“Của để dành” doanh nghiệp bất động sản phình to trong 9 tháng đầu năm
Dù kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm có phần sụt giảm so với cùng kỳ, giá trị của để dành (Người mua trả tiền trước + Doanh thu chưa thực hiện) của các doanh nghiệp bất động sản lại tăng so với đầu năm. Liệu đây có phải bước chuẩn bị cho sự trở lại của thị trường vào năm 2025?
Theo thống kê từ VietstockFinance, giá trị của để dành của 115 doanh nghiệp bất động sản trên sàn chứng khoán tại thời điểm 30/9/2024 là hơn 140.7 ngàn tỷ đồng, tăng gần 12% so với đầu năm. Trong đó, 56 doanh nghiệp ghi nhận tăng, 54 doanh nghiệp giảm và 5 doanh nghiệp không đổi.
CTCP COMA 18 (HOSE: CIG) là doanh nghiệp có mức tăng của để dành nhiều nhất, gấp 10.6 lần đầu năm; nhưng xét về giá trị thì chỉ là 81 tỷ đồng. Xếp thứ hai là CTCP Đầu tư và Xây dựng HUD1 (HOSE: HU1) với gần 84 tỷ đồng, gấp 6.9 lần.
Đáng chú ý, dù lãi ròng 9 tháng đầu năm gần như đi ngang, của để dành của CTCP Đầu tư Hải Phát (HOSE: HPX) lại tăng đến 87%, gần chạm mức 1.1 ngàn tỷ đồng. Công ty cho biết, phần lớn trong đó là số tiền người mua trả trước tại các dự án bất động sản như dự án nhà ở khu đô thị nhà ở xã hội Phú Lãm (tên thương mại là The Vesta) ở Hà Nội; dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại số 1 thuộc phố đi bộ Bắc Giang (hay HP Intermix Bắc Giang); dự án Đề Thám – Cao Bằng (hay HP Galaxy Cao Bằng).
“Tân binh” sàn HOSE là CTCP Đầu tư Bất động sản Taseco (UPCoM: TAL) đã có màn thể hiện trong năm đầu niêm yết với doanh thu 9 tháng đạt hơn 1.2 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 80% so với cùng kỳ; lãi ròng gấp gần 25 lần cùng kỳ, đạt 185 tỷ đồng.
Kết quả đột biến trên do nền thấp của cùng kỳ. Bên cạnh đó, TAL hoàn tất thoái vốn tại công ty con – CTCP Đầu tư TAH vào cuối tháng 7, qua đó ghi nhận khoản lãi chuyển nhượng 250 tỷ đồng. Được biết, đây là đơn vị sở hữu lô đất B2-CC4-Starlake tại khu đô thị Tây Hồ Tây (Starlake).
TAL cũng ghi nhận của để dành tăng 73%, lên 111 tỷ đồng. Công ty cho biết, đây chủ yếu là số dư các khoản thanh toán theo tiến độ của khách hàng ký hợp đồng mua bán tại các bất động sản như: dự án Alacarte Hạ Long, dự án N01-T6 Đoàn Ngoại giao, dự án số 4 Thanh Hóa (Central Riverside)…
10 doanh nghiệp có của để dành tăng nhiều nhất sau 9 tháng đầu năm 2024 (Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
|
Dù có mức tăng mạnh, các doanh nghiệp kể trên vẫn chưa thể so về độ lớn với các doanh nghiệp đầu ngành. Tiêu biểu là CTCP Vinhomes (HOSE: VHM) và CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (HOSE: NVL) lần lượt có giá trị hơn 50.4 ngàn tỷ đồng (tăng 38%) và gần 20.3 ngàn tỷ đồng (tăng 6%).
Được biết, trong quý 3, dự án Vinhomes Royal Island tại Hải Phòng của VHM đã mở bán 2 phân khu – Hoàng Gia và Đảo Vua; đồng thời bàn giao hơn 500 căn shop thương mại dịch vụ và shophouses tại phân khu Tài Lộc. Do đó, có khả năng cao việc của để dành của VHM tăng là nhờ đợt mở bán này.
Đối với nhóm bất động sản khu công nghiệp (KCN), Tổng Công ty IDICO – CTCP (HNX: IDC) có mức tăng của để dành 8%, lên hơn 6.1 ngàn tỷ đồng. Trong báo cáo phân tích, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) ước tính IDC còn khoảng 100ha đất KCN đã ký hợp đồng cho thuê/MOU nhưng chưa ghi nhận doanh thu, tính đến cuối quý 3/2024.
Bên cạnh đó, ACBS ước tính IDC thu về 500 tỷ đồng từ 2 lần mở bán các lô đất và shophouse thuộc dự án Bắc Châu Giang tại Hà Nam trong 9 tháng đầu năm nay, nhưng số tiền này vẫn chưa được ghi vào doanh thu Công ty.
10 doanh nghiệp có của để dành lớn nhất tại thời điểm 30/9/2024 (Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
|
Trong nhóm doanh nghiệp có của để dành giảm, CTCP The Golden Group (UPCoM: TGG) dẫn đầu danh sách khi giảm đến 95%, còn chưa đến 1 tỷ đồng. CTCP Tập đoàn Hà Đô (HOSE: HDG) ở vị trí thứ hai khi giảm 93%, còn 21 tỷ đồng.
Giá trị của để dành của CTCP Đầu tư Văn Phú – INVEST (HOSE: VPI) mất mốc 1 ngàn tỷ đồng, giảm về 113 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2024, tương đương giảm 89%. Nguyên nhân chủ yếu do VPI không còn ghi nhận 700 tỷ đồng tiền tạm ứng của đối tác để mua phần vốn góp công ty con.
Bên cạnh đó, Công ty cũng không còn giá trị người mua trả trước tại dự án Vlasta Sầm Sơn (đầu năm hơn 60 tỷ đồng) và The Terra An Hưng (đầu năm gần 749 triệu đồng); đồng thời giảm giá trị trả trước dự án The Terra Bắc Giang hơn 68%, còn 84 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, Công ty có thêm hơn 22 tỷ đồng khoản trả trước từ dự án Yên Phong – Bắc Ninh.
10 doanh nghiệp có của để dành giảm nhiều nhất sau 9 tháng đầu năm 2024 (Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
|
Lượng tiền mặt nắm giữ ngắn hạn tăng gần 22% sau 9 tháng
Bên cạnh của để dành, lượng tiền đang nắm giữ ngắn hạn cũng là nguồn lực quan trọng giúp các doanh nghiệp bất động sản có thể đẩy mạnh công tác phát triển dự án khi thị trường bất động sản hồi phục mạnh mẽ.
Theo VietstockFinance, lượng tiền mặt nắm giữ ngắn hạn của 115 doanh nghiệp bất động sản tại thời điểm 30/9/2024 tăng gần 22% so với đầu năm, đạt gần 82.9 ngàn tỷ đồng. Trong đó, 2 doanh nghiệp có nhiều tiền nhất cả ngành vẫn là 2 cái tên quen thuộc: VHM và Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HOSE: KBC) với hơn 24.4 ngàn tỷ đồng (tăng 36% so với đầu năm) và gần 7.7 ngàn tỷ đồng (gấp 9 lần).
10 doanh nghiệp có tiền mặt nhiều nhất tại thời điểm 30/9/2024 (Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: VietstockFinance
|