(ĐTCK) Sau 3 lần thử thách với mốc 1.230 điểm nhưng đều khó tiến xa, VN-Index đã quay đầu điều chỉnh nhẹ. Trong đó, nhóm cổ phiếu bất động sản kém khả quan nhất khi nhiều mã nóng đồng loạt giảm sâu hơn trong phiên chiều.
Sau 2 phiên tăng liên tiếp thị trường đã chuyển qua trạng thái rung lắc nhẹ do áp lực bán gia tăng. Tuy nhiên, các cổ phiếu bluechip đã giao dịch tích cực hơn về cuối phiên sáng, dù mức tăng không quá lớn nhưng đã hỗ trợ tốt giúp VN-Index lấy lại sắc xanh và tiếp tục vượt nhẹ mốc 1.230 điểm khi tạm dừng phiên sáng với thanh khoản tăng vọt so với phiên sáng qua.
Bước sang phiên giao dịch chiều, sau thời gian ngắn đầu phiên chững lại do sự suy yếu của các mã lớn, VN-Index một lần nữa thử thách lại mốc 1.230 điểm. Và cũng như trước đó, sau khi vừa vọt qua được ngưỡng kháng cự này, thị trường đã nhanh chóng “quay xe”, VN-Index trở lại trạng thái rung lắc nhẹ và liên tục đổi sắc trong nửa thời gian còn lại.
Như vậy, trong phiên hôm nay, VN-Index đã có tới 3 lần “chào thua” mốc 1.230 điểm và khép lại với mức giảm nhẹ. Điểm tích cực có thể thấy là sau 2 phiên tăng gần 25 điểm, áp lực bán trong phiên 22/11 không quá lớn, đặc biệt hơn chính là giao dịch nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển qua trạng thái mua ròng, dù giá trị còn hạn chế chỉ đạt khoảng chục tỷ, nhưng đây là tín hiệu để nhà đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ sớm trở lại với những ngày tươi sáng hơn.
Đóng cửa, sàn HOSE có 151 mã tăng và 213 mã giảm, VN-Index giảm nhẹ 0,23 điểm (-0,02%) xuống 1.228,1 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 534,4 triệu đơn vị, giá trị 12.758 tỷ đồng, tăng 10,86% về khối lượng và 4,75% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 80,7 triệu đơn vị, giá trị 2.235,1 tỷ đồng.
Nhóm VN30 cùng diễn biến thị trường chung, đóng cửa giảm nhẹ 0,6% với trạng thái phân hóa khi có 13 mã tăng và 11 mã giảm. Cổ phiếu VHM tiếp tục bị bán mạnh, kết phiên giảm 3,9% xuống mức giá thấp nhất trong phiên là 41.600 đồng/CP, và đã lấy đi hơn 1,7 điểm của chỉ số chung; trong khi các mã khác chỉ giảm trên dưới 1%.
Ngược lại, ở top cổ phiếu tăng, GAS vẫn là mã dẫn đầu dù biên độ thu hẹp khi kết phiên chỉ còn tăng 1,5%; các mã khác như TCB và HPG cũng tăng hơn 1%; còn lại chỉ biến động nhẹ quanh mức 0,5%.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, HAG không còn giữ phong độ như phiên sáng do chịu áp lực bán của cả trong nước và nước ngoài (nước ngoài bán ròng khoảng 1,3 triệu cổ phiếu), kết phiên chỉ còn tăng nhẹ 0,4% với thanh khoản thuộc top 10 mã dẫn đầu thị trường, đạt hơn 11 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, nhóm bất động sản tiếp tục lùi sâu hơn do áp lực bán gia tăng. Bên cạnh gánh nặng VHM, các mã nóng vừa qua cũng đồng loạt nới rộng biên độ giảm, như DXG giảm 2,6% với thanh khoản sôi động nhất thị trường, đạt 21,13 triệu đơn vị, NVL giảm 2,2%, TCH giảm 1,6%, PDR giảm 1,4%, DIG giảm 1,2%…
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng chìm trong sắc đỏ với mức giảm chỉ trên dưới 1%. Trong đó, VIX và SSI là 2 mã có thanh khoản tốt nhất ngành, đạt trên dưới 13 triệu đơn vị, kết phiên tương ứng giảm 1,5% và 1%.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đi ngang nhờ các mã VCB, BID nhích nhẹ, TCB tăng 1,3%, ngoài ra có ACB và LPB cùng tăng hơn 0,4%; trái lại các cổ phiếu như STB, VPB, TPB, HDB, MSB, VIB, EIB đều giảm nhưng biên độ chủ yếu chưa tới 1%.
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu thép, phân bón hóa chất, hay cả họ Viettel vẫn giữ được sắc xanh nhưng mức tăng đã thu hẹp hơn so với phiên sáng.
Trên sàn HNX, sau khoảng 30 phút mở cửa phiên chiều rung lắc nhẹ, thị trường đã đảo chiều giảm do áp lực bán gia tăng.
Đóng cửa, sàn HNX có 61 mã tăng và 86 mã giảm, HNX-Index giảm 0,47 điểm (-0,21%) xuống 221,29 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 44,15 triệu đơn vị, giá trị 388,38 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,37 triệu đơn vị, giá trị 124,63 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 kết phiên giảm gần 2 điểm khi có tới 15 mã giảm và chỉ còn 8 mã tăng. Trong đó, LHC giảm sâu nhất là 3%, tiếp theo là L14 và TMB cùng giảm 2,7%, DXP giảm 2,6%…; trái lại điểm sáng là TIG bất ngờ ngược dòng tăng mạnh 5,5% nhờ lực cầu sôi động khi có gần 4,3 triệu đơn vị chuyển nhượng thành công, dẫn đầu thanh khoản thị trường.
Không thuộc nhóm HNX30 nhưng cũng thuộc top thị giá vừa và nhỏ, cổ phiếu MST tiếp tục nóng trở lại sau phiên đi ngang hôm qua. Kết phiên, MST tăng 3,4% lên mức 6.100 đồng/CP và thanh khoản thuộc top 5 mã dẫn đầu thị trường với 3,75 triệu đơn vị khớp lệnh.
Xét về nhóm ngành, cổ phiếu chứng khoán cũng không nằm ngoài xu hướng của thị trường chung khi phần lớn đều giao dịch kém khả quan hơn, cụ thể như SHS kết phiên giảm 1,5% xuống mức giá thấp nhất trong ngày 13.000 đồng/CP và khớp lệnh hơn 4 triệu đơn vị.
Các mã khác như MBS giảm 0,7% xuống mức 27.000 đồng/CP và khớp 2,27 triệu đơn vị, BVS giảm 0,8%, VIG giảm 3,6%, PSI giảm 2,9%… Điểm sáng ngành vẫn là cổ phiếu VFS, kết phiên giữ mức tăng 3,4% lên mức 15.200 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh cũng đạt hơn 4 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, dù gần như toàn bộ thời gian giao dịch lình xình dưới mốc tham chiếu, nhưng UPCoM-Index đã bất ngờ hồi phục ở phút cuối.
Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,2 điểm (+0,22%), lên 91,7 điểm với 181 mã tăng và 120 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 31,45triệu đơn vị, giá trị 337 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR giằng co và kết phiên tăng nhẹ 0,5% với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt hơn 2,55 triệu đơn vị.
Một số mã đáng chú ý như VGI tăng 2,9%, DRI tăng 5,9%, DDV tăng 3,3%, DGT tăng 3,2%, với thanh khoản đều đạt hơn 1 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng phái sinh đều tăng, trong đó VN30F2412 đáo hạn gần nhất vào ngày 19/12, tăng 5 điểm, tương đương 0,4% lên 1.298 điểm, khớp lệnh hơn 236.500 đơn vị, khối lượng mở gần 44.330 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, mã CVPB2315 phiên này tiếp tục dẫn đầu thanh khoản với 4,22 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa đứng giá tham chiếu 40 đồng/cq. Theo sau là CVHM2405 khớp 3,99 triệu đơn vị, đóng cửa tiếp tục giảm 53,3% xuống 140 đồng/cq.
Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/co-phieu-bat-dong-san-bi-ban-manh-vn-index-chao-thua-moc-1230-diem-post358546.html