Chi tiết

Trung Quốc đánh mất thị trường tiền điện tử vào tay Mỹ ra sao?

Trong một thời gian dài, Trung Quốc đã từng thâu tóm thị trường khai thác Bitcoin (BTC), dẫn đến một loạt hoạt động kinh doanh tiền điện tử trước khi có cuộc trấn áp mạnh tay của chính phủ vào năm 2021.

btc.png
Việc ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Hoa Kỳ sau cuộc bầu cử ngày 5/11, giá Bitcoin tăng vọt gần đạt 100.000 USD/BTC

Vào tháng 8/2012, một doanh nhân trẻ người Trung Quốc đã đăng lên diễn đàn trực tuyến BitcoinTalk rằng anh đang bán cổ phiếu của một công ty sẽ sản xuất phần cứng có chip chuyên khai thác Bitcoin và trả cổ tức dựa trên thu nhập.

Sau đó, hoạt động khai thác Bitcoin bùng nổ ở đất nước tỷ dân và nơi đây từng được coi là “công xưởng của thế giới”, khi trở thành nhà sản xuất thống trị không chỉ thiết bị khai thác, mà còn cả Bitcoin nhờ vào giá điện rẻ.

Chia sẻ với truyền thông, ông Leonhard Weese, người đứng đầu tại Lightning Labs (Vancouver) cho biết: “Ý tưởng về tiền phi tập trung chưa bao giờ thực sự thu hút được nhiều sự chú ý ở Trung Quốc. Nhưng ý tưởng về huy động vốn cộng đồng phi tập trung và các công ty khởi nghiệp lại rất hấp dẫn tại quốc gia này. Tôi nghĩ rằng nhiều người ở Trung Quốc quan tâm nhiều hơn đến việc đánh bạc vào các công ty khởi nghiệp trong tương lai, hơn là đầu cơ vào việc tiền của tương lai sẽ như thế nào”.

Đến nay, bối cảnh tiền điện tử đã thay đổi đáng kể sau hàng loạt những biến động thăng trầm. Đặc biệt, việc ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Hoa Kỳ sau cuộc bầu cử ngày 5/11, giá Bitcoin tăng vọt gần đạt 100.000 USD/BTC. Sự nhiệt tình về tương lai của tiền điện tử và blockchain ở Hoa Kỳ, đã khiến một số người đặt câu hỏi về cách Trung Quốc đánh mất vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực này ra sao và làm thế nào để họ có thể giành lại một số hoạt động kinh doanh?

Chính phủ Trung Quốc đã xây dựng một hệ thống quản lý hà khắc trong hàng chục năm qua để loại bỏ hoàn toàn hoạt động giao dịch và khai thác Bitcoin trong nước, coi tiền kỹ thuật số là mối đe dọa đối với sự ổn định tài chính của đất nước. Trong khi đó, ông Donald Trump lại bày tỏ quan điểm thân thiện với tiền điện tử, thu hút số đông những người tin tưởng vào loại hình này. Trong quá trình vận động tranh cử, ông cũng hứa sẽ tạo ra một “kho dự trữ Bitcoin chiến lược”.

Sandy Peng, người sáng lập công ty blockchain Scroll bình luận: “Điều này nhận được sự ủng hộ rất lớn từ cộng đồng Bitcoin. Đây là lần đầu tiên một ứng cử viên lớn thực sự kêu gọi nhóm người trong cộng đồng tiền điện tử cho mục đích bầu cử”.

Đối với Trung Quốc, một số người đam mê tiền điện tử vẫn hy vọng Bắc Kinh có thể mở cửa cho giao dịch tiền điện tử trở lại, nhưng các chuyên gia cho rằng điều này là không thể. Họ gợi ý việc thị trường đi qua trung tâm tài chính ở Hồng Kông, nơi đóng vai trò như một trạm thí điểm tiền điện tử của Trung Quốc sẽ là một lựa chọn có nhiều khả năng xảy ra hơn.

Về vấn đề này, Giám đốc điều hành của Red Date Technology – He Yifan bày tỏ, nếu Trung Quốc mở cửa với tiền mã hóa, cho phép người dân đại lục giao dịch trên các sàn giao dịch tiền mã hóa được cấp phép tại Hồng Kông, nhưng vẫn tuân thủ hạn mức ngoại hối quốc gia là 50.000 USD đối với cá nhân, thì Hồng Kông sẽ ngay lập tức trở thành trung tâm tiền điện tử của thế giới.

“Tuy nhiên, có một “ranh giới đỏ” sẽ không bao giờ bị vượt qua, đó là khả năng chuyển tiền ra nước ngoài thông qua tiền điện tử đối với người dân đại lục. Dòng tiền vào, ra hiện vẫn là vấn đề nhạy cảm nhất và sẽ không bao giờ được nới lỏng”, ông nhấn mạnh.

Có thể thấy câu chuyện xoay quanh tiền điện tử của Trung Quốc như đã thực sự khép lại vào năm 2021. Cụ thể, Bắc Kinh đã đẩy lùi gần như toàn bộ hoạt động khai thác Bitcoin và tuyên bố hoạt động kinh doanh tiền điện tử là bất hợp pháp. Tại Hồng Kông, một số sàn giao dịch cũng đã rút lui vì nhận thấy sự không chắc chắn về mặt quy định, sau khi chính quyền thành phố đưa ra một chương trình cấp phép tự nguyện và đề xuất cấm các nhà đầu tư bán lẻ.

Sau đó, Trung Quốc đã tìm cách duy trì một số hoạt động trong Web3, kêu gọi nghiên cứu nhiều hơn về blockchain và nỗ lực tách biệt các blockchain chính thống ra khỏi tiền điện tử, để chúng có thể được sử dụng hợp pháp tại Trung Quốc đại lục.

Một nhà phân tích thị trường nhìn nhận: “Tôi cảm thấy mặc dù Trung Quốc đã tiên phong nhưng cuối cùng lại tụt hậu trong lĩnh vực tiền điện tử. Nhưng một điều tích cực là khi mọi người ở nước ngoài đều sử dụng một thứ gì đó, thì Trung Quốc sẽ bắt kịp”.


Source link