Một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump đã trực tiếp đề cập đến việc tăng thuế nhập khẩu hàng hóa từ những đối tác thương mại lớn nhất, Canada và Mexico chịu thêm ít nhất 25% thuế; và tăng thêm 10% với Trung Quốc.
Mỹ chiếm hơn 83% lượng hàng xuất khẩu từ Mexico và 75% lượng hàng xuất khẩu của Canada. Tổng kim ngạch “bộ ba” này lên tới hàng nghìn tỷ đô la Mỹ nên việc áp thuế bất thường gây tác động rất lớn.
Thuế quan cũng có thể gây rắc rối cho các công ty nước ngoài như nhiều nhà sản xuất ô tô và điện tử châu Á sử dụng Mexico và Canada làm cửa ngõ sản xuất chi phí thấp cho thị trường Mỹ.
Trong vài năm gần đây, các hãng xe điện Trung Quốc ồ ạt đầu tư vào hai quốc gia láng giềng của Mỹ, do vậy nhiều chuyên gia cho rằng, đây là “đòn đánh” đa mục tiêu. Bởi vì các mức thuế quan mới mà ông Trump đe dọa dường như vi phạm các điều khoản của Hiệp định thương mại Mỹ – Mexico – Canada (USMCA). Đáng lưu ý USMCA sẽ khởi động tái đàm phán những điều khoản sắp hết hạn vào năm 2026.
William Reinsch, cựu Chủ tịch Hội đồng Thương mại đối ngoại Quốc gia (Mỹ), cho biết ông Trump có thể đang trông cậy vào mối đe dọa áp thuế để thúc đẩy việc đàm phán lại USMCA – theo hướng khác.
Ông Ricardo Monreal, Lãnh đạo Hạ viện Mexico cho rằng: “Việc leo thang trả đũa thương mại sẽ chỉ gây tổn hại đến túi tiền của người dân và không giải quyết được các vấn đề cơ bản”.
Trung Quốc được cho là tâm điểm chú ý trong chương trình nghị sự kinh tế của nội các mới tại Mỹ. Nền kinh tế số 2 thế giới hiện đang ở trong tình thế dễ bị tổn thương do tình trạng suy thoái bất động sản kéo dài, rủi ro nợ nần và nhu cầu trong nước yếu.
Ngay trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống, ông D. Trump đã đưa ra kế hoạch áp thuế toàn diện từ 10% đến 20% đối với hầu hết mọi mặt hàng nhập khẩu, riêng Trung Quốc sẽ chịu thuế suất nhập khẩu vào Mỹ lên tới 60%. Ông Trump cũng cho biết sẽ áp thuế lên tới 200% đối với tất cả ô tô đi qua biên giới Mỹ và Mexico.
Nhiều nhà kinh tế nhận định các kế hoạch áp thuế chung của ông Trump có khả năng là chính sách kinh tế gây hệ quả lớn nhất, sẽ đẩy mức thuế nhập khẩu của Mỹ trở lại mức của những năm 1930, gây ra lạm phát, làm sụp đổ trục thương mại khổng lồ Trung – Mỹ, gây ra sự trả đũa và sắp xếp lại chuỗi cung ứng một cách triệt để.
Trong một diễn biến mới nhất, rất nhiều CEO công ty công nghệ hàng đầu đã tề tựu về Trung Quốc để họp với các quan chức và tham dự một hội chợ chuỗi cung ứng cấp cao khi các mối đe dọa thương mại từ nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Donald Trump gia tăng.
Vấn đề này rất hệ trọng với Apple, CEO Tim Cook không chọn cách rời Trung Quốc ngay lập tức, ông đã đến nước này 3 lần trong những tháng gần đây. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc đối với doanh số bán hàng và chuỗi cung ứng của “táo khuyết”.