Chi tiết

Mối đe dọa thứ hai từ ông Trump với kinh tế châu Á

dxy.jpg
Chỉ số DXY đo lường giá trị đồng USD lại tăng vọt lên mốc mới vào ngày 21/11/2024 (Ảnh: Investing.com)

Một cuộc chiến thương mại và bức tường thuế quan mới đang dần hình thành dự kiến sẽ tạo ra nhiều thách thức cho các nền kinh tế châu Á. Nhưng ngay từ lúc này, việc đồng USD đang mạnh lên đã gây ra những lo lắng.

USD tăng, châu Á lo

Giá trị của đồng bạc xanh đã tăng lên kể từ khi ông Donald Trump tái đắc cử, một phần do dự báo về các chính sách mạnh mẽ như áp thuế lớn với Trung Quốc và các đối tác của Mỹ, cắt giảm thuế quy mô lớn cho các doanh nghiệp Mỹ và siết chặt nhập cư vào Mỹ. Nếu những cam kết của ông Trump trở thành hiện thực, hàng hóa dự kiến sẽ trở nên đắt đỏ hơn và đẩy lạm phát lên cao.

Theo các nhà phân tích, điều này sẽ buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải duy trì lãi suất cao trong thời gian dài hơn. Dự báo này được thể hiện qua sự gia tăng đáng kể lợi suất trái phiếu Mỹ – một yếu tố khiến một đồng tiền trở nên hấp dẫn hơn. Tất cả điều này sẽ gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho các ngân hàng trung ương châu Á.

Trong khi Trung Quốc vẫn là mục tiêu chính của ông Trump – với những lời đe dọa áp thuế hơn 60% đối với hàng nhập khẩu từ quốc gia này – thì những tác động lan tỏa cũng có thể ảnh hưởng đến các nền kinh tế châu Á có sự liên kết chặt chẽ.

Theo Morgan Stanley, các nền kinh tế châu Á, ngoại trừ Trung Quốc, ngày càng phụ thuộc vào nhu cầu từ Mỹ, với tỷ lệ xuất khẩu sang Mỹ tăng từ 11,7% vào tháng 10/2018 lên 14,7% hiện nay. Sự thay đổi này một phần phản ánh việc xuất khẩu của Trung Quốc bị chuyển hướng qua các quốc gia Đông Nam Á.

Các đồng tiền yếu hơn so với đồng đô la Mỹ có thể giúp giảm thiểu tác động từ việc tăng thuế quan bằng cách làm cho hàng xuất khẩu trở nên cạnh tranh hơn so với hàng hóa Mỹ. Ví dụ gần đây, đồng nhân dân tệ (NDT) đã giảm giá so với đồng đô la Mỹ, giúp hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn trên thị trường quốc tế, phần nào bù đắp cho áp lực thuế quan và chi phí sản xuất gia tăng. Tuy nhiên, điều này cũng có nguy cơ thúc đẩy dòng vốn rút khỏi khu vực.

Thực tế, Trung Quốc đã chứng kiến dòng vốn chảy ra ngoài gia tăng trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại về sự mất giá của đồng nhân dân tệ và triển vọng tăng trưởng kinh tế chậm lại. Đây là một thách thức đặc biệt đối với Trung Quốc, quốc gia đang đối mặt với sự suy giảm kinh tế do khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản.

Trong cuộc chiến thương mại năm 2018 và 2019, đồng NDT đã giảm khoảng 10% so với đồng đô la Mỹ. Nhưng mức thuế dự kiến lần này cao hơn nhiều so với trước đây, khiến đồng NDT có thể phải giảm sâu hơn nữa.

Cho tới nay, các chuyên gia nhận định Bắc Kinh đang tiếp cận vấn đề một cách thận trọng, chờ đợi các tuyên bố chính thức về thuế quan trước khi đưa ra quyết định. Dù nước này có thể chấp nhận một số mức độ giảm giá của NDT so với USD, nhưng một đợt giảm mạnh sẽ trở nên khó chấp nhận và gây rủi ro lớn cho dòng vốn.

Với các nền kinh tế châu Á khác, dòng vốn rút khỏi có thể không phải là mối lo lớn, nhưng đồng tiền yếu hơn cũng sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát. Chi phí nhập khẩu, đặc biệt là năng lượng và thực phẩm, phần nhiều sẽ leo thang. Ấn Độ đã chứng kiến đồng rupee giảm giá gần đây và làm tăng chi phí nhập khẩu dầu mỏ, tạo thêm áp lực lên lạm phát trong nước.

Điều này có thể hạn chế mức độ nới lỏng tiền tệ trong khu vực. Ngoại trừ Nhật Bản, hầu hết các nền kinh tế châu Á dự kiến sẽ giảm lãi suất vào năm tới. Nhật Bản cũng có thể buộc phải tăng lãi suất không mong muốn nếu đồng yên mất giá quá sâu.

Nhiều chuyên gia cảnh báo lời đe dọa áp thuế của ông Trump không phải là
Sẽ có nhiều tác động tới tài chính châu Á từ đồng USD, bên cạnh lo ngại thuế quan.

Bên cạnh đó, nếu lãi suất ở Mỹ vẫn cao hơn so với châu Á, dòng vốn nhiều khả năng sẽ rời khỏi khu vực. Theo thống kê, chỉ số cổ phiếu châu Á, ngoại trừ Nhật Bản, đã giảm khoảng 5% trong tháng 10/2024 khi đồng USD tiếp tục mạnh lên. Theo J.P. Morgan, chỉ số cổ phiếu châu Á, ngoại trừ Nhật Bản, đã giảm trung bình 13% trong các giai đoạn đồng đô la Mỹ mạnh lên kể từ năm 2008.

Việt Nam cần cẩn trọng

Đối với quốc gia xuất khẩu lớn như Việt Nam, sự biến động của USD sẽ gây nhiều ảnh hưởng.

Trước hết, đồng Việt Nam yếu hơn khiến chi phí nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, như máy móc, linh kiện điện tử và nguyên liệu dệt may gia tăng, qua đó làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.

Đáng lưu ý, trong 9 tháng đầu năm 2024, nhóm hàng tư liệu sản xuất, bao gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước, chiếm tới 93,8% tổng kim ngạch nhập khẩu gần 280 tỷ USD của nước ta, khiến chi phí gia tăng có thể trở thành gánh nặng cho nền kinh tế.

Ngoài ra, nguy cơ dòng vốn đầu tư nước ngoài rút khỏi Việt Nam cũng hiện hữu nếu lãi suất tại Mỹ vẫn cao hơn. Đặc biệt, với sự phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ, các biện pháp tăng thuế và lãi suất cao từ nước này có thể làm hàng xuất khẩu Việt Nam kém hấp dẫn. Cùng với đó, áp lực tỷ giá buộc Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp, ảnh hưởng đến khả năng ứng phó với các cú sốc kinh tế khác.

Nguồn