Chính phủ đề xuất các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh thương mại điện tử phải nộp thuế TNDN
Sàn thương mại điện tử, nền tảng số dự kiến phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với khoản thu phát sinh tại Việt Nam, theo tờ trình của Chính phủ.
Sáng 22/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã trình bày Tờ trình về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) (sửa đổi). Theo đó, việc ban hành Luật thuế TNDN (sửa đổi) là cần thiết để thực hiện chủ trương, đường lối về cải cách hệ thống chính sách thuế nói chung, chính sách thuế TNDN nói riêng đã được nêu tại các văn bản của Đảng, Nhà nước; đáp ứng các yêu cầu từ thực tiễn, từ tình hình phát triển mới của nền kinh tế cũng như yêu cầu hội nhập quốc tế.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long
|
Việc ban hành Luật Thuế TNDN (sửa đổi) để sửa đổi hoặc bãi bỏ những nội dung không còn phù hợp; hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội với chính sách miễn, giảm thuế; bảo đảm tính trung lập của thuế để áp dụng ổn định, dài hạn; thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế đầu tư vào các ngành nghề và địa bàn cần khuyến khích đầu tư. Đáp ứng yêu cầu sửa đổi, bổ sung đồng bộ, toàn diện theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, gắn với cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế phù hợp với bối cảnh, tình hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Đảm bảo tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thực hiện các tiêu chuẩn về phòng, chống chuyển giá, chống trốn thuế, thất thu thuế, chống xói mòn nguồn thu theo thông lệ quốc tế. Quá trình xây dựng dự án Luật đã đảm bảo tuân thủ đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Dự thảo Luật Thuế TNDN (sửa đổi) gồm 04 Chương, 20 Điều, trong đó: Chương I. Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 5); Chương II. Căn cứ và phương pháp tính thuế (từ Điều 6 đến Điều 11); Chương III. Ưu đãi thuế TNDN (từ Điều 12 đến Điều 18); Chương IV. Điều khoản thi hành (Điều 19 và 20). Về nội dung cơ bản, dự thảo Luật đã bám sát theo các nhóm chính sách tại hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế TNDN (sửa đổi) đã được Quốc hội đồng ý.
Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) Lê Quang Mạnh khẳng định: Ủy ban nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế TNDN để khắc phục các vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành và phù hợp với quá trình phát triển của nền kinh tế trong nước và thế giới. Trong đó, tập trung một số mục tiêu lớn gồm: (i) Tháo gỡ bất cập, vướng mắc cho khu vực doanh nghiệp để tạo môi trường thuận lợi cho người nộp thuế tuân thủ pháp luật về thuế; (ii) Thể chế hoá các chủ trương của Đảng, Nhà nước về khuyến khích, cải thiện môi trường đầu tư, giải quyết các hạn chế, bất cập về ưu đãi thuế, thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, thu hút các nhà đầu tư quốc tế phù hợp xu hướng mới; (iii) Tạo môi trường pháp lý thống nhất và ổn định về ưu đãi thuế TNDN tại Luật này để bảo đảm tính nhất quán, rõ ràng và thuận lợi trong thực hiện.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh
|
Một số ý kiến cho rằng, việc sửa đổi Luật lần này chưa giải quyết được tổng thể các vấn đề đặt ra để thu hút đầu tư một cách hiệu quả trong điều kiện mới. Hiện các nước trong khu vực cũng chưa có bước đi rõ ràng về các chính sách ưu đãi thuế trong bối cảnh “hậu thuế tối thiểu toàn cầu”, vì vậy, Ủy ban đề nghị cân nhắc thêm về lùi thời điểm sửa Luật này cho phù hợp.
Về người nộp thuế là các tổ chức nước ngoài có hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử (Điều 2): Dự thảo Luật bổ sung quy định về việc thu thuế đối với người nộp thuế là các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số nộp thuế với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam và bổ sung quy định về loại hình cơ sở thường trú “ảo” (không có hiện diện vật lý).
Chủ nhiệm TCNS Lê Quang Mạnh cho biết, với các quy định này của dự thảo Luật, Ủy ban đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ một số vấn đề: (i) Khả năng thu thuế TNDN trên thực tế đối với các doanh nghiệp nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam cung cấp hàng hoá vào Việt Nam thông qua các giao dịch trên nền tảng thương mại điện tử. (ii) Tính phù hợp về phạm vi quyền đánh thuế của Việt Nam trong trường hợp các doanh nghiệp nước ngoài nêu trên có hình thành cơ sở thường trú tại Việt Nam so với các quy định trong các Hiệp định thuế đã được ký kết. (iii) Việc áp dụng Luật trong trường hợp có quy định khác biệt với Hiệp định thuế đã ký kết (liên quan đến loại hình cơ sở thường trú không có hiện diện vật lý).
Về nguyên tắc, áp dụng ưu đãi thuế TNDN (Điều 12) và tính thống nhất của hệ thống pháp luật: Dự thảo Luật hiện còn chưa thống nhất về phạm vi các ngành, lĩnh vực được hưởng ưu đãi so với quy định của Luật Đầu tư, một số luật chuyên ngành hiện hành và một số luật đang được Quốc hội thảo luận sẽ được ban hành trong thời gian tới. Đa số ý kiến trong Uỷ ban TCNS nhất trí với nguyên tắc ưu tiên áp dụng Luật Thuế TNDN trong trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Thuế TNDN với các Luật khác như được thể hiện trong dự thảo Luật để đảm bảo tính thống nhất trong thực thi pháp luật, tránh việc quy định ưu đãi dàn trải tại nhiều văn bản Luật chuyên ngành khác nhau; các ưu đãi thuế cần được và chỉ nên được quy định trong các văn bản pháp luật về thuế để bảo đảm tính tổng thể, nhất quán của hệ thống ưu đãi thuế TNDN theo Chiến lược cải cách thuế đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, Uỷ ban TCNS đề nghị cần tiếp tục làm rõ, để quy định cụ thể hơn trong Luật một số vấn đề sau:
Thứ nhất: Tính phù hợp với quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), cụ thể: trong trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng theo văn bản ban hành sau; và khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan ban hành văn bản phải đồng thời sửa đổi bổ sung bãi bỏ văn bản do mình đã ban hành trái với văn bản mới.
Thứ hai: Hiệu lực thi hành của Điều 15, Điều 16 Luật Đầu tư hiện hành và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư với các Danh mục ưu đãi đầu tư, ưu đãi đầu tư đặc biệt và một số điều khoản ưu đãi tại các luật chuyên ngành.
Thứ ba: Phương án giải quyết đối với các nội dung ưu đãi đầu tư đang được quy định tại một số dự thảo Luật sẽ được Quốc hội thông qua trong Kỳ họp này (Luật Dược, Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật Điện lực, Luật Di sản văn hoá,…) và việc áp dụng nguyên tắc ưu tiên áp dụng ưu đãi thuế theo Luật Thuế TNDN trong công tác xây dựng các luật chuyên ngành mới sau này.
Về điều kiện được ưu đãi đầu tư đặc biệt (khoản 2 Điều 12): Uỷ ban TCNS còn đề nghị làm rõ hơn về điều kiện các dự án được hưởng ưu đãi đầu tư đặc biệt đang được quy định trong dự thảo Luật căn cứ theo tổng số vốn đầu tư. Dự thảo Luật chỉ quy định thời gian phải bảo đảm giải ngân 1/3 tổng số vốn đầu tư và chưa quy định thời gian để bảo đảm giải ngân hết đối với 2/3 tổng số vốn đầu tư còn lại. Vì vậy, sẽ không có căn cứ pháp lý để cơ quan quản lý thuế thực hiện hậu kiểm và chưa bảo đảm tính tổng thể và sự chặt chẽ của quy định pháp luật.
Về việc quyết định mức độ ưu đãi đầu tư đặc biệt (Khoản 6 Điều 13, khoản 3 Điều 14): Dự thảo Luật giao Thủ tướng Chính phủ thẩm quyền quyết định việc kéo dài thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi, thời gian được hưởng miễn, giảm thuế; mức miễn giảm bổ sung, áp dụng với dự án được hưởng ưu đãi đầu tư đặc biệt. Các nội dung này được quy định trong Luật Đầu tư 2020 và được tổng hợp vào dự thảo Luật Thuế TNDN. Đây là những khoản ưu đãi lớn, để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, là quyền lợi và nghĩa vụ của người nộp thuế, vì vậy, nhiều ý kiến đề nghị nên giao Chính phủ quy định để bảo đảm việc tổ chức thực hiện Luật một cách tổng thể và thống nhất.
Về ưu đãi thuế TNDN đối với đầu tư mở rộng (ĐTMR) (Điều 14): Đa số ý kiến trong Uỷ ban TCNS nhất trí với nội dung sửa đổi tại dự thảo Luật, theo hướng bỏ yêu cầu phải hạch toán riêng đối với phần thu nhập tăng thêm từ ĐTMR, theo đó phần thu nhập từ ĐTMR sẽ hưởng ưu đãi theo thời gian còn lại của dự án chính ban đầu. Tuy nhiên, đối với những trường hợp dự án ban đầu đã hết thời gian hưởng ưu đãi, thì dự thảo Luật tiếp tục quy định ĐTMR phải thực hiện hạch toán riêng để được hưởng ưu đãi như một dự án mới. Quy định này chưa giải quyết được vấn đề bất cập hiện hành và có thể khuyến khích các doanh nghiệp trì hoãn việc ĐTMR để được hưởng gói ưu đãi lớn hơn như một dự án đầu tư mới.
Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng các tiêu chí về tài sản cố định tăng thêm theo giá trị tuyệt đối để xác định dự án ĐTMR được hưởng ưu đãi là chưa hợp lý và công bằng, vì tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp ĐTNN và bất lợi hơn cho các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp nhỏ. Vì vậy, Ủy ban TCNS đề nghị cân nhắc hoàn thiện lại nội dung này, bảo đảm khách quan, công bằng và dễ quản lý.