng càng có nhiều lý do hơn khiến các quốc gia muốn gia nhập BRICS”, Tiến sĩ Chong nhấn mạnh.
Việc Mỹ không tham gia các hiệp định thương mại lớn cũng đã tác động đến vai trò của Mỹ như một đối tác kinh tế quan trọng trong khu vực. Cuộc khảo sát của Viện ISEAS-Yusof Ishak năm 2024 cho thấy khu vực này ưu tiên Trung Quốc như một đối tác chiến lược do mối quan hệ kinh tế chặt chẽ và các khoản đầu tư trong Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Quan điểm thương mại gần đây của ông Trump cũng có thể không tốt cho khu vực. Đặc biệt, việc ông Trump áp thuế quan có thể phá vỡ chuỗi cung ứng ở Đông Nam Á, đặc biệt ảnh hưởng đến các quốc gia như Việt Nam, Thái Lan,… – những nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ.