Chi tiết

120 tỷ USD tiền số chảy vào Việt Nam mỗi năm, Đại biểu Quốc hội muốn Luật hoá để quản lý

Theo các đại biểu Quốc hội, hàng năm có khoảng 120 tỷ USD là tiền mã hoá được chuyển vào Việt Nam. Vì vậy, nếu không có khuôn khổ pháp lý cho hình thức sở hữu này thì sẽ bỏ qua một mảng rất quan trọng của kinh tế số.

Việt Nam đứng thứ hai thế giới về sở hữu tài sản ảo

Về vấn đề quản lý tài sản số, đại biểu Hoàng Minh Hiếu, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Nghệ An cho biết các báo cáo nghiên cứu thống kê đều cho thấy, Việt Nam đang vào hàng đứng thứ hai thế giới về tỷ lệ người dân sở hữu tài sản số với khoảng 20 triệu người có sở hữu tài sản số, hàng năm có khoảng 120 tỷ USD là tiền mã hoá được chuyển vào Việt Nam.

“Nếu không có khuôn khổ pháp lý cho hình thức sở hữu này Việt Nam sẽ bỏ qua một mảng rất quan trọng của kinh tế số”, ông Hiếu nói.

Xây dựng hành lang pháp lý về tiền ảo, tài sản ảo, ngăn ngừa rủi ro rửa tiền. Ảnh minh họa

Việt Nam đứng thứ hai thế giới về sở hữu tài sản ảo.

Đại biểu đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện các quy định về tài sản số tại Mục 3, Chương II của Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, trong đó đưa vào một số điểm.

Thứ nhất, cần có sự phân loại cụ thể tài sản số để có những phương án quản lý khác nhau như phân loại tài sản số thành tiền mã hoá, tài sản số đại diện, tài sản ảo trong hệ sinh thái kỹ thuật số… Pháp luật các nước cũng đã có những quy định phân loại cụ thể để có những hình thức quản lý tài sản số phù hợp.

Thứ hai, dự án Luật còn thiếu các quy định làm rõ trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ tài sản số để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Qua kinh nghiệm của các nước cho thấy, đây là một nội dung rất quan trọng.

Đại biểu dẫn chứng, pháp luật của Liên minh Châu Âu đặt ra những quy định rất cụ thể về trách nhiệm của nhà phát hành tài sản số như phải đăng ký hoạt động; phải cam kết chịu trách nhiệm pháp lý đối với các sản phẩm phát hành; các nền tảng giao dịch và lưu trữ tài sản số cũng phải được cấp phép hoạt động và phải duy trì bảo mật thông tin cũng như minh bạch trong giao dịch.

Việt Nam trở thành mảnh đất màu mỡ cho người kinh doanh tiền số

Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cũng đề xuất bổ sung thêm các quy định cụ thể tiền mã hóa và tài sản trí tuệ số, tài sản số liên quan đến Big Data.

Đối với nguyên tắc quản lý tài sản số được quy định tại Điều 16, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, cần làm rõ các giai đoạn của vòng đời tài sản số (ví dụ như tạo lập, giao dịch, lưu trữ, hủy bỏ) và trách nhiệm pháp lý tại từng giai đoạn. Điều này giúp cơ quan quản lý có cơ sở theo dõi và kiểm soát hiệu quả hơn.

120 tỷ USD tiền số chảy vào Việt Nam mỗi năm, Đại biểu Quốc hội muốn Luật hoá để quản lý

Việt Nam trở thành mảnh đất màu mỡ cho người kinh doanh tiền ảo.

Đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật bổ sung danh mục các cơ quan chịu trách nhiệm chính trong từng lĩnh vực.

“Ví dụ như Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý công nghệ, Bộ Tài chính quản lý thuế, Ngân hàng Nhà nước quản lý tài chính số”, đại biểu nói.

Từ đó, ông đề nghị sửa đổi theo hướng: Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm xây dựng khung pháp lý liên quan đến công nghệ tài sản số; Bộ Tài chính quản lý các khía cạnh thuế và tài chính; Ngân hàng Nhà nước giám sát các hoạt động tài chính số.

Ngoài ra, đại biểu Thạch Phước Bình cũng đề xuất thêm quy định về việc các cơ quan Nhà nước liên quan phải báo cáo định kỳ về tình hình quản lý, rủi ro và các thách thức trong quản lý tài sản số. Điều này giúp nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Trước đó, đại biểu Nguyễn Văn Thân, Đoàn (ĐBQH) tỉnh Thái Bình cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam đang trở thành mảng đất rất màu mỡ cho những người kinh doanh tiền số (tiền ảo) bởi chúng ta chưa có chính sách về vấn đề này.

Theo đại biểu, các nước xung quanh Việt Nam đã có quy định về tiền số, vì vậy Việt Nam cần có quyết sách rõ ràng về việc đồng ý hay không đồng ý đối với loại hình này. Nếu không Việt Nam sẽ trở thành nơi trốn thuế lý tưởng của các nhà đầu tư tiền số, đại biểu nhấn mạnh.



Nguồn tin