Chi tiết

Đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2%, thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng

Đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2%, thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, chiều 28/11, Quốc hội nghe Tờ trình; Báo cáo thẩm tra và thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT).


Đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2%, thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT)

Trình bày tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cho biết, trong giai đoạn 2022-2024, Quốc hội đã quyết nghị giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm…

Chính sách giảm thuế GTGT 2% đã góp phần giúp giảm giá thành thông qua doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT dẫn đến giảm giá bán của hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tiêu dùng của người dân, góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động…

Bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, nước ta còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn; chi phí sản xuất còn cao; sức mua trong nước có dấu hiệu tăng chậm lại. Tổng cầu tiêu dùng trong nước được xem là một động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo Phó Thủ tướng, để góp phần tạo động lực thúc đẩy, phát triển cho nền kinh tế, cần tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT. 

Cụ thể: Giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Thời gian áp dụng: Từ ngày 01/01/2025 đến hết ngày 30/6/2025.

Trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết để tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế GTGT, góp phần giảm giá thành, giá bán hàng hóa, dịch vụ, từ đó có thể kích cầu tiêu dùng, duy trì việc làm cho người lao động, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp tục duy trì đà phục hồi và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước và nền kinh tế..

Đối với thời hạn áp dụng chính sách, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc tiếp tục cho phép áp dụng chính sách từ ngày 01/01/2025 đến hết ngày 30/6/2025.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc đề xuất ban hành và thực thi chính sách giảm thuế GTGT trong thời gian qua được thực hiện tương đối ngắn hạn, phần nào thể hiện chất lượng của công tác dự báo và tầm nhìn của việc đề xuất ban hành chính sách, làm ảnh hưởng đến sự chủ động của doanh nghiệp trong hoạch định kế hoạch sản xuất, kinh doanh…

Do đó, để hướng tới sự ổn định và tính dự báo của hệ thống chính sách thuế GTGT đồng thời, bảo đảm đồng bộ với hiệu lực thi hành dự kiến đang được quy định trong dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi), đề nghị Chính phủ bảo đảm thời hạn chấm dứt hiệu lực thực hiện của chính sách giảm thuế GTGT như được trình tại kỳ họp này, không tiếp tục đề nghị kéo dài thời gian thực hiện của chính sách.

Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị áp dụng chính sách trong năm 2025, bảo đảm chính sách đủ thời hạn để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tránh việc đề xuất gia hạn chính sách.


Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng

Giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp không chỉ dựa vào giảm thuế

Tại Phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng thuận với Tờ trình của Chính phủ đề xuất về tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT nhằm góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn sau đại dịch COVID-19 để ổn định và thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, kích cầu tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo các đại biểu Quốc hội, bên cạnh việc giảm thuế thì cần có sự đánh giá tác động đối với chính sách cũng như các giải pháp bền vững khác.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) cho rằng, mặc dù giảm thuế giá trị gia tăng là giải pháp ngắn hạn, hiệu quả nhưng cần có các giải pháp đồng bộ, dài hạn nhằm cải thiện năng lực sản xuất trong nước, nâng cao chất lượng hàng hóa và đặc biệt là tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Song song với việc giảm thuế, theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, cần tối ưu hóa nguồn thu ngân sách và Chính phủ cũng cần xây dựng và triển khai các biện pháp nhằm tăng cường thu ngân sách từ các nguồn thu khác ngoài thuế GTGT để bù đắp phần hụt thu này.

Đại biểu cũng cho rằng cần có sự quan tâm hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vì đây là lực lượng chiếm phần lớn trong nền kinh tế, nhưng lại dễ bị tổn thương trước các biến động kinh tế. 

Vì vậy, bên cạnh giảm thuế GTGT, cần có thêm các biện pháp hỗ trợ như: Triển khai các gói tín dụng với lãi suất thấp dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp họ có nguồn lực để mở rộng sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ chi phí đào tạo nhân lực…

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Đoàn Bến Tre) nhấn mạnh, việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT sẽ kích thích quá trình sản xuất, tái đầu tư doanh nghiệp và kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, chính sách giảm thuế phải bền vững, không nên ngắt quãng để doanh nghiệp nắm bắt kịp trong kế hoạch đầu tư, sản xuất, kinh doanh của mình.

Do vậy, đại biểu đề nghị chính sách nên được kéo dài thời gian hơn. Ngoài ra, Chính phủ cần có sự đánh giá đối với các mặt hàng không được giảm thuế giảm GTGT để đảm bảo sự công bằng cho các doanh nghiệp sản xuất.

Bên cạnh đó, một số đại biểu nêu ý kiến, mặc dù giảm thuế giá trị gia tăng là giải pháp ngắn hạn hiệu quả nhưng cần có các biện pháp đồng bộ dài hạn nhằm cải thiện năng lực sản xuất trong nước, nâng cao chất lượng hàng hóa và đặc biệt là tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu nêu, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cho hay, giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng, số thu ngân sách nhà nước sẽ giảm đi khoảng 26.000 tỷ đồng. Con số này các tỉnh và các bộ, ngành phải nỗ lực để bảo đảm được dự toán ngân sách.

“Chúng tôi đang đề nghị ở mức 6 tháng, bởi vì trong năm 2025 sẽ chưa lường trước được những khó khăn, đặc biệt các vấn đề về xuất khẩu. Quan trọng nhất là làm thế nào để doanh nghiệp ngày một mạnh lên và hăng hái hơn khi đóng góp vào cho ngân sách để chúng ta không bội chi ngân sách, không phải đi vay nước ngoài, không phải vay của dân nữa, đó mới là mục tiêu để bảo đảm cho sự phát triển bền vững”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng nêu quan điểm, việc giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp không chỉ dựa vào giảm thuế, thuế chỉ là một giải pháp. Muốn giải quyết được khó khăn của doanh nghiệp thì chúng ta phải giải quyết bằng các cơ chế, chính sách, ví dụ như thủ tục đầu tư, giải quyết vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, cấp phép, giải quyết các thủ tục về đất, hỗ trợ tín dụng, thị trường, nguồn nhân lực, công nghệ…

Hoàng Giang

Báo Chính phủ



Source link