Phiên ngày 27/11, thị trường chứng khoán ghi nhận khối ngoại mua ròng với giá trị hơn 350 tỷ đồng. Cổ phiếu được mua mạnh nhất là FPT với 686 tỷ đồng, VNM và MSN trên 40 tỷ đồng; ngược lại, HPG, DCM, SSI, VRE, DGC, NLG… bị bán ròng.
Đây là phiên thứ 4 liên tiếp khối nhà đầu tư nước ngoài quay lại mua ròng sau 21 phiên bán ròng rã trước đó, tổng giá trị mua ròng đạt 682 tỷ đồng.
Khối ngoại tuy chỉ chiếm tỷ trọng giao dịch khoảng 8% – 9% nhưng được xếp vào nhóm dòng tiền thông minh. Trong bối cảnh thị trường giảm sâu, tinh thần nhà đầu tư đi xuống thì việc khối ngoại quay lại mua ròng được kỳ vòng ảnh hưởng tốt đến tâm lý nhà đầu tư giúp dòng tiền quay trở lại thị trường.
Song, thống kê cho thấy, thanh khoản thị trường chưa có dấu hiệu cải thiện. Giá trị giao dịch trên HoSE, nơi chiếm đến gần 90% giá trị giao dịch toàn thị trường, ghi nhận 5 phiên liên tiếp về mức 11.000 tỷ – 13.000 tỷ đồng, giảm khoảng 25% so với mức bình quân của tháng 10.
Ông Đào Hồng Dương, Giám đốc phân tích ngành và cổ phiếu Chứng khoán VPBank cho rằng theo phân tích kỹ thuật, những đáy nhọn của VN-Index thường rơi và điểm thanh khoản thị trường thấp, điều này mô tả hành vi nhà đầu tư theo trường phái không phải lướt sóng tham gia dần vào thị trường khi định giá rẻ. Có 2 trạng thái diễn ra, nếu thanh khoản tăng và giá giảm là trường hợp nhà đầu tư đổ xô bán cổ phiếu, còn trường hợp thanh khoản giảm dần nhưng giá không còn giảm nữa là một trong dấu hiệu cho thấy đáy ngắn hạn.
“Giai đoạn này thường được gọi là “lên trong nghi ngờ”, thông thường đến khi thanh khoản thị trường tăng trở lại và xác nhận phục hồi thì đã tăng được một khoảng rồi”, ông Dương phân tích.
Nhìn lại diễn biến thị trường, sau khi VN-Index xuống vùng 1.205,15 điểm phiên ngày 19/11 thì bắt đầu đi lên lại. Trong 6 phiên giao dịch gần đây, VN-Index có 4 phiên tăng với hơn 37 điểm trong khi 2 phiên giảm với 0,39 điểm.
Phiên ngày 27/11, VN-Index giảm 0,16 điểm xuống 1.241,97 điểm. Hầu hết cổ phiếu trụ cột của các nhóm ngành đều điều chỉnh nhưng mức độ giảm chỉ từ 1% đến 2%. Cổ phiếu có tác động tích cực nhất đến thị trường là FPT nhờ khối ngoại mua ròng mạnh. Ngược lại, cổ phiếu khiến thị trường giảm điểm gồm VHM, VIC, CTG, GAS, SSI với mức giảm giá khoảng 1%.
Nhóm cổ phiếu phân bón đón thông tin tích cực liên quan đến Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) được Quốc hội thông qua chiều ngày 26/11. Trong đó, các mặt hàng phân bón sẽ bị áp thuế suất 5% thay vì miễn thuế như hiện nay kể từ 1/7/2025, điều này giúp doanh nghiệp phân bón trong nước được hoàn thuế VAT, giảm chi phí giá thành, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Dù vậy, đa phần các cổ phiếu phân bón như DPM, DCM, DDV, LAS đều chìm trong sắc đó; riêng DGC tăng nhẹ 0,2% lên 106.900 đồng/cp.