Chi tiết

Rủi ro tài sản được kiểm soát, rủi ro thanh khoản ngân hàng gia tăng

Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của toàn ngành duy trì ổn định ở mức 19% tổng dư nợ cho vay khách hàng trong 9 tháng 2024. OCB ghi nhận mức tăng lớn nhất, 3% QoQ, nhờ các nỗ lực chuyển đổi số. Tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) toàn ngành vẫn ở mức cao, đạt 106%, ông Phan Duy Hưng, CFA, MBA, Giám đốc Phân tích cao cấp của VIS Rating cùng các cộng sự cập nhật trong báo cáo về ngân hàng 9 tháng 2024.

Tỷ giá tăng mạnh trở lại khiến NHNN khởi động lại kênh tín phiếu. Ảnh minh họa: Quốc Tuấn
Ngân hàng SOB và ngân hàng lớn ít rủi ro tài sản vì dư nợ cho vay khu vực ảnh hưởng bão; song các ngân hàng nhỏ chịu tác động vốn và chi phí tín dụng. Ảnh minh họa: Quốc Tuấn

Theo các chuyên gia của VIS, các ngân hàng nhỏ và vừa (ví dụ: BVB, ABB, LPB, NAB, MSB) tăng chi phí huy động vốn cao hơn để duy trì tiền gửi và tăng cường vay liên ngân hàng ngắn hạn.

Cập nhật diễn biến thị trường cũng phản ánh từ giữa tháng 10 năm 2024, lãi suất liên ngân hàng qua đêm đã tăng 3.5%, lên mức trung bình 6% sau những áp lực tỷ giá và thanh khoản thị trường thắt chặt hơn. “Lãi suất liên ngân hàng nếu tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian tới sẽ làm tăng rủi ro thanh khoản đối với các ngân hàng nhỏ và vừa”, các chuyên gia VIS Rating nhận định.

Lãi suất liên ngân hàng thực tế sau nhiều động thái can thiệp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến 20/11, vẫn đang neo ở mức cao. Tại 20/11, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm ghi nhận áp dụng 19/11 là 5,31%; 1 tuần là 5,34%, 2 tuần là 5,60% và 3 tháng là 5,40%. Trước đó, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đã vọt lên mức 5,5% vào đầu tháng 11/2024, cao nhất kể từ tháng 4/2023 và có thời điểm dâng cao 6%, khiến NHNN đã phải phát hành gần 100 nghìn tỷ đồng tín phiếu, bơm hơn 200 nghìn tỷ đồng qua thị trường mở (OMO). Qua đó, để đưa lãi suất liên ngân hàng tạm thời về mức như hiện tại.

Rủi ro lãi suất liên ngân hàng có thể dâng trở lại, theo giới chuyên môn, vẫn có thể lặp lại nếu tỷ giá vẫn tiếp tục gặp các biến động và rủi ro, theo sát những biến động của DXY và các thay đổi trên thị trường quốc tế sau hơn 2 tuần nước Mỹ có kết quả bầu cử Tổng thống.

Tuy nhiên, trong trường hợp áp lực tỷ giá hạ nhiệt, lãi suất liên ngân hàng cũng sẽ giảm rủi ro tăng lên. Điều kiện “đồng hành” là nguồn vốn của các TCTD có thể cải thiện tốt hơn ngoài phụ thuộc vốn ngắn hạn như hiện tại, một chuyên gia lưu ý.

nim.jpg

Bên cạnh vấn đề về rủi ro thanh khoản của các ngân hàng và lưu ý nguồn vốn, chi phí vốn của các ngân hàng quy mô nhỏ, một tín hiệu tích cực của hệ thống, theo đánh giá của ông Phan Duy Hưng và các cộng sự, là rủi ro tài sản của các ngân hàng duy trì ổn định trong 9 tháng đầu năm 2024. Trong đó, rủi ro tài sản của các ngân hàng được kiểm soát nhờ quy mô cho vay hạn chế với khu vực bị ảnh hưởng bởi bão. Điều này khác với dự báo của nhiều tổ chức trước đó khi cho rằng dù dư nợ khu vực bị ảnh hưởng bởi bão Yagi không quá lớn, song các ngân hàng quốc doanh (SOB) và các ngân hàng lớn cũng sẽ vẫn sẽ bị ảnh hưởng ngắn hạn.

Theo VIS Rating, tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản bình quân (ROAA) của toàn ngành giảm nhẹ xuống 1,5% trong 9 tháng 2024 so với 1,6% trong 6 tháng 2024, với các ngân hàng nhỏ chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ biên lãi ròng (NIM) thu hẹp và chi phí tín dụng cao hơn.

“Đến cuối năm 2024, chúng tôi kỳ vọng việc cải thiện tăng trưởng cho vay mua nhà lợi tức cao và nợ quá hạn phát sinh mới chậm lại sẽ góp phần ổn định lợi nhuận và chất lượng tài sản cho các ngân hàng.

Phần lớn các ngân hàng ít chịu tổn thất liên quan đến bão nhờ quy mô cho vay hạn chế ở các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng. Tổng dư nợ tín dụng cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão chiếm khoảng 1% tổng dư nợ toàn ngành, chủ yếu thuộc về các SOB có hoạt động tại các tỉnh bị ảnh hưởng. Các biện pháp hỗ trợ của NHNN như tái cơ cấu nợ và cung cấp các khoản vay lãi suất thấp cho các khách hàng vay bị ảnh hưởng sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng trả nợ cho khách hàng”, chuyên gia đánh giá.

Nhìn chung, theo dữ liệu BCTC, tỷ lệ nợ có vấn đề toàn ngành duy trì ổn định so với quý trước ở mức 2,4%. Các ngân hàng lớn, bao gồm SOB, ghi nhận tốc độ các khoản nợ quá hạn phát sinh mới chậm lại, nhờ sự cải thiện của một khoản nợ xấu lớn (ví dụ: CTG) cũng như siết chặt tiêu chuẩn cấp tín dụng, đặc biệt đối với các khoản vay tiêu dùng mới (ví dụ: VPB). Mặt khác, các khoản nợ quá hạn vẫn tiếp tục tăng tại các ngân hàng tập trung vào khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) (ví dụ: PGB, SGB, VIB, OCB, LPB).

“Chúng tôi đánh giá khoảng 30% ngân hàng có hồ sơ rủi ro tài sản ở mức yếu, tăng từ mức 22% năm 2023. Trong cả năm 2024, chúng tôi kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu toàn ngành sẽ ổn định ở mức 2,3-2,4% khi các ngân hàng hoàn tất việc xóa nợ trong quý 4”.

ln.jpg

Tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành chậm lại do NIM thu hẹp, và các ngân hàng nhỏ chịu thêm ảnh hưởng bởi chi phí tín dụng cao. Phần lớn các ngân hàng ghi nhận ROAA và NIM giảm theo quý (QoQ); các ngân hàng nhỏ chịu mức giảm lợi nhuận đáng kể nhất do chi phí huy động tiền gửi tăng cao trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt. Các ngân hàng này và một số ngân hàng quy mô vừa (ví dụ: VIB, OCB) ghi nhận sự suy giảm chất lượng tài sản và chi phí tín dụng cao. Xu hướng lợi nhuận của các ngân hàng lớn có sự phân hóa; một số ngân hàng (ví dụ: TCB, MBB, ACB) bị ảnh hưởng bởi thu nhập từ dịch vụ bảo hiểm, ngoại hối (FX) và đầu tư chứng khoán giảm, trong khi một số ngân hàng khác hưởng lợi từ nỗ lực giảm rủi ro trước đó đã giảm mạnh chi phí tín dụng (ví dụ: VPB) và tăng lợi nhuận thu hồi nợ (ví dụ: CTG, VCB).

“Chúng tôi kỳ vọng phần lớn trong số 25 ngân hàng trong phân tích của chúng tôi sẽ đạt được mục tiêu lợi nhuận cả năm, đặc biệt là các SOB và các ngân hàng lớn có sự tăng trưởng cho vay doanh nghiệp mạnh mẽ. Với tốc độ tăng trưởng tín dụng tiếp tục được cải thiện, chúng tôi kỳ vọng ROAA toàn ngành sẽ cải thiện lên 1,6% cho cả năm 2024 từ mức 1.5% trong năm trước”, VIS Rating phân tích.

Đáng chú ý, các chuyên gia cũng lưu ý bộ đệm rủi ro vẫn ở mức yếu. Tính đến 9 tháng 2024, tỷ lệ vốn chủ sở hữu hữu hình trên tổng tài sản hữu hình (TCE/TA) toàn ngành không thay đổi QoQ, ở mức 8,8% do tăng trưởng lợi nhuận chậm lại.

Được biết, có gần 20% ngân hàng trong đánh giá của VIS Rating có hồ sơ an toàn vốn yếu, bao gồm các ngân hàng nhỏ với lợi nhuận mỏng và một số SOB bị hạn chế trong việc tăng vốn mới. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLCR) toàn ngành tăng nhẹ 1% QoQ, đạt 83% vào cuối 9 tháng 2024, dẫn dắt bởi CTG do tăng mức trích lập dự phòng và giảm nợ có vấn đề. LLCR của MBB giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm, còn 69%, do khoản vay của doanh nghiệp bất động sản lớn trở thành nợ xấu.

Phần lớn các ngân hàng nhỏ và vừa tiếp tục có LLCR dưới mức trung bình của ngành. Một số ngân hàng (ví dụ: CTG, VCB) đang chờ phê duyệt từ cơ quan quản lý để hoàn thành việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, điều này sẽ giúp các ngân hàng giữ lại vốn.

Việc chất lượng tài sản các ngân hàng suy giảm nhẹ, tuy nhiên, vẫn được kỳ vọng sẽ có sự thay đổi vào kỳ “chốt số” cuối năm, khi đây được xem là thời điểm tăng trưởng tín dụng đột biến, giúp các ngân hàng có cơ sở bù đắp LLCR và gia tăng lợi nhuận.


Source link