Trung Quốc mạnh tay triển khai giao dịch phát thải, doanh nghiệp không kiểm định carbon bị đưa vào danh sách đen và chịu phạt nặng.
Thông tin được ông Zhang Bin Liang, Giám đốc Công ty Sino Carbon (Trung Quốc) chia sẻ tại hội nghị Khám phá giải pháp cho thách thức tái chế PFAS và tái chế bao bì, ngày 26/11.
Theo ông Zhang, Trung Quốc đã áp dụng biện pháp mạnh tay ngay từ khi vận hành hệ thống giao dịch phát thải (ETS) năm 2021. Các doanh nghiệp không thực hiện kiểm định carbon hoặc không nộp hạn ngạch phát thải bị đưa vào danh sách đen, chịu phạt nặng. Điều này theo ông nhằm nâng cao ý thức tuân thủ, giúp các doanh nghiệp nhận ra giảm phát thải “không phải gánh nặng, là cơ hội tối ưu hóa hiệu suất và phát triển bền vững”.
Ban đầu, nhiều doanh nghiệp chờ đến cuối năm mới mua bán hạn ngạch, khiến giá tăng cao. Để khắc phục, Chính phủ Trung Quốc điều chỉnh hệ thống giao dịch, khuyến khích doanh nghiệp phân bổ giao dịch đều đặn để giảm áp lực giá và biến động thị trường.
Tín chỉ carbon (carbon credit) là một loại giấy phép hoặc chứng chỉ có thể giao dịch, có giá trị mua bán và cung cấp cho người nắm giữ tín chỉ quyền phát thải một tấn CO2 hoặc loại khí thải khác nằm trong danh sách khí thải nhà kính.
Hiện nay, hệ thống ETS của Trung Quốc hoạt động dựa trên hai cơ chế chính, gồm giao dịch hạn ngạch (allowance trading market) và tín chỉ carbon (credit trading market). Các cơ chế này giúp doanh nghiệp bù đắp lượng phát thải qua các dự án năng lượng tái tạo hoặc trồng rừng.
Tại Việt Nam, thị trường carbon đang ở giai đoạn đầu với nhiều tiềm năng, thách thức. Theo ông Nguyễn Huy, Giám đốc Đảm bảo chất lượng dịch vụ thực phẩm của Intertek Việt Nam và Campuchia, Việt Nam dự kiến thử nghiệm hệ thống ETS và thị trường giao dịch carbon vào năm sau, với mục tiêu giảm 27% lượng phát thải khí nhà kính vào 2030.
Theo Nghị định 06/2022 về lộ trình, biện pháp quản lý phát thải khí nhà kính, các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng và giao thông có lượng phát thải lớn sẽ tham gia hệ thống giao dịch hạn ngạch trong tương lai. Nhà chức trách cũng đang xây dựng danh sách doanh nghiệp phát thải lớn và chuẩn bị nền tảng kỹ thuật cho ETS.
Hiện tại, Việt Nam triển khai một số dự án thí điểm giao dịch tín chỉ carbon, như năng lượng tái tạo và bảo vệ rừng. Tuy nhiên, hệ thống pháp lý còn thiếu đồng bộ, trong khi nhận thức của doanh nghiệp về phát thải và thị trường carbon hạn chế. Việt Nam cần đẩy mạnh đào tạo, nâng cao năng lực đo lường và thiết lập cơ chế định giá carbon hợp lý để khuyến khích doanh nghiệp tham gia, theo chuyên gia.
Kinh nghiệm từ Trung Quốc mang lại nhiều bài học cho phát triển thị trường này. Ông Zhang cho rằng, để vận hành ETS hiệu quả, cần xây dựng quy định rõ ràng, đầu tư công nghệ đo lường chính xác và thiết lập cơ chế định giá phù hợp nhằm thúc đẩy doanh nghiệp tự nguyện giảm phát thải.
Nếu tận dụng và có chiến lược phát triển phù hợp, các chuyên gia cho rằng Việt Nam có thể kiểm soát khí thải hiệu quả, đóng góp vào nền kinh tế xanh và phát triển bền vững.
Thi Hà
Nguồn tin: https://vnexpress.net/trung-quoc-phat-nang-doanh-nghiep-thieu-kiem-dinh-carbon-4820710.html