Chuyển sản xuất về Mỹ là một trong những xu hướng mà Tổng thống Mỹ dù là đảng Dân chủ hay Cộng hòa đều nhất quán. Ví dụ điển hình với xe điện – không chỉ là tạo ra việc làm cho nền kinh tế mà còn là niềm tự hào của nước Mỹ – đã bị Trung Quốc vượt mặt trong ngành công nghiệp này.
Kế hoạch việc làm của người Mỹ (AJP) sẽ tái lập vị thế là nước xuất khẩu xe điện hàng đầu thế giới. Xuất khẩu tạo việc làm trực tiếp cho 10 triệu người Mỹ, bao gồm 36% trong ngành sản xuất – gấp khoảng bốn lần so với tỷ lệ 9% của nền kinh tế nói chung.
Và với nhiều nguyên nhân khác, giờ đây người Mỹ không muốn duy trì thị trường xe điện “màu mỡ” cho đối tác nước ngoài. Họ muốn tự chủ, sản xuất và xuất khẩu; bất kỳ doanh nghiệp nào muốn – đều có thể chuyển nhà máy sang Mỹ.
Hoặc, nếu muốn bán xe điện tại Mỹ – nhà sản xuất phải chịu mức thuế “không khuyến khích” – ít nhất là với những quốc gia bị liệt vào danh sách “gây phương hại” cho kinh tế Mỹ.
Nghiên cứu từ Analysis Group và Keystone Public Policy Economics chỉ ra rằng việc triển khai đầy đủ chiến lược của AJP, cùng với các tiêu chuẩn xuất xứ của xe điện, sẽ tạo ra hơn 200.000 việc làm trong ngành sản xuất, cùng với hơn 400.000 việc làm khác vào năm 2025.
Công ty dịch vụ tài chính toàn cầu S&P Global vừa công bố báo cáo đánh giá tương lai ngành công nghiệp ô tô tại châu Âu và châu Mỹ trước nguy cơ phải chịu chi phí cao hơn bất thường. Theo đó, các nhà sản xuất ô tô châu Âu và Mỹ sẽ mất tới 17% tổng lợi nhuận cốt lõi hàng năm nếu Washington áp thuế nhập khẩu đối với châu Âu, Mexico và Canada. Đây là con số thiệt hại không hề nhỏ.
Những hãng ô tô cao cấp Volvo và Jaguar Land Rover, chủ yếu sản xuất tại châu Âu, cùng với các tập đoàn General Motors lắp ráp ô tô khối lượng lớn tại Mexico và Canada, là những doanh nghiệp dễ bị ảnh hưởng nhất bởi mối đe dọa về mức thuế quan cao hơn.
Nếu nhìn toàn diện hơn, chính sách thuế quan của ông Trump không phải chỉ có tác động tiêu cực, ngành ô tô là một ví dụ: ngoài những quốc gia sản xuất ô tô bị tăng thêm thuế, có liên quan đến Trung Quốc, Mexico và Canada, phần còn lại sẽ được hưởng lợi.
Tại châu Á, ngoài những hãng xe lớn từ Nhật Bản và Hàn Quốc đã chuyển một phần sản xuất sang Mỹ, vẫn còn hàng chục nhà sản xuất khác tìm cách hiện diện tại thị trường quan trọng này.
Những doanh nghiệp non trẻ đang tiến vào phân khúc xe điện sẽ có cơ hội cạnh tranh về giá với các công ty rất sừng sỏ của châu Âu. Nhưng lợi thế đó cũng không dễ đạt được.
Bài toán dần phức tạp hơn, bởi quy định về nguồn gốc xuất xứ các thành phần cấu thành sản phẩm xe điện. Ví dụ đối với pin, hiện do Trung Quốc thống trị – các công ty sản xuất pin Trung Quốc đã rời khỏi Đông Nam Á để né thuế quan, khiến nhiều quốc gia mất đi chuỗi cung ứng tại chỗ.