Chi tiết

Ví điện tử hết thời?

Thanh toán qua ví điện tử tại một quán cafe, liệu ví điện tử có hết thời? Ảnh: Đăng Kiệt

Cuộc chiến “đốt tiền”

Như Nhadautu.vn đã thông tin, hồi cuối thàng 10, ShopeePay, ứng dụng ví điện tử của nền tảng mua hàng trực tuyến Shoppee đã bị Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt vi phạm hành chính số tiền 25 triệu đồng.

ShoppeePay bị xử phạt do chưa triển khai đánh giá hiệu quả của các biện pháp quản lý và kỹ thuật được áp dụng đối với hệ thống thông tin của doanh nghiệp theo quy định, cụ thể: Công ty chưa kiểm tra tính đầy đủ và phù hợp của Quy chế bảo đảm an toàn thông tin theo phương án bảo đảm an toàn thông tin được phê duyệt; chưa đánh giá việc tuân thủ các quy định, quy trình trong Quy chế bảo đảm an toàn thông tin trong quá trình vận hành, khai thác, kết thúc hoặc hủy bỏ hệ thống thông tin; việc thiết kế hệ thống thông tin, việc thiết lập, cấu hình hệ thống thông tin theo phương án bảo đảm an toàn thông tin được phê duyệt.

Điều này cho thấy, “lỗ hổng” an toàn thông tin mạng là một trong những yếu tố khiến các ứng dụng ví điện tử dần trở nên mất điểm.

Theo các chuyên gia, phát triển ví điện tử là cuộc chiến đốt tiền, khiến các doanh nghiệp dễ hụt hơi.

Mới nhất, Grab khai tử ví điện tử Moca dù đã giảm khoản lỗ từ ứng dụng này. Grab định hướng phát triển thành nền tảng đa ứng dụng, đồng nghĩa, việc phát triển ví điện tử là cần thiết để tối ưu hoá việc thực thi thanh toán online ngay trên nền tảng.

Tuy nhiên, gã khổng lồ của làng xe công nghệ phải chấp nhận buông Moca nhằm tối ưu lợi nhuận, dù lý do chính, là vướng mắc tỷ lệ sở hữu của các cổ đông.

Trong khi đó, Momo, ví điện tử lớn nhất và nổi tiếng nhất lại chuyển định vị thành “Trợ thủ tài chính với AI”. Đồng nghĩa, MoMo không còn là ví điện tử.

Nên biết, Momo từng vướng vào lùm xùm liên quan đến các tổ chức đánh bạc online, cho vay nặng lãi. Nói về những vấn nạn này, đại diện Ví điện tử MoMo cho biết đây là bài toán khó hiện nay của ví điện tử. Dù doanh nghiệp đã có nhiều biện pháp ngăn chặn tuy nhiên, các đối tượng xấu vẫn có nhiều biện pháp lợi dụng ví điện tử để thực hiện hành vi trái quy định pháp luật như sử dụng danh tính, giấy tờ và tài khoản ngân hàng thuê, mượn của người dân tạo lập nhiều tài khoản ví điện tử, gây khó khăn cho việc xác minh vi phạm.

Ra mắt vào tháng 11/2010 với xuất phát điểm là dịch vụ ví điện tử, sau 14 năm hiện diện, ứng dụng này được coi là cái tên định hình nên thị trường ví điện tử ở Việt Nam. Tuy nhiên, trước sức ép cạnh tranh, Momo phải tìm hướng đi mới để tồn tại, thay vì chỉ gắn định vị ở mảng ví điện tử.

Đào thải nhanh

Giới chuyên gia cho rằng, sự hụt hơi của các ứng dụng ví điện tử là điều dễ hiểu, bất chấp thanh toán không tiền mặt đang là xu hướng.

Trong một bài viết gần đây, chuyên gia Hồ Bá Tình nhận định: “Ví điện tử chắc chắn rơi vào thoái trào khi mà mức độ cạnh tranh so với ứng dụng ngân hàng thường kém xa. Xu thế người ta không muốn dùng quá nhiều thứ. All in one (tất cả trong một ứng dụng – PV) là đủ rồi.

Cuộc đua các ví điện tử sẽ bị đào thải rất nhanh. Đây là ngành hoạt động theo kiểu lợi thế kinh tế theo quy mô. Không có chỗ cho thị trường ngách trong hoạt động của ví điện tử”.

Đồng tình quan điểm này, một chuyên gia phân tích thị trường (xin không nêu tên) cho biết, chẳng ai tải thêm một ứng dụng cho phức tạp khi đã có thể sử dụng ngân hàng trực tuyến để thanh toán.

“Ví điện tử, nếu hiểu một cách chính xác, đó là ứng dụng giúp người dùng thanh toán online một cách thuận tiện nhanh chóng. Đó là lý do vì sao giai đoạn đầu, ví điện tử được ưa chuộng. Nhưng đến hiện tại, khi các app ngân hàng trực tuyến được nâng cấp, có thể thanh toán nhanh chóng bằng QR Code, các ứng dụng ví điện tử lép vế”, vị này nói với Nhadautu.vn.

Theo vị này, nếu chỉ định vị là ứng dụng thanh toán trực tuyến, ví điện tử sẽ rất khó phát triển. Thực tế, Momo và nhiều ứng dụng khác đã cố gắng vươn mình thoát khỏi vỏ bọc ví điện tử bằng cách tích hợp nhiều chức năng trong sản phẩm. Tuy nhiên, với nhiều khách hàng, họ vẫn chỉ sử dụng ví điện tử với chức năng chuyển tiền, thanh toán.

“Tôi cũng xài ví điện tử. Cụ thể là Momo, những lúc ngân hàng quá tải hoặc cần thanh toán không bị trừ tiền. Lợi thế thu hút người dùng của nhiều ứng dụng ví điện tử là khuyến mãi nhiều, chuyển tiền nhanh, không tốn phí… Nhưng hiện tại, khuyến mãi đã ít, lợi thế chuyển tiền nhanh cũng không còn của riêng ví điện tử nữa, các ứng dụng này buộc phải thay đổi, hoặc biến mất. Trên thực tế, số liệu đã chứng minh rằng hầu hết các ví điện tử lớn nhỏ đều đang thua lỗ và chưa vượt qua giai đoạn “đốt tiền”. Thêm nữa, đối tượng khách hàng của ví điện tử là gen Z, thế hệ thích khám phá, thích công nghệ song cũng là thế hệ ưa thay đổi”, vị chuyên gia đúc kết.

Theo số liệu từ Vietdata, năm 2022, Momo lỗ ròng 1.150 tỷ đồng. Con số này của năm 2023 là hơn 287 tỷ đồng. Zalo Pay cũng chung cảnh ngộ với mức lỗ hơn 1.000 tỷ đồng.



Nguồn