Chi tiết

Gánh nặng chi phí từ 2 nhà máy ngưng hoạt động , POM tiếp tục lỗ đậm

pom.jpg
Gánh chi phí quản lý và chi phí lãi vay cao từ 2 nhà máy vẫn đang ngưng hoạt động, POM tiếp tục lỗ nặng trong quý III – Ảnh: POM.

Công ty CP Thép Pomina (UpCOM: POM) vừa công bố Báo cáo hợp nhất quý III/2024 cho thấy, kết quả kinh doanh vẫn hết u ám khi tiếp tục thua lỗ hàng trăm tỷ đồng. Cụ thể, trong quý III, POM mang về hơn 488 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm nhẹ gần 3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu từ thị trường nội địa tăng trưởng 60% so với cùng kỳ, đạt gần 363 tỷ đồng, chiếm hơn 74,3% tổng doanh thu của doanh nghiệp này, trong khi đó, doanh thu từ xuất khẩu giảm 46% so với cùng kỳ, xuống còn 118 tỷ đồng.

Trong kỳ này, POM tiếp tục kinh doanh dưới giá vốn, khiến lợi nhuận gộp ghi nhận âm gần 31 tỷ đồng. Không những vậy, hàng loạt chi phí như chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng mạnh, trong đó, chi phí tài chính tăng lên hơn 206 tỷ đồng, tương đương tăng gần 3,5 lần so với cùng kỳ, chủ yếu là do lãi vay tăng. Tất cả những yếu tố trên đã khiến doanh nghiệp ngành thép này lỗ sau thuế hơn 286 tỷ đồng, cùng kỳ chỉ lỗ hơn 110 tỷ đồng. Đây cũng là quý thua lỗ thứ 10 liên tiếp của doanh nghiệp này.

Theo giải trình từ doanh nghiệp, nguyên nhân kết quả kinh doanh quý III tiếp tục thua lỗ là do nhà máy thép Pomina 3 và nhà máy Pomina 1 vẫn còn ngưng hoạt động nhưng phải gánh chịu chi phí gồm chi phí quản lý, chi phí lãi vay…. Trong đó chi phí lãi vay chiếm tỷ trọng nhiều nhất nên lỗ trong kỳ. Công ty vẫn đang tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư để tái cấu trúc lại để có thể sản xuất lại trong thời gian sớm nhất.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của POM giảm hơn 46% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn gần 1.576 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ gần 792 tỷ đồng, qua đó nâng lỗ lũy kế lên hơn 2.356 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý III/2024, POM đang phải gánh gần 5.500 tỷ đồng nợ và thuê tài chính ngắn hạn. Trong khi đó, phần lớn tài sản của doanh nghiệp đang nằm ở chi phí xây dựng dở dang tại dự án lò cao và lò EAF, thuộc nhà máy Pomina 3, với tổng giá trị 5.823 tỷ đồng.

cppom.jpg
Cổ phiếu POM đang giao dịch trên UpCOM với thị giá chỉ 2.400 đồng/cp và vẫn đang trong diện cổ phiếu bị cảnh báo và hạn chế giao dịch.

Cũng liên quan đến 2 dự án Pomina 3 và Pomina 1, vào ngày 10/9/2024 vừa qua, POM đã chính thức ký kết Hợp đồng Hợp tác đầu tư với đối tác chiến lược là Công ty Thép Nansei Nhật Bản, và ký MOU với một nhà đầu tư chuyên nghiệp khác, nhằm mục tiêu khởi động lại dự án lò cao vào đầu năm 2025.

Theo công bố kế hoạch tái cấu trúc của POM tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 được tổ chức hồi tháng 3 vừa qua, doanh nghiệp này dự kiến sẽ thành lập một pháp nhân mới là Công ty CP Pomina Phú Mỹ. Trong đó, POM sẽ góp vốn bằng hiện vật là toàn bộ đất đai, nhà xưởng, dây chuyền thiết bị của các nhà máy Pomina 3 và Pomina 1, nhằm đổi lấy 35% vốn điều lệ. Nhà đầu tư khác sẽ góp bằng tiền mặt để nắm giữ 65% cổ phần còn lại

Theo kết quả định giá tài sản của hãng kiểm toán AFC và hãng tư vấn Savills, tổng giá trị tài sản của 2 nhà máy đem góp vốn là 6.694 tỷ đồng (chưa bao gồm VAT). Trong đó, Pomina 1 được định giá là 336 tỷ đồng và Pomina 3 được định giá gần 6.358 tỷ đồng.

Trở lại với kết quả kinh doanh của POM, theo cơ cấu doanh thu trong quý III của doanh nghiệp này, doanh thu từ tiêu thụ thép tại thị trường nội địa chiếm tới hơn 74,3% trong tổng doanh thu và tăng 60% so với cùng kỳ, doanh nghiệp lỗ chủ yếu là do gánh các chi phí cao từ 02 nhà máy Pomina 1 và Pomina 3 hiện vẫn đang ngưng hoạt động.

Điều này cho thấy, nếu 2 nhà máy này hoạt động vào năm 2025 theo đúng như kế hoạch tái cấu trúc của doanh nghiệp, thì cùng với những diễn biến tích cực từ thị trường thép ở cả trong nước và quốc tế, kết quả kinh doanh của POM nhiều khả năng sẽ được cải thiện trong năm 2025.

Đặt trong bối cảnh chung của ngành thép, trong 9 tháng đầu năm, ngành bất động sản đang có nhiều tín hiệu hồi phục, kéo theo đó là ngành xây dựng cũng tăng trưởng so với cùng kỳ, qua đó, nhu cầu tiêu thụ thép trong nước cũng tăng lên.

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tổng tiêu thụ thép các loại trong 9 tháng đầu năm 2024 tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng sản lượng thép xây dựng được tiêu thụ trong 9 tháng đầu năm cũng tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, tiêu thụ nội địa đạt trên 7,1 triệu tấn, tăng 11,1% so với cùng kỳ.

Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam cũng đánh giá, sản lượng thép nội địa có sự cải thiện nhờ nhu cầu hồi phục. Tình hình thép hồi phục trở lại nhờ xuất khẩu tăng trưởng và nhu cầu hồi phục của thị trường trong nước. Ngành thép nói riêng và ngành bất động sản nói chung đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất và đang trên đà hồi phục.

Công ty Chứng khoán này kỳ vọng, sản xuất thép trong nước sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ sự cải thiện của nền kinh tế cùng với sự trở lại của thị trường bất động sản. Bộ 03 luận liên quan đến bất động sản là Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và Luật Đất đai có hiệu lực sớm, cùng với việc đẩy mạnh đầu tư công sẽ là động lực thúc đẩy nhu cầu thép tiếp tục tăng trưởng trong giai đoạn 2025 – 2026.


Source link