Rào cản từ chính sách của Indonesia
Indonesia, một trong những thị trường smartphone tiềm năng nhất Đông Nam Á, gần đã khiến nhiều người bất ngờ khi từ chối đề xuất đầu tư 100 triệu USD của Apple.
Quyết định này bắt nguồn từ luật Tingkat Komponen Dalam Negeri (TKDN) của Indonesia. Theo đó, luật TKDN yêu cầu ít nhất 40% linh kiện hoặc nhân công cho điện thoại thông minh phải được sản xuất hoặc thực hiện tại địa phương.
Bộ Công nghiệp Indonesia khẳng định rằng khoản đầu tư của Apple là không đáp ứng tiêu chí “bốn khía cạnh công bằng” mà chính phủ đưa ra, bao gồm cạnh tranh với các thương hiệu đối thủ, giá trị gia tăng cho nền kinh tế, đóng góp vào doanh thu nhà nước và kỳ vọng tạo việc làm.
Bộ trưởng Công nghiệp, ông Agus Gumiwang Kartasasmita nhấn mạnh rằng Apple cần nỗ lực hơn để đáp ứng các yêu cầu địa phương và tăng mức đầu tư. Cụ thể, chính phủ Indonesia cho rằng số tiền 100 triệu USD là “không đủ” so với lợi nhuận khổng lồ mà “táo khuyết” thu được tại quốc gia này. Năm ngoái, Apple bán được 2,61 triệu chiếc iPhone tại Indonesia, mang về doanh thu 1,88 tỷ USD.
Trên thực tế, Indonesia không chỉ muốn thu hút vốn đầu tư mà còn kỳ vọng các nhà sản xuất quốc tế như Apple sẽ thúc đẩy nền kinh tế nội địa bằng cách phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Luật TKDN chính là công cụ để chính phủ Indonesia đảm bảo mục tiêu này, đồng thời gia tăng khả năng cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực.
Tuy nhiên, đề xuất của Apple gần đây bị đánh giá là “kém cạnh tranh” so với các thương hiệu khác như Samsung hay Oppo, vốn đã đầu tư mạnh mẽ vào các cơ sở sản xuất tại Indonesia. Chính phủ Indonesia cũng cho rằng khoản đầu tư này không tạo ra đủ giá trị gia tăng hay đóng góp đáng kể cho ngân sách quốc gia.
Ngoài ra, một vấn đề quan trọng khác là khoảng cách giữa khả năng chi trả của người dân và giá sản phẩm của Apple. Với GDP bình quân đầu người chỉ đạt mức 14.100 USD, phần lớn dân số Indonesia không đủ khả năng mua iPhone, khiến thị trường này chủ yếu phục vụ tầng lớp thượng lưu.
Bài học nào cho Việt Nam?
Trong khi Indonesia thắt chặt yêu cầu với Apple, Việt Nam lại nổi lên như một điểm đến đầu tư lý tưởng. Apple gần đây đã tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam bằng cách mở rộng các nhà máy sản xuất và lắp ráp linh kiện. Việt Nam đang được đánh giá cao nhờ môi trường đầu tư ổn định, lực lượng lao động có tay nghề và chi phí cạnh tranh.
Thêm vào đó, Việt Nam không áp đặt các yêu cầu nghiêm ngặt như luật TKDN của Indonesia, giúp doanh nghiệp nước ngoài dễ dàng thực hiện các dự án sản xuất hơn. Điều này tạo điều kiện để Apple mở rộng chuỗi cung ứng và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang.
Quyết định “chê” khoản đầu tư của Apple cho thấy Indonesia sẵn sàng hy sinh cơ hội ngắn hạn để thúc đẩy phát triển công nghiệp nội địa. Đây là bài học mà Việt Nam có thể tham khảo khi đặt ra chiến lược thu hút đầu tư trong tương lai.
Việt Nam cũng cần cân nhắc hơn nữa giữa việc tạo môi trường đầu tư thuận lợi và áp dụng các chính sách để đảm bảo sự phát triển bền vững của các ngành công nghiệp trong nước. Nếu biết cách tận dụng cơ hội, Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất công nghệ của khu vực, đặc biệt khi các tập đoàn lớn như Apple đang ngày càng coi trọng vai trò của nước ta trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhìn chung, quyết định của Indonesia phản ánh tham vọng phát triển nội địa hóa và gia tăng giá trị cho nền kinh tế. Điều này cũng đặt ra câu hỏi về sự cân bằng giữa yêu cầu nội địa và khả năng thu hút đầu tư nước ngoài. Việc các quốc gia như Indonesia hay là Việt Nam tranh giành cơ hội từ những tập đoàn lớn như Apple không chỉ là câu chuyện về vốn đầu tư mà còn là bài toán về chiến lược dài hạn, đóng vai trò định hình tương lai kinh tế của khu vực.