Chi tiết

Tín hiệu tích cực từ khu vực sản xuất của trái phiếu doanh nghiệp trong 10 tháng đầu năm

FiinRatings vừa công bố báo cáo cập nhật thị trường trái phiếu doanh nghiệp tháng 10 và 10 tháng năm 2024.

TỔNG GIÁ TRỊ PHÁT HÀNH 10 THÁNG NĂM 2024 TĂNG 60% SO VỚI CÙNG KỲ

Theo đó, thị trường sơ cấp tháng 10/2024 ghi nhận tổng giá trị phát hành đạt 33 nghìn tỷ đồng với 38 đợt phát hành, giảm 41,4% so với tháng trước nhưng tăng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng có giá trị phát hành thấp nhất kể từ tháng 7 năm nay, chủ yếu do hoạt động của nhóm ngành dẫn dắt thị trường là nhóm tổ chức tín dụng chậm lại, sau khi đã phát hành đáng kể trong tháng 9 để đáp ứng các yêu cầu về tỷ lệ an toàn cuối quý 3 của Ngân hàng nhà nước.  

Tính chung 10 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị phát hành của cả thị trường đạt gần 348 nghìn tỷ đồng, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tổng giá trị phát hành mới của trái phiếu xanh, xã hội và bền vững đạt gần 6,9 nghìn tỷ, chiếm khoảng 2% lượng phát hành mới từ đầu năm.

Tình hình phát hành thị trường sơ cấp tháng 10/2024.
Tình hình phát hành thị trường sơ cấp tháng 10/2024.

Xét về cơ cấu theo ngành, nhóm các tổ chức tín dụng vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất (58%) về giá trị phát hành. Tuy nhiên, tỷ trọng này đã giảm đáng kể so với các tháng trước (trên 80%), do nhiều nhóm ngành khác đã phát hành những lô trái phiếu có giá trị lớn trong tháng 10/2024, dẫn đến cơ cấu ngành tương đối đa dạng.

Một số doanh nghiệp phi ngân hàng phát hành lượng lớn trái phiếu trong tháng 10 có thể kể đến Vinfast (6.000 tỷ đồng), Vinhomes (2.000 tỷ đồng) và Vietjet (2.000 tỷ đồng).

Cơ cấu phát hành trên thị trường sơ cấp tháng 10/2024.
Cơ cấu phát hành trên thị trường sơ cấp tháng 10/2024.

Đặc biệt, tháng 10 ghi nhận lô trái phiếu 1.000 tỷ đồng do CTCP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I phát hành (thuộc lĩnh vực thủy sản) được bảo lãnh thanh toán bởi GuarantCo. Đây cũng là lô trái phiếu xanh đầu tiên được phát hành bởi một doanh nghiệp phi tài chính trong năm nay.

KHOẢNG 10.000 TỶ ĐỒNG NỢ GỐC TRÁI PHIẾU CÓ NGUY CƠ CHẬM TRẢ TRONG 2 THÁNG CUỐI NĂM

Họạt động mua lại trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 10/2024 đạt gần 17,5 nghìn tỷ đồng (-14,5% so với tháng 9), nâng tổng giá trị mua lại trong 10 tháng năm 2024 lên 146,3 nghìn tỷ đồng (-16,3% so với cùng kỳ năm trước).

Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong giai đoạn cuối năm 2024 là 54,4 nghìn tỷ, đặc biệt làtháng 12 khoảng hơn 43 nghìn tỷ và tập trung vào nhóm doanh nghiệp phi tài chính, cụ thể là ngành bất động sản và sản xuất (chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và ô tô).

“Trong đó, chúng tôi đánh giá có khoảng 10 nghìn tỷ đồng nợ gốc trái phiếu có nguy cơ chậm trả đến cuối năm đến từ một vài doanh nghiệp bất động sản có tình hình tài chính không tốt”, báo cáo của FiinRatings nêu.

Tình trạng chậm trả của trái phiếu doanh nghiệp.
Tình trạng chậm trả của trái phiếu doanh nghiệp.

Trong tháng 10/2024, tổng giá trị giao dịch trái phiếu (cả trái phiếu phát hành ra công chúng và tráiphiếu riêng lẻ) trên thị trường thứ cấp đạt trên 117 nghìn tỷ đồng.

Thanh khoản trung bình ngày trong tháng 10 đạt gần 5,1 nghìn tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với tháng trước. Cụ thể, lượng giao dịch trung bình ngày của phát hành ra công chúng và riêng lẻ lần lượt tăng 13% và 3% so với giá trị tháng 9. Giá trị giao dịch qua hình thức thỏa thuận (với toàn bộ là trái phiếu phát hành riêng lẻ) tăng 49,3% so với tháng 9 và chiếm 0,13% thanh khoản cả thị trường.

Nhóm ngành ngân hàng và bất động sản vẫn chiếm phần lớn giá trị giao dịch của tháng, với tỷ trọng đạt 45,9% và 29,3%. Lượng trái phiếu ngân hàng được giao dịch chứng tăng so với tháng 9, với mức 33%. Trong khi đó, trái phiếu bất động sản có giá trị giao dịch tăng nhẹ 1%. Đồng thời, du lịch giải trí và các nhóm ngành khác trở nên sôi động và giá trị giao dịch tăng đáng kể.

Source link