Riêng tại TP. HCM, Chủ tich Hoàng Quân nhận định nhu cầu nhà ở xã hội đang rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh quỹ đất hạn chế và thành phố vẫn còn nhiều khu nhà ven rạch chưa được cải tạo.
Ngày 21/11, Báo Người Lao động đã tổ chức tọa đàm với chủ đề “Nhà ở xã hội: Đột phá từ chính sách mới”.
Tại buổi tọa đàm, ông Trương Anh Tuấn – Chủ tịch CTCP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa Ốc Hoàng Quân (mã chứng khoán HQC) đánh giá rằng, việc bổ sung đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội và bãi bỏ điều kiện cư trú là một chính sách đột phá.
Điều này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi để công nhân và người thu nhập thấp có thể thuê, mua nhà ở xã hội tại bất kỳ tỉnh, thành nào mà còn góp phần mở rộng nguồn cầu. Đây là yếu tố quan trọng giúp hiện thực hóa mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp.
Theo ông Tuấn, các quy định mới trong Luật Nhà ở sửa đổi đã tạo ra bước đột phá chưa từng có, trở thành nền tảng vững chắc để cả doanh nghiệp và người dân yên tâm đầu tư, thuê hoặc mua nhà ở xã hội.
Ông Trương Anh Tuấn – Chủ tịch CTCP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa Ốc Hoàng Quân. Nguồn ảnh: Hanoimoi |
Ông nhấn mạnh, để hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp cần có chính sách hỗ trợ hồi tố như việc duy trì mức lãi suất ưu đãi 4,8% dành cho người mua nhà ở xã hội. Chính sách này sẽ giúp doanh nghiệp giảm áp lực tài chính khi tham gia chương trình phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội.
Riêng tại TP. HCM, ông Tuấn nhận định nhu cầu nhà ở xã hội đang rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh quỹ đất hạn chế và thành phố vẫn còn nhiều khu nhà ven rạch chưa được cải tạo.
Với số lượng công nhân tại các khu chế xuất và công nghiệp lên tới khoảng 300.000 người, việc phát triển nhà ở xã hội không chỉ là nhu cầu bức thiết mà còn là giải pháp ổn định xã hội.
Ông đề xuất TP. HCM cần có cơ chế đặc thù cho các chủ đầu tư đã sở hữu quỹ đất sạch. Nếu giá đất đã được tính thuế, chi phí này nên được đưa vào giá thành căn hộ để đảm bảo mức giá phù hợp cho người lao động.
Chẳng hạn, với các dự án nhà cao tầng từ 18-25 tầng, việc bổ sung chi phí 2-3 triệu đồng/m2 vẫn giúp doanh nghiệp duy trì lợi nhuận định mức 10%, trong khi giá căn hộ không vượt quá 30 triệu đồng/m2. Đây là giải pháp khả thi và nằm trong thẩm quyền của TP. HCM.
Cũng tại tọa đàm, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM, đánh giá cao những chính sách mới trong Luật Nhà ở 2023. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra một số bất cập còn tồn tại trong các văn bản dưới luật, gây cản trở cho doanh nghiệp. Điển hình là một số doanh nghiệp tự bỏ vốn cá nhân để phát triển nhà ở xã hội mà không nhận bất kỳ ưu đãi nào từ Nhà nước, nhưng vẫn bị yêu cầu kiểm toán, tạo thêm áp lực không đáng có.
Ông Châu còn nhấn mạnh, nhà trọ – vốn được xem là một giải pháp nhà ở xã hội hiệu quả cho người lao động hiện không được công nhận chính thức trong các chính sách nhà ở xã hội. Đây là một bất cập lớn cần được điều chỉnh để phù hợp với thực tế.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy sự phát triển của nhà ở xã hội, ông Châu kiến nghị cần tập trung giải quyết các vấn đề cốt lõi như quỹ đất, hỗ trợ tín dụng và đơn giản hóa thủ tục đầu tư. Ông đề xuất giá đất cần được tính toán minh bạch, hợp lý, và lãi suất cho vay nên được điều chỉnh giảm để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân tiếp cận.