Chi tiết

Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Càng sớm càng tốt!

Bộ Tài chính vừa có Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN, thay thế).

Bộc lộ nhiều bất cập

Tờ trình nêu rõ Bộ Tài chính đang tiến hành rà soát và đề xuất sửa đổi Luật Thuế TNCN để khắc phục những bất cập trong chính sách hiện hành, bảo đảm phù hợp với thực tiễn và đáp ứng các yêu cầu cải cách thuế. Các nội dung trọng tâm trong lần sửa đổi này bao gồm:

Thứ nhất, quy định về thu nhập chịu thuế, thu nhập miễn thuế, cơ sở tính thuế và phương pháp xác định số thuế phải nộp sẽ được rà soát để bảo đảm rõ ràng và minh bạch hơn. Các vấn đề như biểu thuế suất đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công và mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế cùng người phụ thuộc cũng sẽ được điều chỉnh.

Giá cả thị trường và chi phí sinh hoạt tăng khiến mức giảm trừ gia cảnh hiện tại không đủ để bảo đảm cuộc sống của người nộp thuế Ảnh: TẤN THẠNH

Giá cả thị trường và chi phí sinh hoạt tăng khiến mức giảm trừ gia cảnh hiện tại không đủ để bảo đảm cuộc sống của người nộp thuế Ảnh: TẤN THẠNH

Bên cạnh đó, một số quy định về phạm vi, đối tượng chịu thuế trong Luật Thuế TNCN chưa bao quát được các khoản thu nhập chịu thuế mới phát sinh; mức điều tiết thu nhập của một số loại thu nhập qua quá trình thực hiện cũng đã bộc lộ vướng mắc nên cần phải có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Thứ hai, việc mở rộng phạm vi thu nhập chịu thuế và điều chỉnh mức điều tiết thu nhập nhằm bao quát các khoản thu nhập mới phát sinh, phù hợp với xu hướng quốc tế và tình hình trong nước. Điều này vừa bảo đảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước vừa tránh gây áp lực không cần thiết lên người nộp thuế.

Thứ ba, một số ý kiến cho rằng mức giảm trừ gia cảnh hiện nay chưa phản ánh đúng chi phí sống, đặc biệt tại các đô thị lớn. Đề xuất điều chỉnh có thể gắn mức giảm trừ gia cảnh với lương tối thiểu vùng, hoặc áp dụng mức cao hơn cho khu vực có chi phí sinh hoạt đắt đỏ.

Thứ tư, biểu thuế lũy tiến từng phần hiện nay áp dụng đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công có 7 bậc: 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30% và 35% bị nhận xét là có quá nhiều bậc thuế với khoảng cách hẹp, gây khó khăn cho việc kê khai và có nguy cơ dẫn đến “nhảy bậc thuế”. Do đó, Bộ Tài chính đang cân nhắc cắt giảm số bậc thuế và tăng khoảng cách thu nhập giữa các bậc, nhằm đơn giản hóa thủ tục và bảo đảm tính công bằng.

Cũng theo Bộ Tài chính, từ năm 2020, Nghị quyết 954 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong thuế TNCN. Theo đó, người nộp thuế được giảm trừ 11 triệu đồng mỗi tháng, tương ứng 132 triệu đồng một năm và mỗi người phụ thuộc được giảm trừ 4,4 triệu đồng mỗi tháng. Với mức giảm trừ này, người lao động có thu nhập hằng tháng 17 triệu đồng (nếu có một người phụ thuộc) hoặc 22 triệu đồng (nếu có 2 người phụ thuộc), sau khi khấu trừ các khoản bảo hiểm bắt buộc sẽ không phải nộp thuế TNCN.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang xem xét điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh để phù hợp với các thay đổi kinh tế, mức sống của người dân, và xu hướng phát triển. Điều này đòi hỏi tính toán kỹ lưỡng nhằm giảm gánh nặng thuế cho người lao động nhưng vẫn duy trì vai trò quan trọng của thuế TNCN trong hệ thống thuế quốc gia.

Việc sửa đổi này không chỉ nhằm cải thiện chính sách thuế mà còn hướng tới bảo vệ quyền lợi người lao động, khuyến khích phát triển kinh tế, phù hợp với chiến lược cải cách thuế đến năm 2030 và thông lệ quốc tế.

Cần sớm nâng mức giảm trừ gia cảnh

PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nhận định các quy định hiện hành về thuế TNCN, đặc biệt là mức giảm trừ gia cảnh, không còn phù hợp với thực tiễn. Theo ông, sự phát triển kinh tế – xã hội kéo theo giá cả thị trường và chi phí sinh hoạt tăng, đặc biệt ở các đô thị, khiến mức giảm trừ gia cảnh hiện tại không đủ để bảo đảm cuộc sống của người nộp thuế. “Các chi phí như giáo dục, y tế, đặc biệt là ở các đô thị đều có sự thay đổi lớn, chi phí sinh hoạt cũng thay đổi từng ngày nên chúng ta áp dụng một mức giảm trừ trong nhiều năm đã không còn phù hợp” – ông Long chia sẻ và cho rằng cần sớm sửa đổi quy định.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) nhấn mạnh rằng mức giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu đồng/tháng cho mỗi người phụ thuộc hiện nay không đủ để trang trải chi phí nuôi dạy trẻ tại các thành phố lớn, nơi chi phí ăn, học và chăm sóc sức khỏe rất cao. Ông Huân đề xuất nghiên cứu nâng mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với sự biến động của giá cả và mức sống, đồng thời sửa đổi toàn diện Luật Thuế TNCN để giải quyết các bất cập.

Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội, đề xuất trước mắt có thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thông qua Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong khi chờ sửa đổi toàn diện Luật Thuế TNCN. Ông Cường nhấn mạnh rằng việc sửa đổi này cần đặt trong bối cảnh tổng thể của hệ thống thuế để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội. 

Áp thuế bất động sản theo thời gian nắm giữ

Bộ Tài chính cũng đề xuất nghiên cứu đánh thuế TNCN từ chuyển nhượng bất động sản dựa trên thời gian nắm giữ, nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ và bong bóng thị trường. Mức thuế suất sẽ được thiết kế phản ánh thực trạng thị trường và bảo đảm tính hợp lý, đồng thời đồng bộ với các chính sách đất đai và nhà ở, cũng như hạ tầng công nghệ thông tin liên quan đến đăng ký đất đai, bất động sản.

Một ví dụ từ Singapore được đưa ra: nếu đất đai được mua và bán lại trong năm đầu tiên, thuế suất áp dụng là 100% trên giá trị chênh lệch. Mức thuế giảm dần theo thời gian nắm giữ: 50% sau 2 năm và 25% sau 3 năm.

Source link