Chi tiết

Xu hướng tăng trưởng của nhu cầu vốn tín dụng tiêu dùng

Có thể thấy các yếu tố môi trường kinh tế xã hội là yếu tố chính tác động đến tăng trưởng tín dụng tiêu dùng nói chung.

Tín dụng tiêu dùng tăng trưởng

Đến cuối tháng 10/2024, tổng dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 6,3% so với cuối năm 2023 và tăng 12% so với cùng kỳ.

Phân tích về hoạt động tín dụng tiêu dùng trên địa bàn, có thể thấy một số xu hướng như sau:

Tin dung tieu dung
Để kích cầu tiêu dùng, tín dụng tiêu dùng có vai trò quan trọng mang đến các giải pháp tài chính thiết thực gắn với nhu cầu phục vụ đời sống người dân. Ảnh minh họa: HD Saison

Tín dụng cho vay mua, thuê mua và xây dựng, sửa chữa nhà để ở chiếm tỷ trọng cao nhất. Nếu phân tích hoạt động tín dụng tiêu dùng theo mục đích vay, mục đích sử dụng, thì tín dụng cho vay mua nhà để ở, thuê, thuê mua nhà ở và xây dựng, sữa chữa nhà ở, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở… đạt 660 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng dư nợ cho vay tiêu dùng trên đia bàn, chiếm 61,7%.

Tín dụng phục vụ đời sống, bao gồm mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình tăng trưởng cao nhất. Đến nay, dư nợ cho vay mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình đạt trên 145 nghìn tỷ đồng, chiếm 13,6% trong tổng dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng; tăng 25% so với cuối năm và tăng 46,5% so với cùng kỳ. Trong khi đó, cho vay mua, thuê mua phương tiện đi lại giảm 21,3% so với cuối năm 2023.

Còn dư địa lớn

Có thể thấy, trong những tháng gần đây nhu cầu vốn tín dụng tiêu dùng đang có xu hướng tăng trưởng gắn liền với xu hướng tăng trưởng của nền kinh tế. Các yếu tố môi trường kinh tế xã hội là yếu tố chính tác động đến tăng trưởng tín dụng tiêu dùng nói chung và trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Nguyen Duc Lenh 200
Ông Nguyễn Đức Lệnh

Trong đó, nhóm cho vay nhà để ở đã và đang có xu hướng tăng trưởng tốt hơn trong 3 tháng trở lại đây và đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong tháng 10/2024, tăng 1,3%. Đây là nhóm chiếm tỷ trọng cao nhất, vì vậy việc tăng trưởng tích cực của nhóm này sẽ thúc đẩy hoạt động tín dụng tiêu dùng tăng trưởng.

Bên cạnh đó, nhu cầu vay vốn tiêu dùng phục vụ đời sống, mua sắm trang thiết bị và đồ dùng gia đình, cùng với tiện ích thẻ tín dụng cũng là yếu tố tác động tích cực đến tăng trưởng tín dụng tiêu dùng trên địa bàn Thành phố hiện nay.

Kết quả hoạt động tín dụng tiêu dùng của các TCTD đã góp phần phục vụ đời sống, sinh hoạt của người dân và mang ý nghĩa xã hội rất lớn, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo đảm an sinh xã hội; góp phần phòng chống tín dụng đen hiệu quả và bảo đảm an ninh trật tự.

Ở góc độ quản trị kinh doanh, tín dụng tiêu dùng tăng trưởng và mở rộng sẽ kích thích tiêu dùng và sản xuất, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và mở rộng sản xuất kinh doanh cũng như tiêu dùng ở quy mô lớn hơn.

Trong bối cảnh dư địa về tăng trưởng tín dụng tiêu dùng vẫn còn rất lớn, hoạt động này chắc chắn sẽ tiếp tục góp phần vào sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế trong thời gian tới.

Ngày 26/11/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 121/CĐ-TTg về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng.

Theo Công điện, để đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng những tháng cuối năm cần tiếp tục thực hiện các giải pháp phù hợp nhằm tăng tổng cầu, kích thích tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư, sớm khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định đời sống của nhân dân, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công…, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các hiệp hội ngành hàng, ngành nghề và doanh nghiệp quyết tâm hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa, chủ động tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại các Quyết định, Chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển thị trường trong nước; rà soát, ưu tiên triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công, các gói tín dụng cũng như các chính sách thu hút nguồn lực xã hội tham gia thực hiện các chương trình, nhiệm vụ liên quan đến kích cầu tiêu dùng.


Source link